Theo thống kê, hiện nay, Đồng Nai là địa phương có ngành chăn nuôi phát triển hàng đầu cả nước, với tổng đàn heo khoảng 1,7 triệu con và đàn gà khoảng 17 triệu con. Do đó, để nâng chao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững thì việc triển khai đề án truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chăn nuôi là cần thiết.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm chăn nuôi là cần thiết và bắt buộc phải làm nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và hướng tới mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Do đó, Đồng Nai sẽ thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với heo, gà và trứng gà. Phó chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng dự thảo thực hiện việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chăn nuôi.
Theo đơn vị tư vấn là Công ty TE-Food International và Hội công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, đề án truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh sẽ có 3 dự án liên quan, gồm: truy xuất nguồn gốc thực phẩm; quản lý đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn cho nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng chuẩn nhận diện toàn cầu hướng đến xuất khẩu. Nếu thực hiện đạt kết quả, đề án sẽ biến Đồng Nai thành vùng chăn nuôi an toàn được quốc tế công nhận và hình thành khu vực phát triển công nghiệp chế biến phục vụ xuất khẩu.
Đại diện Hội Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với thịt heo, gà và trứng gà của Đồng Nai có rất nhiều thuận lợi. Bởi, hiện Đồng Nai đang cung cấp khoảng 6.000 con heo và hàng chục ngàn con gà, trứng gà có nguồn gốc rõ ràng cho thị trường TP. Hồ Chí Minh theo đề án truy xuất nguồn gốc của địa phương này.
Ngoài ra, các trang trại, cơ sở giết mổ tại Đồng Nai phần lớn cũng đã đáp ứng các yêu cầu phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc. Đây là địa phương vừa sản xuất, vừa tiêu thụ nên việc truy xuất sẽ thực hiện ở tiêu chuẩn cao hơn TP. Hồ Chí Minh, bao gồm cả truy xuất heo chăn nuôi trong trại.
Mục tiêu của đề án nhằm xây dựng quy trình sản xuất sạch đối với ngành chăn nuôi, xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm quản lý đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Từ đó, phát triển mô hình chăn nuôi sạch, truy xuất được nguồn gốc nhằm cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm thịt sạch và hướng đến mục tiêu xuất khẩu thịt gia súc, gia cầm. Đồng thời, đề án cũng sẽ hướng ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.
Hoàng Anh/vietq.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã