Trong khoảng hơn 30.000 DN tuyên bố phá sản, đã có hơn 6.000 DN được phục hồi do những chính sách hỗ trợ của Nhà nước Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vượt khó, chinh phục thị trường Âu - Mỹ Ảnh: Hoàng Long Những điểm sáng Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2012, định hướng năm 2013, trong khó khăn chung của kinh tế thế giới và khó khăn riêng của kinh tế Việt Nam, kinh tế trong nước vẫn nổi lên những điểm sáng khá ấn tượng. Đó là, lạm phát bước đầu được kiềm chế, giá tiêu dùng 9 tháng tăng 5,13%; so với đầu năm, lãi suất cho vay đã giảm. Tỷ lệ tín dụng cho khu vực nông nghiệp và nông thôn tăng; Thanh khoản của hệ thống ngân hàng có bước cải thiện; Huy động tiền gửi tăng 12,7%; Tỷ giá ổn định, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố, khắc phục một bước tình trạng sử dụng ngoại tệ, vàng để làm phương tiện thanh toán ở trong nước; Xuất khẩu tăng 18,9%, đạt 83,79 tỷ USD, nhập khẩu tăng 6,6%, đạt 83,76 tỷ USD… Đặc biệt, một điểm đáng chú ý được Báo cáo nêu rõ, 9 tháng năm 2012, có hơn 30.000 doanh nghiệp (DN) tuyên bố phá sản thì cũng có hơn 50.000 DN công bố thành lập mới. 9 tháng qua, đã giải quyết việc làm cho hơn 1,6 triệu lao động. Những con số nói trên dường như khẳng định thêm một lần nữa những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì từ đầu năm đến nay là hoàn toàn hợp lý và phát huy những hiệu quả tích cực. Đặc biệt, sự cố gắng, nỗ lực của cộng đồng DN vừa và nhỏ đã và đang trở thành một động lực thúc đẩy nền kinh tế thoát khỏi những khó khăn hiện tại. Trong khoảng hơn 30.000 DN tuyên bố phá sản, đã có hơn 6.000 DN được phục hồi do những chính sách hỗ trợ của Nhà nước mang lại. Song bên cạnh đó, không thể không kể đến bản thân các DN đã nỗ lực tìm mọi giải pháp để tự cứu mình. DN chủ động cứu mình Ai cũng rõ, lĩnh vực vật liệu xây dựng đang có lượng hàng tồn kho lớn nhất. Trong đó, thép là ngành gặp nhiều khó khăn hơn cả trong suốt thời gian qua. Dù vậy, không ít DN ngành thép đã chống chọi với những khó khăn bằng cách tự tìm giải pháp vượt lên khủng hoảng. Đơn cử như Tập đoàn thép Hòa Phát đã tự tìm cách tháo gỡ khó khăn bằng cách liên kết với đơn vị khác để dùng hàng đổi hàng. Theo ông Trần Xuân Dương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, việc làm này giúp hai bên không nặng gánh về nguồn vốn, mà quan trọng hơn là giải bài toán đầu ra cho hàng tồn kho. Sự cố gắng, nỗ lực của cộng đồng DN đã và đang trở thành một động lực thúc đẩy nền kinh tế thoát khỏi những khó khăn hiện tại Một DN vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phân phối sản phẩm nhựa, túi nilon, Công ty TNHH Nam Khánh cũng đã vượt qua khó khăn bằng chính nội lực của mình. Theo ông Trần Nam Khánh - Tổng giám đốc Công ty, khủng hoảng là điều không ai mong muốn, song đây cũng chính là cơ hội để các đơn vị có "sức khỏe”, năng lực thật sự tìm cách vượt lên. Ông Khánh cho biết, DN của ông đã rất sát sao trong việc tìm hiểu thị trường để nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, đưa ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của họ. "Thời gian qua, do nắm bắt được sức mua trên thị trường yếu, Công ty Nam Khánh đã hạn chế sản xuất những mặt hàng cao cấp, tốn nhiều chi phí mà chú trọng hơn vào phân khúc bình dân” – ông Khánh cho hay. Riêng về những khó khăn do khó tiếp cận vốn từ ngân hàng, giám đốc một DN chuyên kinh doanh về ngành khoáng sản tiết lộ, nếu ngồi đợi lãi suất hạ cũng như để tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng, chắc DN đã phải ngừng hoạt động từ lâu. Bởi vậy, DN đã phải tìm đến giải pháp tiết giảm các chi phí sản xuất như tận dụng những máy móc cũ trong sản xuất hàng hóa, đồng thời đi tìm vay các nguồn vốn từ bạn bè, người thân… Bằng những cách làm đó, DN đã không phải cắt giảm nhân công và vượt qua khó khăn, vẫn trụ vững cho đến thời điểm này. Những động thái nói trên của các DN cho thấy, họ đã không thụ động ngồi yên đợi chờ những phao cứu sinh từ phía Nhà nước, mà tìm mọi cách để trụ được trong cơn khủng hoảng. Không ít ý kiến chuyên gia đã đánh giá rằng: Những DN còn tồn tại đến hôm nay đều rất chủ động trong việc tái cơ cấu để vượt qua thách thức. Đó là một sự nỗ lực vô cùng lớn đối với bản thân mỗi DN khi họ biết dựa trên kinh nghiệm thương trường và những khó khăn mà họ đang đối mặt. Tinh thần ấy cũng được khẳng định thêm ở con số: Hơn 50.000 DN được thành lập mới trong 9 tháng qua. Có vẻ như, những nhận định của TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - về sức sống mãnh liệt của các DN vừa và nhỏ quả không sai chút nào, rằng: "DN Việt có đặc điểm là trong khó khăn, khả năng "sống” rất dai giống như những cây cỏ trong bão, chỉ rạp xuống rồi lại đứng lên, trong khi nhiều cây đại thụ lớn trên thế giới dễ đổ gãy hơn”. Duy Phương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã