Học tập đạo đức HCM

Dồn sức xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu - 18/09/2015 03:32
Năm năm qua, các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, ổn định thị trường, xóa đói, giảm nghèo… được triển khai thực hiện hiệu quả, đã mang lại bộ mặt khang trang cho các huyện vùng ven TP Hồ Chí Minh, góp phần đưa chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của thành phố dần về đích. Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, người dân đã tích cực đóng góp, chung sức xây dựng quê hương, xóm làng ngày càng giàu đẹp.

Sau năm năm xây dựng NTM, huyện Nhà Bè đã có bộ mặt nông thôn mới; thu nhập và chất lượng sống của nông dân được cải thiện rõ rệt. Việc 100% các xã hoàn thành 19/19 tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Theo kết quả điều tra thu nhập hộ gia đình tại 56 xã xây dựng NTM, thu nhập bình quân khu vực nông thôn là 3,29 triệu đồng/người/tháng; khu vực thành thị là 4,12 triệu đồng/người/tháng. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp qua các năm, từ 1,8 lần vào năm 2008 nay chỉ còn 1,2 lần giữa hai khu vực. Riêng người dân Nhà Bè có mức thu nhập bình quân đầu người tăng gấp hai lần so trước đây. Để tránh bị động, làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM huyện Nhà Bè đã chỉ đạo các xã tiến hành trước các thủ tục đầu tư, vận động nhân dân hiến đất, vật kiến trúc, không chờ các đề án được phê duyệt mới bắt đầu vận động. Nhờ vậy, huyện Nhà Bè đã có 64 công trình giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng mới.

Nói đến Chương trình xây dựng NTM ở thành phố, không thể không nhắc đến vùng “đất thép thành đồng” Củ Chi, huyện đầu tiên của thành phố hoàn thành các chỉ tiêu NTM. Bí thư Huyện ủy Củ Chi Lê Minh Tấn cho biết, trong quá trình xây dựng NTM, bà con đã không tiếc của cải, đất đai, hoa màu, vật kiến trúc để các công trình xây dựng đường giao thông nông thôn, làm đèn chiếu sáng dân lập… được thi công thuận lợi. Toàn huyện có 1.629 người dân đã hiến 396.289 m2 đất, trị giá hơn 119 tỷ đồng. Từ Chương trình xây dựng NTM, hiện huyện Củ Chi đã có 1.674 tuyến đường với chiều dài 1.362 km, trong đó có 684 km đã được bê-tông nhựa nóng; 267 km cấp phối sỏi đỏ. Với hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh như vậy. Từ một huyện thuần nông, đến nay, Củ Chi đã có bốn khu công nghiệp đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương.

Tại huyện Bình Chánh, nhờ xây dựng NTM nên các xã, thị trấn đều được đầu tư trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Ở đây, 100% trường đều dạy hai buổi/ngày, đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa 100%. Huyện cũng tổ chức đào tạo lại cho nông dân các ngành nghề phù hợp đô thị hóa và giải quyết việc làm mỗi năm cho hàng nghìn lao động nông nghiệp chuyển sang công nghiệp, dịch vụ.

Để thích ứng và đóng góp cho Chương trình xây dựng NTM, bà Phạm Thị Minh Linh ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, nhớ lại: “Do ít đất, nên cách đây ít năm, tôi xin UBND xã học nghề làm bánh tráng miễn phí. Được học, lại được hỗ trợ mua máy tráng bánh, tôi đã trở nên khá giả. Hiện, cơ sở tráng bánh của tôi nhận hơn 30 lao động với thu nhập hơn ba triệu đồng/người/tháng”. Còn ở xã Xuân Thới Thượng, nhiều mô hình sản xuất rau, chăn nuôi bò, heo theo tiêu chuẩn VietGAP ngày một phát triển. Để thực hiện tiêu chí về môi trường, nhiều nông dân đã đầu tư hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt; ủ phân bón vi sinh từ chất thải nông nghiệp, qua đó tiết kiệm chi phí mua phân bón, tránh được ô nhiễm môi trường. Ở xã Thới Tam Thôn, mô hình nuôi lươn giống không chiếm nhiều diện tích nhưng đầu ra ổn định, đã được nhiều nông dân áp dụng, góp phần bảo đảm được thu nhập…

Phó Chủ tịch UBND thành Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết, thành phố đã có 54/56 xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Trong tổng kinh phí thực hiện xây dựng NTM hơn 18.786 tỷ đồng, phần ngân sách T.Ư chỉ chiếm 0,11%, ngân sách thành phố chiếm 32,39% và vốn huy động từ cộng đồng chiếm đến 67,50%. Con số này thể hiện ý thức, trách nhiệm và tấm lòng của cán bộ, đảng viên và toàn thể nông dân thành phố trong Chương trình xây dựng NTM.

Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, nhấn mạnh: “Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng NTM, phấn đấu cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2015”. Vì vậy, ngoài việc huy động tổng lực cho chương trình này, thành phố còn dựa vào sức mạnh lòng dân, nhờ đó, đã hoàn thành đạt và vượt một số chỉ tiêu đề ra. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được tập trung đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và dân sinh, góp phần thu hút đầu tư trong cộng đồng. Bộ mặt nông thôn thay đổi khá rõ. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả theo hướng nông nghiệp đô thị; thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, đời sống vật chất và văn hóa của người dân nông thôn được nâng lên. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2011 - 2015 đạt 5,8% (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra là 5%); giá trị sản xuất bình quân trên một ha đất canh tác từ 158,5 triệu/ha/năm (năm 2010) lên 325 triệu đồng/ha/năm (năm 2014).

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, ước tính nhu cầu vốn đầu tư Chương trình xây dựng NTM tại thành phố trong giai đoạn 2016 - 2020 là 18.552 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn huy động từ cộng đồng là 15.094 tỷ đồng (chiếm 81,4%). Tin vào nội lực, lòng quyết tâm và trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp, UBND thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ sớm ban hành việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp để người nông dân yên tâm phát triển sản xuất, góp phần hoàn thành sớm Chương trình xây dựng NTM…

Sau năm năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, có hơn 6.211 công trình giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở văn hóa, chợ, bưu điện, y tế… được đầu tư. Có 19.650 hộ dân hiến 2.014.690 m2 đất để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Thành phố đã đầu tư duy tu, nâng cấp, làm mới 1.172 km đường giao thông nông thôn, 327,1 km kênh mương; kéo thêm 207 km đường dây điện trung thế và 826 km đường dây hạ thế; lắp đặt thêm 880 trạm biến áp tại các xã; xây mới, sửa chữa 161 trường học, 1.045 phòng học; xây dựng mới 32 trung tâm văn hóa - thể thao xã; đầu tư xây 56 chợ, tám siêu thị, 91 cửa hàng tiện ích; bảo đảm 100% xã có mạng lưới viễn thông và đường truyền in-tơ-nét đến các ấp; xóa 2.797 căn nhà tạm, dột nát…
 

nguồn: nhandan.org.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập270
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại809,149
  • Tổng lượt truy cập90,872,542
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây