Học tập đạo đức HCM

Ðể nông dân tự nguyện tham gia bảo hiểm nông nghiệp

Thứ hai - 09/04/2012 00:00
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 315/QÐ-TTg về Thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011-2013 tại 20 tỉnh trong cả nước. Tuy nhiên, sau gần một năm thực hiện, hiệu quả đạt được còn thấp, chưa thật sự thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo nông dân.
Bà đỡ" cho nông dân

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2011-2013. Theo đó, các hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp gặp rủi ro sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100%. Các hộ và cá nhân sản xuất nông nghiệp còn lại được hỗ trợ từ 20 đến 80% phí bảo hiểm. Những rủi ro được bảo hiểm gồm thiên tai (bão, lũ, lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá...) và dịch bệnh (cúm, tai xanh, lở mồm long móng, rầy nâu, vàng lùn, xoắn lá...). Cây trồng, vật nuôi tại các địa phương được bảo hiểm gồm: Lúa tại Nam Ðịnh, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Ðồng Tháp; trâu, bò, lợn, gia cầm tại Bắc Ninh, Nghệ An, Ðồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Ðịnh, Bình Dương, Hà Nội; nuôi trồng thủy sản (cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng) tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.

Theo quy định của BHNN thì Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí BHNN cho hộ, cá nhân nghèo; hỗ trợ 80% phí bảo hiểm cho nông dân, cá nhân cận nghèo; 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân không thuộc diện nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm. Các tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm sẽ được hỗ trợ 20% phí. Với lúa nước sẽ bồi thường thiệt hại theo chỉ số năng suất. Nguyên tắc triển khai là doanh nghiệp bảo hiểm không được tính lợi nhuận và phải hạch toán riêng khoản thu từ bảo hiểm nông nghiệp. Nếu doanh nghiệp tham gia BHNN bị lỗ từ 10% trở lên, Nhà nước sẽ tính toán để bù lỗ.

Bên cạnh các thuận lợi nêu trên thì BHNN triển khai trong điều kiện hiện nay còn được sự quan tâm của xã hội khi mà nông nghiệp nước ta đang có bước phát triển mạnh mẽ, vị thế của người nông dân ngày càng nâng cao, đời sống tinh thần và vật chất ngày càng được cải thiện. Theo đánh giá, việc triển khai BHNN lúc này là phù hợp và đây là một trong những loại hình bảo hiểm được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ tốt nhất từ trước tới nay. Ðánh giá về thực tiễn triển khai hoạt động BHNN, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt Nguyễn Quang Phi cho rằng: Hiện có một số thuận lợi từ cơ chế, chính sách cũng như cách tiếp cận. Từ đó, BHNN có hướng mở mới, tạo công cụ cho người nông dân quản lý rủi ro và tìm kiếm nguồn tài chính bù đắp cho các hộ nông dân tham gia. Bảo Việt tham gia chương trình này với quan điểm là không vì lợi nhuận, hơn thế còn là "bà đỡ" cho bà con nông dân.

Thế nhưng, đến nay, sau gần một năm thực hiện, cũng là non nửa chặng đường tiến hành thí điểm, chỉ có rất ít các địa phương trong cả nước triển khai và hiệu quả đạt được từ loại hình BHNN còn khá thấp.

Nội dung bảo hiểm chưa sát thực tiễn

Nghệ An là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc cấp được giấy chứng nhận BHNN cho người nông dân. Công ty Bảo Việt Nghệ An đã tổ chức ký hơn 22 nghìn hợp đồng BHNN cây lúa ngay trong vụ đông xuân này vào đầu tháng 3 vừa qua. Cùng với những hợp đồng BHNN ở Nghệ An được ký, theo Bảo Việt, hiện có thêm tỉnh Ðồng Tháp cũng đã ký được hợp đồng bảo hiểm cây lúa với 2.500 hộ nông dân, số tiền ban đầu gần 500 triệu đồng. Riêng về bảo hiểm vật nuôi, tỉnh Sóc Trăng cũng đã ký hợp đồng bảo hiểm với hơn hai nghìn hộ nông dân, tổng số tiền lên đến tám tỷ đồng... Tại Hà Nội, việc thí điểm BHNN đã được triển khai tại hai huyện Ba Vì, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, cùng với Bảo Việt,  Bảo Minh đã tổ chức triển khai công tác BHNN tại các tỉnh nằm trong kế hoạch. Mới đây, doanh nghiệp bảo hiểm này đã tổ chức tư vấn bảo hiểm cá tra cho nông dân và chính quyền tại một số xã thuộc tỉnh Trà Vinh. Việc tổ chức tư vấn như vậy sẽ  giúp nông dân và chính quyền địa phương hiểu rõ hơn về lợi ích khi tham gia bảo hiểm đối với cá tra như rủi ro được bảo hiểm, các loại trừ vào khoản phí bảo hiểm được hỗ trợ từ Nhà nước. Nhất là qua đó, tạo điều kiện cho bà con nông dân hiểu được cách tính toán số tiền bồi thường, quy trình giải quyết bồi thường khi được bảo hiểm. Hiện tại, Bảo Minh đã triển khai BHNN trong các lĩnh vực rủi ro hạn hán cho các loại cây trồng như: lúa, tôm, cá, v.v.

Là một trong số 20 tỉnh triển khai bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chương trình BHNN của tỉnh Bắc Ninh được triển khai tại ba huyện: Yên Phong, Thuận Thành, Quế Võ. Mặc dù qua gần một năm triển khai, đến nay doanh nghiệp bảo hiểm vẫn chưa ký kết được hợp đồng bảo hiểm với nông dân. Nói chung người dân chưa hiểu về quyền lợi và những ưu việt mà BHNN mang lại. Theo người dân nơi đây, biểu phí BHNN phải đóng hiện tại còn quá cao. Ðối với hộ chăn nuôi không thuộc diện nghèo, cận nghèo, dù được hỗ trợ 60% phí bảo hiểm, nhưng một con gà, vịt tham gia bảo hiểm phải nộp thêm 3.600 đồng (chu kỳ nuôi khoảng hai đến ba tháng). Ðàn gia cầm thịt 200 con trở lên, (đàn gia cầm đẻ là 100 con trở lên) khi tham gia bảo hiểm, phải nộp là 720 nghìn đồng. Còn đối với lợn thịt 120 nghìn đồng/con. Mặt khác, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện chỉ có khoảng từ 4 đến 5%, nghĩa là số đối tượng thuộc diện được hỗ trợ 100% phí BHNN theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là rất ít. Còn tại Thái Bình, một trong hai tỉnh ở đồng bằng sông Hồng được chọn thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cây lúa nước cũng đang gặp không ít khó khăn. Ðến nay, tỉnh triển khai ở tất cả các xã của ba huyện Vũ Thư, Thái Thụy và Tiền Hải, với tổng diện tích là 65 nghìn 700 ha, với mức phí bảo hiểm là 5,23%. Tuy nhiên, người dân nơi đây cho rằng, có những rủi ro thực tế đang cần bảo hiểm lại không có trong nội dung bảo hiểm. Chẳng hạn, với cây lúa chỉ có bảo hiểm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, dịch rầy nâu, nhưng thực tế là các bệnh này lại ít xuất hiện. Còn như chuột gây hại rất lớn trên đồng ruộng lại không đưa vào nội dung của hợp đồng bảo hiểm.

Thực tế khó khăn trong thực hiện BHNN cũng đã được các ngành, các cấp có liên quan, các tổ chức xã hội xác định trước. Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính thì năm 2010, nông nghiệp đóng góp 20% GDP, song nông dân vẫn gặp nhiều rủi ro và tổng thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh lên đến 11 nghìn 700 tỷ đồng. Nhà nước đã hỗ trợ từ ngân sách nhưng đây mới là chi tối thiểu chứ chưa giúp nông dân khôi phục và bù đắp chi phí sản xuất. Do vậy, áp dụng BHNN sẽ trở thành cứu cánh cho người nông dân khi họ gặp rủi ro trong sản xuất. Song với mức phí bảo hiểm như Bảo Minh đưa ra hiện tại lên tới 4% giá trị mùa vụ là quá cao đối với nông dân. Ðây chính là một trong những hạn chế của tỷ lệ phí bảo hiểm thiếu sức thu hút đối với nông dân. Theo nguyên Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng thì rủi ro của nông nghiệp nước ta lớn hơn nhiều so với các nước khác. Thêm vào đó, người dân Việt Nam chưa coi trọng đóng bảo hiểm, chưa đủ lực để tham gia. Ðây là nguyên nhân chính khiến BHNN chậm phát triển; thậm chí nhiều người dân chưa hiểu thế nào là BHNN, họ được hưởng lợi như thế nào từ loại hình bảo hiểm này.

Cần giải pháp tích cực và đồng bộ

Bảo Việt - một trong hai doanh nghiệp được Nhà nước chọn tiến hành thí điểm BHNN đã từng triển khai bảo hiểm từ những năm 80 của thế kỷ 20. Song, do cơ chế chuyển đổi, cho nên việc triển khai chưa đạt hiệu quả cao, thậm chí phải tạm dừng. Ngoài bảo hiểm cây lúa, Bảo Việt còn triển khai các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác như bảo hiểm chăn nuôi, bảo hiểm cây công nghiệp, cháy rừng... Tuy nhiên, một lần nữa, BHNN lại gặp khó khăn do chưa đáp ứng nhu cầu của nông dân. Như vậy vấn đề đặt ra cho loại hình bảo hiểm đặc thù này là cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước một cách thích hợp mới hy vọng đạt hiệu quả.

Phải khẳng định, BHNN là vấn đề mới, không chỉ nông dân - đối tượng bảo hiểm mà ngay cả doanh nghiệp thực hiện bảo hiểm, cơ quan tham mưu cho Nhà nước, các cấp lãnh đạo và tổ chức đoàn thể xã hội địa phương cũng chưa nhận thức, hiểu biết một cách thấu đáo. Do vậy, trước mắt cần phải thông tin một cách đầy đủ, minh bạch, cụ thể, dễ hiểu loại hình BHNN này với nhiều hình thức.

Thực tế triển khai BHNN thời gian qua cho thấy, trong ngành nông nghiệp, mặc dù diện tích cây có hạt, cây ăn quả, cây công nghiệp lớn, số lượng gia súc, gia cầm nhiều, nhưng chỉ có tỷ lệ rất nhỏ các sản phẩm nông nghiệp được lựa chọn bảo hiểm. Ðiển hình là tháng 3 vừa qua, Nghệ An mới chính thức ký được hợp đồng bảo hiểm với nông dân. Thực tế có nhiều loại sản phẩm nông nghiệp do "lấy công làm lãi" mà có, vốn của người nông dân chỉ là mồ hôi, nước mắt, một nắng hai sương. Cho nên khi áp dụng tỷ lệ phần trăm trên sản phẩm để đưa vào hợp đồng bảo hiểm sẽ khiên cưỡng và thiếu căn cứ, không thật sự thuyết phục nông dân. Bên cạnh đó, hiện người nông dân chưa có thói quen tham gia bảo hiểm, do đời sống khó khăn, dân trí của nông dân thấp, họ làm nông nghiệp biết rủi ro lớn, nhưng một bộ phận lớn có tư tưởng chỉ lựa chọn khả năng chắc chắn xảy ra tổn thất mới tham gia bảo hiểm. Ðây chính là khó khăn lớn nhất đặt ra đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng, hoạt động triển khai BHNN nói chung. Ðể thực hiện tốt vấn đề này, cần có sự vào cuộc một cách rốt ráo, thực hiện đồng bộ các giải pháp để bản thân người nông dân hiểu, thấy rõ được quyền lợi chính đáng trong việc tham gia BHNN.

Nguồn: nhandan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập360
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm358
  • Hôm nay75,282
  • Tháng hiện tại780,395
  • Tổng lượt truy cập90,843,788
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây