Dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường; Bà Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Các trường ký kết hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các địa phương, doanh nghiệp. Ảnh: Trần Quang
Đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: "Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và thích ứng với biến đổi khí hậu cần chú trọng tăng cường liên kết chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp cùng sự đóng góp của công nghệ 4.0 trong việc giải phóng giá trị và nâng cao năng suất ngành nông nghiệp".
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay: Để phát triển nguồn nhân lực cần chú trọng nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, quản trị; chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề để cung ứng lực lượng lao động chất lượng cao. Cùng với đó, đổi mới phương pháp đào tạo nghề, tập trung vào đào tạo năng lực thực hành, những kỹ năng, kỹ thuật cốt lõi và các kỹ năng mềm để thích ứng và phát huy trong môi trường công nghệ hiện đại. Từng bước đưa công nghệ mới đặc thù trong nông nghiệp như: công nghệ sinh học, công nghệ số, tự động hóa, cơ khí chính xác, vật liệu mới… vào các chương trình đào tạo dài hạn; đào tạo theo hướng liên ngành, đa ngành, xuyên ngành; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất thông minh; nông nghiệp thông minh…
Đồng thời quyết liệt thực hiện việc chuyển đổi mô hình đào tạo theo hướng chủ động nắm bắt, đón đầu xu thế và yêu cầu của thị trường lao động. Đổi mới phương thức đào tạo và quản trị đại học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào trong hoạt động giảng dạy. Nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.
GS.Nguyễn Xuân Trạch - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam trình bày định hướng chiến lược của Học viện về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nông nghiệp CNC. Ông Trạch cho biết, thách thức của đào tạo nhân lực hiện nay là cơ cấu ngành nghề, công nghệ thông tin thay đổi nhanh chóng đòi hỏi nhân lực phải có nhiều kỹ năng mới và không ngừng thay đổi. Ngoài ra, trong thời đại công nghệ thì người học có thể tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau nên phương pháp đào tạo cũ không còn phù hợp. Vì vậy, điểm quan trọng trong chiến lược đào tạo nhân lực của Học viện là đổi mới chương trình đào tạo.
Các đại biểu tọa đàm về 'Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thời kỳ 4.0
Cụ thể, đào tạo phải xác định rõ nhu cầu nhân lực và chuẩn đầu ra. Học viện sẽ tiến tới đa dạng hoá các loại hình và phương thức đào tạo chú trọng e-learning và các khoá ngắn hạn về ứng dụng CNC trong nông nghiệp. Tăng cường cơ sở vật chất như trang thiết bị dạy học trực tuyến, thư viện điện tử, thư viện ảo, giảng đường ảo, thầy ảo, phòng thực hành thì nghiệm ảo... Trường cũng sẽ xây dựng Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao để làm nơi xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ để sinh viên liên tục cập nhật công nghệ.
Phương pháp đào tạo của trường sẽ chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, chuyển từ giảng bài sang hướng dẫn học để người học chủ động tư duy phản biện. Mục tiêu là đào tạo được những nhân lực có chất lượng cao, có năng lực sáng tạo và ứng dụng CNC nhằm hiện đại hoá nông nghiệp, phát triển bền vững. “Cần đào tạo người có thể làm được những việc không được đào tạo”, GS Trạch nhấn mạnh.
"Gắn đào tạo với thị trường lao động là điểm đặc biệt quan trọng trong chiến lược đào tạo của Học viện Nông nghiệp. Chúng tôi sẽ phải điều tra thị trường lao động. Xây dựng mô hình rèn nghề thực tập nông nghiệp 4.0 và đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp. Trường cũng sẽ lập sàn giao dịch việc làm kỹ thuật số kết nối với doanh nghiệp, mời doanh nhân cán bộ kĩ thuật nông nghiệp tham gia giảng dạy. Bên cạnh đó, trường cũng sẽ tăng cường sự tham gia của sinh viên vào các hoạt động của Bộ NNPTNT, các hoạt động thực tiễn sản xuất xảy ra thì thầy trò phải tham gia, đến tận nơi tìm hiểu chứ không thể chỉ ngồi trên giảng đường", ông Trạch khẳng định.
Tập trung vào 3 nhóm đối tượng
Nói về nhu cầu đào tạo nhân lực cho nền nông nghiệp 4.0, ông Trần Mạnh Báo - Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình cho rằng: Hiện nay, nhu cầu sử dụng lao động có trình độ ứng dụng CNC của các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp rất lớn. Nhưng nguồn đào tạo nhân lực trong nước chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn đặt ra. "Bước vào cách mạng 4.0, các nước trên thế giới đã đi qua cuộc cách mạng lần 2 và lần 3 nhưng Việt Nam chưa trải qua hai cuộc cách mạng này. Bây giờ chúng ta bước vào cách mạng 4.0 vậy chúng ta cần phải đào tạo cùng lúc những nhân lực 2.0, 3.0 và 4.0 và đào tạo cả người quản lý những nhân lực đó", ông Báo nói.
Ông Trần Mạnh Báo - Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình (phải) kiểm tra chất lượng giống lúa do đơn vị mình sản xuất trên cánh đồng của tỉnh Thái Bình.
Theo ông Báo, nếu sản phẩm đào tạo là con người được mang theo những tấm bằng chuyên môn thì sản phẩm đó phải thật thành thạo về chuyên môn. Bằng cấp phải được đo bằng khả năng giải quyết vấn đề và cách thức giải quyết vấn đề đó.“Chúng tôi đang đầu tư phòng lap công nghệ gen và rất cần người làm nhưng chưa có nhân lực, nếu Học viện có thể đào tạo được nhân lực về công nghệ gen thì tôi sẽ đặt hàng với nhà trường. Lương sẵn sàng trả tới 1.000 USD/tháng”, ông Báo khẳng định.
Khẳng định nhu cầu sử dụng cũng như nhu cầu đào tạo lao động nông nghiệp CNC hiện nay vô cùng lớn, ông Nguyễn Xuân Đại - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội đang có kế hoạch xây dựng 7 khu nông nghiệp công nghệ cao và hiện nay trên địa bàn có tới 2.800 trang trại cần đào tạo nhân lực, 900 hợp tác xã nông nghiệp... Đây chính là những đầu ra cho nguồn nhân lực đào tạo, tuy nhiên, theo ông Đại thì thực tế khả năng liên kết cùng nhau hay kĩ năng tìm kiếm thị trường rất yếu nên ngoài đào tạo chuyên môn cần phải đào tạo kĩ năng quản lý, tìm kiếm thị trường.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, có 3 nhóm nhân lực cần quan tâm, đó là các kỹ sư trong các lĩnh vực gắn với công nghệ; các nhà quản lý; các chuyên gia và nhà khoa học. Từ 3 nhóm đối tượng này, cần có chương trình đào tạo phù hợp bởi đây là điểm yếu của các cơ sở đào tạo. Khuyến khích tìm chọn, nhập những chương trình đào tạo công nghệ cao phù hợp, có thể sửa đổi để chương trình đào tạo và công nghệ khớp với nhau, tránh tình trạng công nghệ nhập về một đằng, chương trình đào tạo một nẻo. Việc nghiên cứu, tìm hiểu và đào tạo công nghệ cao phải gắn với người sử dụng.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, khi các trường, học viện mở chương trình đào tạo không nhất thiết phải có bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ mà vấn đề cốt lõi là chương trình đó có được thị trường tiếp nhận hay không. Từ nhu cầu thị trường xác định định hướng đào tạo là rất quan trọng, thậm chí tiến tới chỉ cần một nhà khoa học có thể xây dựng được một chương trình đào tạo tốt gắn với thực tiễn phát triển.
“Dù chương trình gì đối với nông nghiệp công nghệ cao thì yêu cầu về ngoại ngữ và công nghệ thông tin rất quan trọng. Ngoại ngữ phải gắn với công nghệ. Phương thức đào tạo phải có sự liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn… để sau này có sự chuyển giao tốt”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Theo: Trần Quang/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã