Tỉnh đang tổ chức lại sản xuất cho ngành hàng xoài theo hướng giảm giá thành, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, gắn kết sản xuất với tiêu thụ, nâng cao chất lượng, giá trị thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng và đặc biệt là xây dựng theo chuỗi gia trị.
Đồng Tháp là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 9.300ha, sản lượng hàng năm đạt 90.000 tấn. Giống xoài chủ lực của tỉnh là xoài cát Chu chiếm 70% diện tích, cát Hòa Lộc chiếm 20% diện tích. Tổng giá trị sản xuất ngành hàng xoài toàn tỉnh cả năm ước đạt 1.500 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, hiện nay tỉnh xây dựng được 6 điểm thực hành sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh với hơn 416 ha, nhân rộng mô hình bao trái xoài được trên 85% diện tích. Việc trồng xoài rải vụ đã khắc phục được tình trạng rớt giá do sản lượng tập trung vào một thời điểm, giúp nhà vườn thu nhập cao hơn.
Để sản xuất xoài theo chuỗi giá trị, tỉnh đã thành lập được 2 hợp tác xã, 29 tổ hợp tác sản xuất xoài liên kết cung cấp cho: Công ty Long Uyên, Công ty Injae Corporation – Hàn Quốc, Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong, Công ty TNHH Cuộc sống tốt lành – good life, Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt Đức.
Tỉnh đã hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác chứng nhận GAP đủ điều kiện xuất khẩu xoài sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Newzealand, Trung Quốc, Nga thông qua các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Năm qua các công ty tiêu thụ hơn 3.700 tấn, với các hình thức liên kết tiêu thụ có hoặc không có cung ứng vật tư đầu vào.
Đa số các loại xoài liên kết được bao trái, trồng theo VietGAP giá cao hơn xoài thường từ 5.000-10.000 đồng/kg , đồng thời tiết kiệm được 5-7 lần phun xịt thuốc, cho lãi từ 200-220 triệu đồng/ha. Trong khi đó xoài không bao trái, không trồng theo VietGAP, không liên kết tiêu thụ chỉ lãi từ 150-160 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Hồng Sự, Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh cho biết, là huyện có diện tích trồng xoài nhiều nhất tỉnh với hơn 3.600 ha, trồng nhiều nhất là xoài cát Chu và cát Hòa Lộc cho năng suất hơn 11 tấn trái/ha, sản lượng bình quân năm hơn 40 ngàn tấn. Đây cũng là huyện thực hiện trồng xoài theo chuỗi giá trị. Hơn 80% diện tích trồng xoài áp dụng kỹ thuật bao trái, có 5 ha xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP, hơn 21 ha được chứng nhận GlobalGAP và hàng chục ha trồng theo hướng hữu cơ.
Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ xoài thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất tiêu thụ xoài với doanh nghiệp giúp xoài Cao Lãnh tiêu thụ ổn định và xoài Cao Lãnh đã xuất sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Newzealand, Nga. Ngoài ra các kênh tiêu thụ truyền thống và tiêu thụ thông qua liên kết, Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh đã sáng tạo tiêu thụ qua mô hình “Cây xoài nhà tôi”, đây là mô hình đã kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân trồng xoài có ứng dụng công nghệ thông tin.
Ông Đoàn Thanh Hiền xã viên Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, là một trong những người đi tiên phong trong việc áp dụng theo quy trình sản xuất an toàn, cho biết khi người tiêu dùng bắt đầu đòi hỏi sản phẩm xoài không chỉ chất lượng ngon mà còn phải an toàn, ông áp dụng sản xuất xoài theo hướng GlobalGAP để đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo thuận lợi trong việc liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Việc áp dụng theo quy trình sẽ giúp cho xoài địa phương “giữ chân” người tiêu dùng người nước ngoài.
Đồng thời mô hình trồng xoài rải vụ qua đó giúp điều tiết sản lượng xoài cung ứng trong năm, nhằm cân bằng cán cân cung cầu, giúp nông dân trồng xoài thu được lợi nhuận cao.Theo các nhà vườn, mô hình canh tác xoài rải vụ giá bán cao hơn xoài chính vụ từ 1,5 - 2 lần, với lợi nhuận trung bình mỗi hecta trồng xoài cát Hòa Lộc là 120 triệu đồng và 80 triệu đồng đối với xoài cát Chu.
Vừa qua tỉnh Đồng Tháp còn đưa ra đề án Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười gồm 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030. Riêng lĩnh vực liên kết vùng để phát triển chuỗi giá trị nông sản đặc trưng Đồng Tháp Mười và trái xoài được định hướng sản phẩm có giá trị và thương hiệu ở thị trường trong nước và quốc tế với hai sản phẩm Cát Chu và Cát Hòa Lộc trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Tháp hơn 6.000 ha và Tiền Giang hơn 3.900 ha, chiếm khoảng 25% diện tích xoài đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đề án này, Đồng Tháp và Tiền Giang đóng vai trò cung ứng đầu vào, sản xuất và chế biến, trong khi Long An có ưu thế về hậu cần logistics phục vụ thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam bộ và xuất khẩu./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã