Ða dạng cách làm
Hơn hai năm qua, tại Cà Mau, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LÐNT đã tạo được bước chuyển đáng kể trên cơ sở thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ và gắn kết với mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Việc đào tạo nghề được tổ chức theo địa điểm, các mô hình sản xuất tại các ấp, xã, thị trấn, cụm tuyến dân cư đã tạo thuận lợi, thu hút khá đông LÐNT nhàn rỗi tham gia. Cùng với đào tạo nghề tập trung tại các trường trung cấp, cao đẳng dạy nghề; thời gian đào tạo đối với LÐNT học nghề sơ cấp là ba tháng và dạy nghề thường xuyên. Ðể dạy nghề cho LÐNT đạt hiệu quả, tỉnh Cà Mau chỉ đạo việc dạy nghề gắn với chương trình mực tiêu lớn của tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Trước mắt, chọn các huyện Ðầm Dơi, Trần Văn Thời và Thới Bình để làm điểm dạy nghề cho LÐNT. Các địa phương này đều có lợi thế về kinh tế, thuận lợi trong việc chọn các lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp như mô hình chuyên nuôi tôm; nuôi tôm kết hợp trồng lúa; sản xuất lúa kết hợp nuôi cá đồng; làm vườn, trồng hoa màu, ngành nghề đan lát thủ công... Ðúc kết từ cách làm cụ thể bước đầu, việc triển khai dạy nghề tại từng địa bàn cho LÐNT gắn với xây dựng nông thôn mới đã mang lại hiệu quả thiết thực và được nhân rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Ngọc Hiển Nguyễn Thanh Ðời, chia sẻ: Huyện xây dựng kế hoạch cho từng giai đoạn cụ thể, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lao động từng địa phương. Gắn công tác đào tạo nghề với giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tiền đề quan trọng để xây dựng nông thôn mới. Từ đầu năm 2011 đến nay, Trung tâm dạy nghề đã ưu tiên mở các lớp lưu động dạy nghề sơ cấp và dạy nghề dưới ba tháng, thu hút 542 LÐNT học các nghề: nuôi tôm quảng canh cải tiến; trồng bảo vệ, khai thác có hiệu quả tài nguyên dưới tán rừng ngập mặn... Việc triển khai đề án đào tạo nghề tại chỗ được người dân đồng tình và rất phấn khởi. Hầu hết LÐNT đam mê với ngành nghề được đào tạo và đã "thực nghiệm" ngay trên ao đầm nuôi tôm của chính mình; đồng thời "dạy, truyền nghề" lại cho người chưa biết để nhân rộng các mô hình sản xuất. Trong các mô hình đào tạo thí điểm, ít nhất có 80% số học viên sau khi học xong đều có việc làm; thu nhập tăng lên đáng kể so với trước.
Theo Giám đốc Trường trung cấp kinh tế - kỹ thuật Cà Mau, Lưu Vi Huyền, việc dạy nghề phải sát với thực tế, đáp ứng yêu cầu của LÐNT trong việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng, chuyển đổi nghề nghiệp. Theo hướng này, nhà trường mở các lớp chế biến, nuôi trồng thủy sản; nuôi cá nước ngọt tại nhiều địa phương trong tỉnh. Các lớp học được triển khai tại địa bàn xã, ấp, cụm tuyến dân cư với cách làm cụ thể "cầm tay chỉ việc" cho nên nhận được sự ủng hộ cao từ bà con LÐNT. Chủ tịch UBND xã Trí Lực, huyện Thới Bình Huỳnh Văn Hùng khẳng định: Dạy nghề tại chỗ là khá thiết thực và cần thiết, vì bà con không phải đi xa, tốn kém nhiều chi phí và mất thời gian. Lâu nay, LÐNT tiếp cận khoa học - kỹ thuật còn nhiều hạn chế cho nên trong quá trình sản xuất chưa đạt hiệu quả cao. Thông qua các lớp dạy nghề tại chỗ, đến nay đã có hàng trăm LÐNT được dạy nghề và có việc làm ổn định, có thu nhập khá tại các hợp tác xã, các làng nghề truyền thống.
Việc làm "hậu" học nghề
Sáu tháng đầu năm 2012, tỉnh Cà Mau đã đào tạo, dạy nghề cho 15.300 lao động; trong đó chủ yếu là dạy nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ; dạy nghề sơ cấp, dạy nghề dưới 3 tháng và lao động sau học nghề có việc làm đạt 70%. Tuy nhiên, thực tế số LÐNT ở Cà Mau chưa được đào tạo nghề, chưa có việc làm thường xuyên còn chiếm tỷ lệ cao, bởi công việc phần lớn là làm theo mùa vụ, do đó lãng phí quỹ thời gian lao động khá lớn. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đời sống của người dân nông thôn kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo hoặc tái nghèo hằng năm tại Cà Mau còn cao. Vì vậy, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LÐNT hiện nay là nhu cầu rất bức xúc, vì nông thôn hiện chiếm hơn 82% số lao động trong toàn tỉnh. Mục tiêu phấn đấu của tỉnh từ nay đến năm 2015 đào tạo, dạy nghề cho 175 nghìn LÐNT, trong đó 102 nghìn người học nghề nông nghiệp; 73 nghìn người học nghề phi nông nghiệp và tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 80% trở lên.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Cà Mau Lê Thanh Tòng, cho biết: Hiện nay, việc đào tạo nghề cho LÐNT nhiều nơi chưa sát với nhu cầu thực tế. Số lao động sau khi học nghề chưa có việc làm còn cao. Tại nhiều địa phương trong tỉnh, khi kết thúc khóa học, nhiều lao động chỉ có thể ứng dụng ngành nghề đã học tại gia đình, không có đất để "dụng võ", nhất là nghề may, thêu, sửa chữa điện tử... Cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên phục vụ dạy nghề thiếu; kinh phí đáp ứng không kịp thời và những khó khăn xuất phát từ chính bản thân những người cần đào tạo nghề. Từ trước tới nay, nông dân đã quen với cách sản xuất truyền thống, cho nên dù được truyền đạt và hướng dẫn, nhưng sau khi học nghề, rất nhiều LÐNT lại quay về với cách làm cũ hoặc vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Mặt khác, LÐNT tham gia học nghề phần lớn trình độ học vấn thấp, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, cùng với tâm lý lo ngại sau khi đi học không tìm được việc làm, không có vốn... đã hạn chế đáng kể mục tiêu của chương trình. Hiện Cà Mau còn khoảng 30% số LÐNT đã học nghề nhưng chưa được giới thiệu việc làm hay tự tạo việc làm để bảo đảm thu nhập vì nhiều nguyên nhân. Ðể giải quyết vấn đề này, đòi hỏi phải thực hiện tốt mối quan hệ giữa cơ sở dạy nghề - người học nghề - chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Việc dạy nghề theo nhu cầu người học và giải quyết việc làm cho người học sau khi kết thúc khóa học cần phải có sự chung tay của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp... Ðồng thời đưa công tác dạy nghề gắn kết chặt chẽ với mục tiêu xây dựng nông thôn mới: tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lao động nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân ở nông thôn.
Ðể chương trình được triển khai thiết thực, hiệu quả, tỉnh Cà Mau đề ra giải pháp, kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên để người dân không chỉ hiểu, tin tưởng mà còn tính toán cụ thể để có thể chọn được ngành, nghề phù hợp. Sau khi được đào tạo nghề, cần quan tâm hỗ trợ cho nông dân vay vốn đầu tư vào sản xuất; giúp LÐNT gắn bó, bảo đảm có thu nhập và đời sống ổn định từ nghề đã được đào tạo. Việc khuyến khích người dân thực hiện chủ trương đào tạo cần đi đôi với giải quyết bài toán "hậu" học nghề, tạo việc làm cho LÐNT. Cần lựa chọn, cơ cấu nghề đào tạo linh hoạt và có trọng tâm, trọng điểm: sản xuất gì thì học nghề đó để phục vụ nhu cầu tại chỗ trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông-ngư-lâm nghiệp; công nghiệp, dịch vụ.
Bài và ảnh: NGỌC QUÂN
Nguồn:nhandan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã