Lý giải về thành tích vượt trội này, ông Trần Mộng Thành – Phó Chủ tịch UBND thị xã Long Khánh cho biết, quyết định nhất là sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, nhân dân. Địa phương có lợi thế gần các khu đô thị lớn và khu công nghiệp nên thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản phẩm. Mặt khác, cũng do nằm gần các khu đô thị nên Long Khánh có điều kiện thuận lợi cho chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Trong khi đó, tại Xuân Lộc - huyện nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam tỉnh Đồng Nai, có QL 1A và đường sắt chạy qua, trung tâm huyện đóng tại ngã 3 Ông Đồn là đầu mối của các tuyến giao thông quan trọng, tạo lợi thế về phát triển kinh tế hướng ngoại với các thế mạnh về nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ. “Để nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân, chúng tôi đã huy động mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành kinh tế. Tổ chức thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp”- ông Trần Anh Tuấn – Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết.
Ông Tuấn dẫn chứng, trong nông nghiệp Xuân Lộc tập trung triển khai thực hiện công tác khuyến nông, khuyến nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh, sử dụng mô hình tưới tiết kiệm, cơ giới hóa các khâu thu hoạch, tách hạt… tạo đà thúc đẩy sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao. “Trong thời gian tới, tiếp tục phát huy kết quả đạt được, những kinh nghiệm, cách làm tích cực, sáng tạo trong phong trào “Toàn tỉnh chung sức thi đua xây dựng NTM”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai với quyết tâm chính trị cao, phấn đấu đến năm 2020, Đồng Nai sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM”- ông Trần Đình Thành – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai khẳng định.