Để giải quyết tình trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật xây dựng Đề án thí điểm phát triển dịch vụ BVTV giai đoạn 2015 - 2017, và đây được coi là một trong những giải pháp giúp ngành trồng trọt hướng đến sản xuất bền vững.
Hiện ngành nông nghiệp đang tăng cường hướng dẫn địa phương tuyên truyền nông dân giảm chi phí sản xuất thông qua việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng giảm thiểu sử dụng thuốc hóa học như: mô hình canh tác lúa cải tiến (SRI), ruộng lúa bờ hoa, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm... góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm. Với những mô hình sản xuất trên, Việt Nam có thể cắt giảm 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật mà không ảnh hưởng tới mùa vụ.
Thành viên của Tổ dịch vụ BVTV Đồng Hỷ, Thái Nguyên phun thuốc bằng bình máy động cơ nên hiệu quả phòng trừ dịch hại đạt kết quả tốt hơn trước rất nhiều |
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV, Đề án thí điểm phát triển dịch vụ BVTV giai đoạn 2015 – 2017 đang được hoàn thiện, là cơ sở để các địa phương thành lập các tổ dịch vụ BVTV thực hiện việc điều tra, dự báo, cung cấp thông tin về sinh vật gây hại thực vật; tư vấn và thực hiện các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại theo hợp đồng ký với nông dân. Ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết, thực hiện tổ dịch vụ này, số lượng người phải tiếp xúc với thuốc BVTV sẽ ít đi, không chỉ tiết kiệm thuốc, thuốc sử dụng đúng nguyên tắc mà còn quản lý được lịch trình, thời gian phun trên cây trồng. Đặc biệt, người tham gia tổ dịch vụ sẽ được đào tạo, tập huấn để có hiểu biết về các loại thuốc, các loại sâu bệnh cùng với việc trang bị máy móc tốt, bảo hộ lao động... nên hiệu quả phun thuốc sẽ cao hơn, sức khỏe của người lao động cũng được bảo vệ tốt hơn.
Năm 2013, Cục BVTV đã thực hiện 7 mô hình tổ dịch vụ BVTV trên chè ở 4 tỉnh (Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ). Kết quả cho thấy tổ dịch vụ chỉ với 3 người và 1 máy phun thuốc động cơ có thể phòng trừ sâu bệnh trên diện tích khoảng 10 ha, tương đương 60 hộ dân. Tuy nhiên, để phát triển được dịch vụ này vẫn còn nhiều cản trở. Trong đó, do đặc thù của loại hình sản xuất nhỏ lẻ, thu nhập thấp, người sản xuất có thói quen tự đảm nhiệm tất cả các khâu trong sản xuất để hạn chế tối đa chi phí bằng tiền (lấy công làm lãi), bởi vậy đã hạn chế khả năng phát triển dịch vụ bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, do nhu cầu dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật không liên tục nên khó huy động lực lượng phun thuốc, đặc biệt lao động trẻ ở nông thôn đang ngày càng thiếu.
Qua mô hình đã triển khai trên cây chè của địa phương, ông Lương Văn Vượng, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên cho biết: Mô hình dịch vụ BVTV đã mang lại hiệu quả cao nhờ phát hiện kịp thời sâu bệnh hại và phun thuốc kịp thời, đúng bệnh và các biện pháp phun hiện đại. Tuy nhiên, trên một đồi chè không chỉ có một hộ mà rất nhiều hộ nên việc thu hoạch, phun thuốc không đồng đều, do đó việc áp dụng dịch vụ này đôi khi gặp khó khăn về mặt tổ chức thực hiện.
“Các hộ trên cùng một cánh đồng, quả đồi cần cùng tổ chức sản xuất, cùng áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại giống nhau thì việc tổ chức bảo vệ thực vật mới có hiệu quả. Do vậy, sự hợp tác giữa nhóm hộ nông dân là rất cần thiết, chẳng hạn như cánh đồng một giống trên cây lúa. Địa phương cần có sự nghiên cứu, vận dụng linh hoạt đối với từng loại cây trồng”, ông Lương Văn Vượng khuyến cáo.
Dự kiến, Nhà nước sẽ hỗ trợ một lần kinh phí thành lập tổ đội dịch vụ BVTV, tập huấn nghiệp vụ về BVTV, mua tài liệu cho mỗi thành viên của tổ dịch vụ; hỗ trợ một lần kinh phí mua máy phun rải thuốc; hỗ trợ thành viên của tổ dịch vụ 100% chi phí đóng bảo hiểm. Thí điểm vận hành mô hình dịch vụ BVTV sẽ được thực hiện trên 3 loại cây: lúa, rau, chè tại 6 tỉnh thành: Yên Bái, Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Giang, Nam Định và Tp. Hồ Chí Minh.
Theo đánh giá của ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt, hiện nay, công tác phòng chống dịch hại trên các loại cây trồng đều do người sản xuất tự thực hiện nên việc xác định loài dịch hại không chính xác, không biết chọn mua thuốc BVTV..., do đó thường mua theo kiểu “thừa còn hơn thiếu”.
Các nghiên cứu của FAO cũng chỉ ra, việc sử dụng phân bón trong lĩnh vực trồng trọt của Việt Nam nhiều hơn so với một số nước trong khu vực. Tổng chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam là 502 USD/ha, cao hơn so với 410 USD/ha ở Thái Lan, 210 USD/ha ở Trung Quốc và 118 USD/ha ở Ấn Độ.
Ông Nguyễn Xuân Hồng cũng cho rằng: Việc lạm dụng thuốc BVTV do nhận thức, hiểu biết hạn chế của nông dân. Thói quen canh tác của người nông dân hiện nay dựa vào thuốc bảo vệ thực vật là chính. Không chỉ lạm dụng thuốc BVTV, lượng người tiếp xúc với thuốc BVTV cũng khá nhiều. Cả nước ước tính hiện có khoảng trên 10 triệu người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Việc quá nhiều người sử dụng thuốc BVTV là nguyên nhân chính của tình trạng khó kiểm soát việc sử dụng thuốc cũng như hướng dẫn sử dụng thuốc đúng nguyên tắc. Trong khi thực tế, thuốc BVTV được buôn bán đến tận thôn, ấp, nông dân chủ yếu dựa vào sự “bốc thuốc” người bán để quyết định việc sử dụng.
Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đã dẫn đến tình trạng làm tăng chi phí sản xuất và gây ra nhiều lệ lụy nghiêm trọng. Việt Nam có thể tiếp cận được các thị trường xuất khẩu có giá trị cao, đem lại lợi nhuận cao cho nông dân hay không phụ thuộc vào việc các sản phẩm có đáp ứng được các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm. Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, nếu trong công tác bảo vệ thực vật, chúng ta làm đúng, thực hiện tốt, các sản phẩm nông sản của Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính.
Thành Trung (theo TTXVN)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã