Đồng Thanh (Vũ Thư) dồn sức về đích nông thôn mới.
Đến Đồng Thanh những ngày này đi tới đâu cũng thấy sôi nổi không khí thi đua lao động sản xuất, tinh thần chung sức, đồng lòng hướng tới mục tiêu xã NTM.
Ông Phạm Ngọc Năng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đạt 14/19 tiêu chí nên Đồng Thanh được huyện chọn là 1 trong 3 xã phấn đấu về đích cuối năm nay. Song 5 tiêu chí chưa đạt đều khó và cần nguồn vốn đầu tư lớn gồm: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn và môi trường. Xác định đây là chương trình lớn, tổng thể, toàn diện, Đảng ủy xã đã ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhân dân tích cực hưởng ứng, UBND xã thành lập ban chỉ đạo xây dựng NTM do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Ban chỉ đạo tiến hành rà soát lại từng tiêu chí để phân công nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách cho từng thành viên. Sau đó tiến hành điều tra tổng thể tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn nhằm lập quy hoạch, kế hoạch sát thực tế để xây dựng NTM theo lộ trình từng năm. Nhờ vậy, chương trình xây dựng NTM được tiến hành một cách thận trọng, vững chắc, đạt được những kết quả tích cực.
Ông Lương Đức Thọ, thôn Thanh Hương 2 cho biết: Trước đây con đường đi qua nhà tôi nhỏ hẹp, sỏi đá gồ ghề, cỏ mọc um tùm, trời mưa đường lầy lội bà con đi lại rất khó khăn. Nhưng bằng nỗ lực của chính quyền và nhân dân trong thôn, nay con đường đã được mở rộng, xe ô tô đi vào tận cổng từng nhà. Dù không có quy ước nhưng nếu là công trình dân sinh thì các gia đình trong thôn đều tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công, hiến đất để hoàn thiện.
Nghề làm cốm truyền thống giúp 80% hộ dân thôn Thanh Hương, xã Đồng Thanh có mức sống khá và giàu.
Tuy xuất phát điểm thấp nhưng Đồng Thanh có lợi thế đất đai màu mỡ, người dân chăm chỉ, cần cù lao động. Cùng với đó, xã còn có làng nghề sản xuất cốm truyền thống Thanh Hương. Hiện ở đây có gần 200 hộ làm các nghề phụ như sản xuất cốm, bún, bánh... Trong đó, 32 hộ đầu tư máy xay, dây chuyền hơi làm bánh cuốn, bún; 64 hộ đầu tư máy móc làm cốm theo quy mô lớn, còn lại hàng chục hộ sản xuất quy mô nhỏ lẻ và làm đậu, nấu rượu... Nhờ áp dụng máy móc, kỹ thuật vào làm nghề nên năng suất, sản lượng các nghề chế biến thực phẩm ở đây tăng mạnh. Lượng bún, bánh cung cấp ra thị trường khoảng 20 tấn/ngày. Đến nay, nghề làm cốm, bún, bánh cuốn, đậu ở Thanh Hương đã tiêu thụ hàng trăm tấn thóc nếp, thóc tẻ, đậu tương mỗi năm. Thanh Hương giờ không còn hộ đói, 80% trong tổng số gần 800 hộ dân có mức sống khá và giàu. Tỷ lệ hộ nghèo của Thanh Hương thấp nhất xã. Hầu hết các hộ xây dựng nhà mái bằng khang trang, trong đó có hàng chục hộ có nhà cao tầng. Một số hộ mạnh dạn đầu tư mua ô tô tải, giới thiệu các mặt hàng đặc sản của quê hương, đưa danh tiếng Đồng Thanh ra cả nước.
Xác định phát triển sản xuất để nâng cao đời sống cho người dân là nhiệm vụ then chốt, vì vậy, cùng với tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, xã đã triển khai tích cực các giải pháp ưu tiên cho phát triển nông nghiệp, từng bước đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và được đông đảo người dân đồng thuận hưởng ứng. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người của địa phương hiện đã đạt 38 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, lãnh đạo địa phương cũng cho rằng trong 5 tiêu chí chưa đạt thì hầu hết các tiêu chí phải thực hiện theo lộ trình từng bước cụ thể. Hệ thống đường giao thông của xã dài hơn 8km trong đó có 780m đường trục xã; 2,357km đường trục thôn; 3,499km đường nhánh cấp 1 và 1,605km đường nội đồng. Vừa qua, Đồng Thanh đã tiến hành làm mặt bằng toàn bộ đường trục thôn, hoàn thành 2,9km đường nhánh cấp 1 đang tiến hành nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Đối với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, xã đã hoàn thành dự toán thiết kế xây mới. Riêng hội trường thôn Thanh Hương 2 đã tập kết vật liệu, hội trường thôn Thanh Hương 3 đã khởi công phần móng... Với tiêu chí môi trường, hiện Đồng Thanh đã xây dựng quy chế hoạt động nghĩa trang, rác thải tập trung xử lý ở bãi rác xã Xuân Hòa bằng công nghệ lò đốt. Cùng với đó, địa phương cũng đang gấp rút hoàn thiện đề án bảo vệ môi trường xã, làng nghề.
Mặc dù xây dựng NTM ở Đồng Thanh còn những khó khăn như giao thông nông thôn, môi trường, nhà văn hóa thôn... song với sự quan tâm đầu tư của tỉnh và huyện cùng sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã thì việc hoàn thành 19/19 tiêu chí trong năm 2018 là hoàn toàn có cơ sở.
Là 1 trong 10 xã của huyện Đông Hưng đăng ký về đích NTM năm 2018, đến nay, Lô Giang đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, việc về đích đúng hẹn vẫn còn rất nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Thanh niên tham gia làm đường nông thôn mới.
Năm 2013, Lô Giang triển khai xây dựng NTM với khởi đầu đầy khó khăn. Xuất phát điểm thấp, chỉ đạt 11/19 tiêu chí, cấp ủy, chính quyền xã xác định xây dựng NTM cần tranh thủ mọi nguồn lực, huy động tối đa nội lực để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội, phát huy dân chủ trong thực hiện. Đặc biệt, trong làm đường giao thông, xã để các thôn tự tổ chức họp bàn với nhân dân cách thức tổ chức làm, huy động nguồn lực đối ứng, thống nhất kinh phí đóng góp, UBND xã cử người giám sát. Đối với đường trục thôn, xã hỗ trợ 30% kinh phí công trình, tỉnh hỗ trợ 100% xi măng còn đường nhánh các thôn tự đóng góp để làm.
Ông Vũ Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Khó khăn lớn nhất của Lô Giang là nhiều ao, hồ nằm cạnh các trục đường, để mở rộng đường theo tiêu chí NTM phải xây bờ từ đáy ao lên, có đoạn ao sâu phải xây tới 2,5m mới tới mặt đường, rất tốn kinh phí và ngày công. Vì vậy, những hộ đông nhân khẩu phải đóng góp nhiều. Khó khăn là vậy nhưng nhờ phát huy dân chủ, tuân thủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, các thôn công khai, minh bạch các khoản thu, chi làm đường nên đến nay 100% đường giao thông trục thôn và đường nhánh trong toàn xã đã được bê tông hóa. Đường giao thông nội đồng dự kiến đến cuối tháng 11 được hoàn thiện để hoàn thành tiêu chí về giao thông. Đoàn Thanh niên huyện, Công an huyện, Ban CHQS huyện và Đoàn Thanh niên xã tham gia hỗ trợ ngày công lao động làm mặt bằng đường giao thông. Chỉ trong 1 ngày, 120 đoàn viên thanh niên đã giúp xã làm xong mặt bằng đoạn đường nội đồng dài 750m.
Anh Trần Đức Thiện, Bí thư Đoàn Thanh niên xã cho biết: Hơn 40 đoàn viên của 7 chi đoàn và học sinh Trường THCS xã đã tham gia dọn đoạn đường nội đồng cuối cùng dài 750m để tạo mặt bằng cho xã đổ bê tông hoàn thiện tiêu chí giao thông. Trước đó, đoàn viên thanh niên xã cũng đã tổ chức phát cỏ, đắp đường tạo mặt bằng đường thôn Hoàng Nông dài 400m để thôn đổ bê tông. Hàng quý, đoàn viên thanh niên tổ chức vệ sinh đường giao thông thôn xóm, giao thông nội đồng, ngày 24 hàng tháng tham gia tổng vệ sinh toàn xã.
Thời gian qua, Lô Giang đã quy hoạch cánh đồng diện tích 100ha, vận động, khuyến khích nông dân đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng, giá trị cao vào sản xuất như BC15, TBR225, lúa Nhật, Bắc thơm..., mở rộng diện tích cây vụ đông lên 170ha với các loại cây chủ lực là ngô, bí, khoai tây...; tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp xây dựng phát triển ngành nghề, tạo việc làm cho người lao động. Do vậy, Lô Giang từ một xã thuần nông đến nay đã có 2 doanh nghiệp đầu tư phát triển nghề may màn, nghề làm cơ khí và hàng chục cơ sở làm nghề, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Ông Phạm Văn Lang, Giám đốc Công ty TNHH Máy nông nghiệp Văn Lang cho biết: Trước nhu cầu cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân, chúng tôi đã đầu tư mở 2 xưởng sản xuất máy cấy mạ khay. Mỗi năm sản xuất được gần 1.000 máy cấy, bán ra thị trường trong nước và xuất sang các nước Ấn Độ, Philippines, Myanmar..., tạo việc làm thường xuyên cho 23 lao động với thu nhập bình quân từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của Công ty mỗi năm đạt từ 4,5 - 5 tỷ đồng. Nhờ tập trung vào 2 lĩnh vực chính là nông nghiệp và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu nhập bình quân đầu người của Lô Giang tăng lên qua các năm, năm 2018 ước đạt trên 36 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,3%.
Tính đến hết tháng 10/2018, Lô Giang đã đạt 15/19 tiêu chí NTM. 4 tiêu chí còn lại là giao thông thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, trường học và môi trường hiện gặp khó khăn, cần thời gian và nguồn kinh phí lớn gần 20 tỷ đồng nữa để hoàn thành. Để về đích đúng hẹn, xã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tạo mọi điều kiện phê duyệt hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất và đất xen kẹp khu dân cư để xã tổ chức đấu giá; ứng vốn hỗ trợ của tỉnh, huyện để xã có kinh phí hoàn thành các tiêu chí còn lại.
Theo Thu Trang - Thu Hiền/báo Thái Bình.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã