Học tập đạo đức HCM

Doanh nghiệp nhỏ và vừa mỏi mòn đợi ưu đãi

Thứ năm - 20/09/2018 05:15
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực đến nay đã hơn 8 tháng nhưng đa phần doanh nghiệp cho biết vẫn chưa được hưởng những ưu đãi mà Luật đưa ra. Nguyên nhân là nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện Luật đang bị chậm, rơi vào quá trình "luật chờ nghị định, nghị định phải chờ thông tư".

Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) luôn có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, DNNVV được xác định là động lực tăng trưởng, là "xương sống" của nền kinh tế. Hiện nay, ở Việt Nam, DNNVV chiếm khoảng 98% tổng số DN đang hoạt động trên cả nước.

Vẫn tự thân vận động

Trong bối cảnh việc thực hiện các chính sách, chương trình trợ giúp DNNVV bị rời rạc, manh mún và dàn trải, nhiều nội dung còn chồng chéo hoặc chưa thống nhất với nhau khiến cho các DNNVV rất khó tiếp cận, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.

Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT), các chính sách tại Luật được quy định theo phương thức đổi mới hơn so với trước đây: các chính sách hỗ trợ chung, cơ bản như thông tin, đào tạo, tư vấn, mặt bằng sản xuất được thiết kế theo hướng là các dịch vụ công mà Nhà nước cung cấp cho DN; các chính sách hỗ trợ trọng tâm tập trung cho ba nhóm đối tượng DN là các DNNVV được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và nhóm các DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…

Tuy nhiên, sau gần một năm kể từ khi Luật được ban hành, các chính sách hỗ trợ này vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu của cộng đồng DNNVV.

Ông Hà Quyết Thắng, Giám đốc công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ thương mại Kim Long, chia sẻ hiện nay, DN này vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ thực tế theo những quy định mà Chính phủ ban hành. DN vẫn phải tự lực, tự tìm nguồn hỗ trợ khác theo nhu cầu phát triển của DN.

Theo ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI), thời kỳ đầu khi Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực, cộng đồng DN có kỳ vọng rất lớn.

Sau 8 tháng triển khai, thông tin mà phía VCCI có được là DN được thụ hưởng rất ít. Nguyên nhân là nhiều văn bản dưới Luật đang bị chậm, rơi vào quá trình "luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư".

"Cộng đồng DN kiến nghị các bộ ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV. Trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn, quy định thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, tránh việc bắt DN thực hiện thêm nhiều thủ tục, giấy tờ", ông Thạch cho biết.

Đồng quan điểm, theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV (VCCI), các bộ ngành cần triển khai văn bản dưới luật để luật thực tế, đi vào cuộc sống. Đồng thời, Bộ KH&ĐT nên tiếp tục rà soát tiến độ thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV định kỳ 6 tháng một lần, sau đó chia sẻ thông tin tới cộng đồng DN.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DNNVV Việt Nam, cho rằng bên cạnh khuyến khích khởi nghiệp, nếu không có những giải pháp và hành động cụ thể để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN thì sẽ rất khó đạt được mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020. Hiện, cả nước có hơn 2 triệu hộ kinh doanh, chỉ cần 10% trong số này chuyển đổi lên DN là đã đạt được mục tiêu 1 triệu DN.

Theo ông Nam, không ai có quyền bắt hộ kinh doanh cá thể lớn lên thành DN, nhưng thời gian tới cần phải có cái nhìn bình đẳng giữa DN với hộ kinh doanh. Nhiều hộ kinh doanh có doanh thu lớn, sử dụng rất nhiều lao động nhưng không bị điều chỉnh bởi luật pháp tương đương so với DN cùng quy mô.

Bên cạnh đó, ông Nam cho rằng một trong những khó khăn lớn nhất với DN khởi nghiệp không phải là vấn đề vốn, mà là văn phòng làm việc. Hiện nay, nhiều địa phương sử dụng trụ sở rất lãng phí, tại sao không bố trí cho những DN có đề án kinh doanh tốt được thuê văn phòng miễn phí hoặc với giá ưu đãi.

Cùng với đó, theo quy định, DN muốn được ưu đãi phải có đổi mới, sáng tạo đạt tỷ lệ 30%, trong khi đó ai cũng biết rằng chỉ cần 3-5% là DN đã đổi mới sáng tạo rồi.

"Ví dụ như một chiếc điện thoại chỉ cần đổi mới thêm 1% là đã có chức năng, mẫu mã khác xa so với chiếc điện thoại cũ. Với DN cũng vậy", ông Nam chia sẻ.

doanh-nghiep-nho-va-vua-JPG-2607-1537377

Hơn 8 tháng có hiệu lực, đa phần DN vẫn chưa thể thụ hưởng ưu đãi của Luật Hỗ trợ DNNVV

Còn mù mờ thông tin

Về phía các bộ ngành, ông Nguyễn Hoa Cương cho biết, một số DN mong muốn cơ quan hữu quan xác định rõ tiêu chí của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo cũng như tạo cơ chế, cơ hội để phát huy quyền giám sát, đánh giá từ cộng đồng DN trong hoạt động triển khai Luật.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho rằng muốn DN thụ hưởng được các ưu đãi từ Luật Hỗ trợ DNNVV, cần phải thông tin xuyên suốt cho họ biết có hỗ trợ gì, ở đâu, cơ quan quản lý nào là đầu mối.

Đại diện Vụ Quản lý DN (Bộ NN&PTNT), cho biết để khắc phục những bất cập của Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, với mục tiêu tăng cường nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP mới đây của Chính phủ đã giảm tối đa các hỗ trợ trực tiếp (bằng tiền), điều chỉnh các mức hỗ trợ đủ sức hấp dẫn đối với DN.

Tuy nhiên, do thiếu thông tin nên nhiều DN không nắm bắt được chính sách đã thay đổi, vì vậy cuộc họp nào, kiến nghị nào cũng nêu về các nội dung hỗ trợ đã có liên quan tới tín dụng, đất đai. Thực trạng này xảy ra tương tự với Luật Hỗ trợ DNNVV.

Trong khi đó, đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) khẳng định sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tham gia ý kiến, đề xuất những biện pháp hỗ trợ DN như giảm phí, chi phí cho DN trong đăng ký thành lập mới hoặc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh; áp dụng hóa đơn điện tử miễn phí đối với DN khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi từ hộ kinh doanh; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ DN thông qua dịch vụ từ các đại lý thuế và nghiệp vụ kế toán…

Trước kiến nghị của các bộ ngành, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, nhấn mạnh Luật Hỗ trợ DNNVV thể hiện rõ ý nghĩa và chủ trương hỗ trợ DNNVV một cách thiết thực, thực chất và phù hợp với yêu cầu phát triển DN, phát triển kinh tế của Chính phủ.

Mục tiêu tổng quát là hỗ trợ DN kịp thời từ lúc tham gia đến lúc rút khỏi thị trường và hướng tới có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020.

Do vậy, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, địa phương để Luật gấp rút đi vào cuộc sống và thể hiện được hiệu quả, hiệu lực.

Được biết, ngày 15/6/2018 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 15/CT-TTg nhằm đôn đốc công tác tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV.

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ ngành và địa phương, đồng thời yêu cầu các bộ ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng nội dung công việc với thời hạn hoàn thành và đầu mối chịu trách nhiệm.

Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn

Ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng ban Pháp chế (VCCI)

Dù định hướng ban đầu của Luật, chương trình mục tiêu xác lập hệ thống thống nhất, nhưng khi đi vào từng lĩnh vực một, dường như đang bị phân tán. Vì vậy, cần tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan, bộ ngành có liên quan với nhau, cũng như với DN. DN nhỏ và siêu nhỏ, nguồn lực hạn chế nên ít có thông tin đầy đủ.

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DNNVV Việt Nam

DNNVV thờ ơ trước đạo luật này vì nghĩ rằng mình không có cơ hội thụ hưởng. Để hỗ trợ lĩnh vực rộng và nhiều ngành như vậy, trước hết phải có cơ quan điều phối chung là Bộ KH&ĐT và bỏ tư duy bộ nào quan trọng hơn bộ nào.

Ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT

Thời gian qua, sau khi tổ chức nhiều hội nghị quán triệt triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV, Bộ KH&ĐT nhận thấy công tác tuyên truyền, phối hợp giữa các bộ ngành với DN còn thiếu kết nối, dẫn tới hiệu quả chưa như mong đợi. Cụ thể như thông tin việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang DN sẽ được miễn phí, ngay cả chi cục thuế còn chưa nắm được thì làm sao DN biết.

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập211
  • Hôm nay47,044
  • Tháng hiện tại728,775
  • Tổng lượt truy cập90,792,168
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây