Bộ trưởng xuống thăm ông Huỳnh Khánh Lượng, một chủ hộ nuôi tôm giỏi ở xã Trung Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng).
Ông Lượng cho hay, điều quan trọng là chọn mua loại con giống chất lượng tốt của DN có uy tín, nuôi tôm thẻ ở độ mặn trung bình khoảng 10‰, pH khoảng 7,5; mật độ từ 80-100 con/m2 (tốt nhất là khoảng 60 con/m2); phòng bệnh cho tôm bằng các biện pháp tổng hợp...
Ông Lượng đã tạo dựng được một cơ ngơi đáng mơ ước với hai dãy ao nuôi tôm liền kề hàng chục ha và một ngôi biệt thự bề thế.
Đến trang trại nuôi tôm Phú Thành rộng 50 ha ở xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), ông Nguyễn Hoàng Kiếm, chủ hộ đã giới thiệu với Bộ trưởng về kỹ thuật nuôi tôm theo công nghệ an toàn sinh học, có chuyên gia nuôi trồng thủy sản, ĐH Nông lâm TP.HCM yểm trợ kỹ thuật.
Bộ trưởng cũng thăm trang trại nuôi tôm 50 ha của Cty CP Thực phẩm Sao Ta (Fimex). Năm 2013-2014 Cty đạt sản lượng 600 tấn tôm thương phẩm, dự kiến năm 2015 sẽ đạt 1.000 tấn.
Bộ trưởng đã tham dự ngày hội thu hoạch tôm của Tập đoàn Việt - Úc tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu). Đây là dự án đầu tư 180 tỷ đồng nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính do Việt - Úc triển khai trên diện tích 50 ha, trong đó diện tích mặt nước thả nuôi 20,7 ha, quy mô 23 trại, mỗi trại 18 ao.
Đến nay giai đoạn 1 đã hoàn thành 5 trại, kết quả nuôi vụ đầu năng suất đạt 120-240 tấn/ha mặt nước/năm.
Việt - Úc tự tin công nghệ nuôi tôm mới có nhiều ưu điểm nổi bật: Hiệu quả rõ nhất là đạt năng suất, sản lượng cao, ổn định; an toàn vệ sinh thực phẩm; truy xuất được nguồn gốc.
Việt - Úc dự kiến kế hoạch đến năm 2018 mở rộng diện tích nuôi trên 1.000 ha tại Bạc Liêu và hình thành khu công nghệ cao nuôi tôm.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của tập đoàn Việt -Úc (Bạc Liêu) |
Ghi nhận thành công ban đầu của Việt - Úc, Bộ trưởng Cao Đức Phát chúc mừng thành quả đạt được của Tập đoàn: “Tôi đã đến tham quan nơi SX tôm giống của tập đoàn và rất ấn tượng với ba điểm: Khát vọng, công nghệ cao và tính làm việc chuyên nghiệp.
Tôi nghĩ đây là sự hiện diện tầm cao mới trong công nghệ nuôi tôm ở nước ta. Tôi đánh giá những nỗ lực vì sự phát triển không chỉ của Tập đoàn mà vì sự phát triển cho ngành tôm Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển cho ngành nông nghiệp và nền kinh tế của đất nước”.
Trong dịp này Bộ trưởng đã trao "Giấy chứng nhận DN ứng dụng công nghệ cao" cho Tập đoàn Việt - Úc.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Hiếu cho rằng, do giá cả tiêu thụ lúa, tôm thấp nên tình hình SX còn khó khăn.
Trong 6 tháng đầu năm 2015 XK nông-thủy sản của tỉnh giảm 30% so cùng kỳ 2014. Mặt khác thời tiết bất lợi nên diện tích nuôi tôm mới thả giống 25.250 ha, đạt 56% kế hoạch, từ đó kéo nhiều chỉ tiêu quang trọng khác giảm theo.
Để tháo gỡ khó khăn trong SX, tỉnh Sóc Trăng đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL công tác xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực của vùng và ưu tiên hỗ trợ kinh phí để tỉnh triển khai một số công trình trọng điểm phục vụ SX...
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ NN-PTNT đang xem xét một số dự án và ưu tiên việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ vùng nuôi tôm. Về dự án xây dựng đê bao, cơ sở hạ tầng bên trong Cù Lao Dung để nuôi trồng thủy sản, phát triển KT-XH, Bộ sẽ phối hợp với tỉnh làm thủ tục để trình Chính phủ phê duyệt.
Làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu, Bộ trưởng cho biết sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi sớm có biện pháp đầu tư phù hợp đáp ứng yêu cầu về hạ tầng thủy lợi cho thủy sản ở địa phương, đảm bảo điều kiện cấp nước cho vùng SX lúa - tôm.
Theo: nongnghiep.vn