Hướng đi đúng...
Nhờ chăn nuôi theo mô hình trang trại mà anh Đinh Văn Đoàn (thôn Cổ Dương, Tiên Dương) trở thành tỷ phú.
Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực có thế mạnh ở huyện Đông Anh. Trong quá trình XDNTM, huyện đã và đang tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp để nâng cao đời sống cho người dân, trong đó, chăn nuôi trang trại được đặc biệt chú trọng.
Ông Hoàng Mạnh Lâm, Phó trưởng phòng Phòng Kinh tế huyện Đông Anh, cho biết, trước đây, Đông Anh đã có nhiều hộ chăn nuôi trang trại nhưng quy mô chủ yếu nhỏ lẻ, tự phát, không có sự liên kết, phụ thuộc vào thị trường khiến giá trị kinh tế mang lại không cao. Từ năm 2011, khi triển khai chương trình XDNTM, huyện khuyến khích người dân chăn nuôi theo quy mô trang trại, chủ động hơn trong phòng chống dịch, bảo vệ môi trường. Công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi được thực hiện tốt, từ năm 2010 đến nay, toàn huyện không xảy ra dịch bệnh lớn.
Tính đến thời điểm này, Đông Anh có 203 trang trại được phê duyệt, nhiều trang trại đã đi vào hoạt động. Trong đó có một trang trại chăn nuôi lợn và hai trang trại chăn nuôi gà được công nhận mô hình chăn nuôi phát triển theo hướng VietGap. Tổng đàn trâu, bò bình quân hàng năm của huyện là 6.500 con, đàn lợn 68.000 con, đàn gia cầm 2,1 triệu con, diện tích nuôi trồng thủy sản 570ha.
Nở rộ “tỷ phú nông dân”
Cũng theo ông Lâm, sau 4 năm triển khai XDNTM, Đông Anh đã đạt được nhiều kỳ tích ngoài mong đợi. Cụ thể, thu nhập bình quân đạt trên 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,24%. Huyện có hàng chục hộ có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Điển hình như gia đình anh Đinh Văn Đoàn (thôn Cổ Dương, Tiên Dương), bắt đầu làm kinh tế trang trại với 60 lợn nái từ năm 2005. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên giá trị kinh tế mang lại không cao. Năm 2007, đàn lợn nhiễm dịch nặng, anh bị thua lỗ nặng nề, tưởng không thể vực dậy.
Đến năm 2011, khi huyện có chủ trương tận dụng những khu vực đất đai không canh tác được để xây dựng trang trại khép kín, xa khu dân cư, anh Đoàn mạnh dạn nhận thêm diện tích đất để mở rộng trang trại. “Kể từ khi triển khai XDNTM, các hộ làm trang trại có cơ hội được mở rộng quy mô. Huyện mở lớp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc gia súc, gia cầm cho bà con; công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm luôn được quan tâm đúng mức, đàn gia súc, gia cầm được tiêm phòng vắc-xin đều đặn nên hầu như ngăn chặn hoàn toàn các ổ dịch”, anh Đoàn phấn khởi khoe.
Mới đây, anh Đoàn được hỗ trợ toàn bộ kinh phí xây dựng hầm biogas. Hiện nay, diện tích trang trại của anh Đoàn khoảng 7.200m2, với tổng số 500 lợn nái và hơn 1.000 lợn thịt, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Cũng thành công như anh Đoàn nhưng chị Ngô Thị Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Tiến Đạt (thôn Đại Vĩ, Liên Hà) lại chọn hướng làm giàu bằng nghề nuôi gà. Trò chuyện với phóng viên, chị Tuyến kể: “Tôi làm trang trại từ năm 2003, thăng trầm, thất bại cũng nhiều, song, nhờ được vay vốn ưu đãi và được chuyển giao kỹ thuật từ các lớp tập huấn của huyện nên trang trại từng bước được mở rộng và phát triển”. Công ty TNHH TM&DV Tiến Đạt hiện có khoảng 15 đại lý ở các tỉnh, cung ứng gà giống với số lượng lớn, thu nhập mỗi năm vài tỷ đồng.
Anh Trần Văn Hiệu (thôn Cổ Dương, Tiên Dương) cũng là một điển hình được bà con nơi đây nhắc đến. Hơn 20 năm gắn bó với mô hình kinh tế trang trại, nhiều thời điểm gặp khó khăn tưởng không thể vượt qua, thế nhưng hiện tại, Công ty CP Đầu tư và Phát triển chăn nuôi Hòa Phát do anh làm giám đốc mỗi năm đạt doanh thu 17-18 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đình Nam, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh, không dấu nổi niềm vui: “XDNTM là chiến lược lâu dài, ý Đảng hợp lòng dân. Nhờ có sự đồng lòng, nhất trí của lãnh đạo và nhân dân mà chúng tôi đạt được nhiều thành quả như hiện tại. Chăn nuôi trang trại giúp Đông Anh xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú, chất lượng sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Bởi vậy, huyện chúng tôi sẽ duy trì và phát triển chăn nuôi trang trại trong những năm tiếp theo”.
Đánh giá về mô hình kinh tế trang trại ở Đông Anh, ông Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng phòng Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT TP.Hà Nội), cho rằng: “Chăn nuôi trang trại ở Đông Anh giúp người chăn nuôi tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Hiện nay, chúng tôi đang trăn trở về vấn đề bao tiêu sản phẩm chăn nuôi cho nông dân. Sở đã tổ chức hội nghị đối với các doanh nghiệp kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong và ngoài thành phố; xây dựng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm để ổn định đầu ra cho các trang trại. Trên địa bàn thành phố đã hình thành 14 chuỗi liên kết chăn nuôi- tiêu thụ sản phẩm, 6 chuỗi duy trì hoạt động tốt, 8 chuối liên kết đang hoàn thiện, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững”.
Theo Đào Cảnh/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã