Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương đúng đắn, nhân văn nhằm làm thay đổi diện mạo của vùng nông thôn. Bên cạnh những mặt được thì do quá nôn nóng chạy theo thành tích mà cái đích NTM đã lệch hướng, nhiều địa phương về đích NTM đã phải “gánh” thêm cục nợ. Ở Nghệ An cũng không phải ngoại lệ: Tính đến tháng 6/2016 các địa phương xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh nợ đọng xây dựng cơ bản gần 1.000 tỷ đồng, trong đó đơn vị xã nợ nhiều nhất khoảng 30 tỷ và ít nhất 1 tỷ đồng.
Về đích là nợ
Theo báo cáo của Văn phòng điều phối NTM tỉnh Nghệ An, năm 2010, Nghệ An có hơn 400 xã xây dựng NTM, trong đó chỉ duy nhất 1 xã đạt 12 tiêu chí, 50 xã chưa đạt tiêu chí nào. Mặc dù xuất phát điểm của Nghệ An thấp nhưng sau 5 năm, Nghệ An đã đạt trung bình hơn 13 tiêu chí. Theo kế hoạch, đến hết năm 2016, không còn xã nào dưới 7 tiêu chí; số xã đạt nông thôn mới là 114 xã, đạt tỷ lệ hơn 26%, vượt trung bình toàn quốc... Những con số cho thấy tốc độ của tỉnh này sau 5 năm thực hiện xây dựng NTM.
Vậy nhưng, thành tích cán đích NTM thường tỷ lệ nghịch với những khoản nợ vì mục tiêu này. Cứ về đích y rằng sẽ nợ, thậm chí có lãnh đạo của xã NTM còn đùa rằng “xây căn nhà còn nợ huống gì là làm NTM, không nợ mới lạ”. Một sự ví von thật xót xa, bởi xây căn nhà thì chủ nhà đã có quá trình tích lũy, khi đến độ chín thì mới bỏ móng cất nhà. Còn đối với xây dựng NTM quá trình tích lũy thời gian quá ngắn, ngân sách có hạn, nhưng vì thành tích địa phương đã tự vay vốn thực hiện, khi xong không có khả năng trả nợ thì xin cấp trên, cùng lắm lại “dựa” vào dân bằng các khoản phí trên trời.
Chúng tôi đã về xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), địa phương này được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM vào 12-2014. Vậy nhưng, sau khi công bố về đích NTM thì nợ nần cũng từ đó phình ra, cụ thể đến thời điểm này, xã Nghi Thái đang nợ trên trên 10 tỷ đồng. Và để “khỏa lấp” số nợ trên, lãnh đạo xã Nghi Thái đã thu của mỗi nhân khẩu 200 ngàn đồng với tên quỹ là “Thu đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng”. Chưa dừng lại ở đó, về đến thôn mỗi hộ gia đình lại phải đóng thêm 300 ngàn đồng cũng với cái tên “Thu đóng góp xây dựng tại xóm”. Trong khi đó, để về đích NTM xã Nghi Thái đã tiến hành xây dựng nhiều hạng mục bề thế, nguy nga và cũng chính những công trình này mà số nợ của địa phương này phình lên trông thấy.
Cũng như xã Nghi Thái, xã Thanh Đồng (huyện Thanh Chương) là địa phương về đích NTM vào tháng 11/2015. Và sau khi cán đích thì địa phương này cũng chính thức “cán nợ”. Tính đến tháng 8/2016, xã Thanh Đồng nợ số tiền xây dựng NTM hơn 7 tỷ đồng. Trong đó, nợ cơ chế chính sách gần 1 tỷ đồng, nợ xây dựng cải tạo sân bóng xã hơn 1 tỷ đồng, nợ xây chợ: 800 triệu đồng... Khác với xã Nghi Thái là thu trong dân để xây dựng và trả nợ thì xã Thanh Đồng lại đợi huyện cho bán đất để trả nợ. “Về được đích NTM thì nợ cũng hình thành, nhưng số nợ này chúng tôi kiểm soát được, chúng tôi không thu trong dân, phương án của chúng tôi là đợi huyện cho bán 60 lô đất (phần 30%) của xã sẽ khỏa lấp số nợ trên”, ông Trần Tử Hải- Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Đồng khẳng định.
Như đã nói, Nghệ An tính đến thời điểm này có 114 xã và 1 thị xã về đích NTM và nợ đến 400 tỷ đồng. Những xã có tỷ lệ nợ cao như xã Hưng Tiến (Hưng Nguyên) 14 tỷ đồng, xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) nợ 20 tỷ đồng, xã Sơn Thành (huyện Yên Thành) nợ trên 23 tỉ đồng, xã Nghĩa Long (huyện Nghĩa Đàn) 17 tỉ đồng, xã Thanh Văn (huyện Thanh Chương) 15 tỉ đồng... Riêng ở huyện Thanh Chương tổng số nợ của 7 xã về đích NTM là 42,5 tỷ đồng.
Công trình nhà văn hóa xã Nghi Thái được đầu tư xây dựng tiền tỷ
nhưng hiện đang là cục nợ lớn cho địa phương này.
Tại xã Nghi Thái (huyện Nghi Lộc, Nghệ An), để khỏa lấp số nợ sau khi cán đích NTM,
hàng năm xã này đã thu mỗi khẩu 200 ngàn đồng với tên gọi khác.
Có kiểm soát được nợ?
Mới đây, vào chiều 3/8, tại kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An, trong báo cáo giải trình tại phiên thảo luận Hội trường, ông Đinh Viết Hồng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, nợ đọng nông thôn mới của Nghệ An hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Đây cũng là ý kiến của một số lãnh đạo cơ sở, địa phương về đích NTM, bởi để kiểm soát được nợ đọng nếu không thu trong dân thì phương án khác là chờ đợi cấp trên duyệt bán đất để trả nợ. Còn nếu không sử dụng hai yếu tố đó thì rất khó để trả món nợ trên trời như vậy. Bởi như xã Nghi Thái đã nói ở trên là địa phương nằm trong tốp khá nhưng mỗi năm thu ngân sách chỉ có 120 triệu, thì số nợ hơn 10 tỷ NTM biết khi nào trả xong. Hay như xã Thanh Đồng, dân số có gần 5000 khẩu, nguồn thu nhập người dân chủ yếu dựa vào ruộng đồng và một cái chợ thì số nợ NTM biết khi nào mới trả xong.
Đồng tình với phương án trả nợ, giải pháp mà các xã đưa ra là bán đấu giá đất lấy tiền trả nợ dần cho các doanh nghiệp xây dựng. Ông Nguyễn Văn Hồng- Chủ tịch UBND xã Thanh Lĩnh (huyện Thanh Chương) cho biết: “Ngân sách xin không được, hiện chúng tôi đang xin huyện cho chủ trương bán đấu giá đất để lấy tiền trả nợ”. Cùng với quan điểm trên ông Trần Văn Hạnh- Chủ tịch UBND xã Hưng Tiến (huyện Hưng Nguyên) nói: “Số nợ để xây dựng NTM khoảng 14 tỷ đã gần 2 năm. Xã không có nguồn nào để trả giờ chỉ chờ vào phương án xin huyện, tỉnh bán đấu giá đất thì may ra mới có tiền trả hết nợ cho các nhà thầu”.
Chạy đua thành tích, kết quả là nhiều xã bán đất, kêu gọi dân đóng góp để lấy tiền trả nhưng khoản nợ các nhà thầu xây dựng các công trình NTM vẫn không hết. Trường hợp xã Thịnh Sơn (huyên Đô Lương), sau khi đạt chuẩn NTM xã này ôm khoản nợ khoảng 20 tỷ đồng. Bị các nhà thầu thúc ép trả nợ xã đã phải bán đấu giá 86 nền đất, kêu gọi mỗi hộ dân đóng góp 2 triệu đồng nhưng vẫn không trả được hết các khoản nợ. Được biết đến thời điểm tháng 1-2016 xã này vẫn còn nợ các nhà thầu trên 13 tỷ đồng tiền xây dựng công trình NTM.
Theo ông Lê Đình Thanh- Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) thì để về đích được NTM là cả một quá trình, nhiều xã về đích thì đương nhiên có được những công trình đồ sộ. Đối với huyện này, đến nay đã có 7 xã về đích NTM, số nợ tồn đọng là hơn 42 tỷ, tính ra mỗi xã chỉ có hơn 6 tỷ. Vẫn theo ông Thanh, số nợ này là không lớn, sau 2 năm sẽ giãn được nợ, bởi có các phương án như nguồn xây dựng hàng năm chỉ để trả nợ không xây dựng mới, huy động trong dân và bán đất ở.
Vậy, phải chăng bài toán trả nợ NTM được các xã về đích đã tìm ra lời giải? Tuy nhiên, điều người dân chưa “ưng” là các công trình đồ sộ được xây dựng lên để về đích nhưng thực tế thì ít khi dùng đến, nhất là các công trình như nhà văn hóa xã thậm chí nhiều xã những công trình này quanh năm cửa đóng then cài, còn người dân è cổ trả nợ. Một người dân ở xã Nghi Thái thốt lên: Chúng tôi trả nợ NTM từ lúc nó bắt đầu. Hôm nay, ngày mai và không biết khi nào thì nợ NTM sẽ hết.
Bắc Vũ
Theo Đại Đoàn Kết
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã