Chiều 13/6, tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chủ trì hội nghị bàn luận dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản.
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo,doanh nghiệp và ngư dân của nhiều tỉnh, thành có thế mạnh về đánh bắt thủy hải sản của cả nước.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị bàn luận dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản |
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân dưới nhiều hình thức và với dự thảo Nghị định này, đã tạo ra mục đích rõ ràng hơn trong việc hỗ trợ bà con yên tâm bám biển, làm giàu từ biển và kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Mục đích của Nghị quyết này nhằm hỗ trợ mạnh mẽ các hoạt động đầu tư nâng cấp, đóng mới các phương tiện đánh bắt cũng như đội ngũ tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, phục vụ khai thác đánh bắt xa bờ hiệu quả hơn.
Một số ưu đãi về tín dụng cho hoạt động gia cố, đóng mới tàu trong dự thảo còn “mạnh mẽ” hơn trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 mà Chính phủ bàn về nội dung này. Theo đó, thay vì chủ tàu phải trả lãi tối đa 3%/năm khi đóng mới tàu thì nay chỉ phải trả 2%, thậm chí đối với tàu dịch vụ hậu cần và tàu đánh cá vỏ thép có công suất máy từ 800 CV trở lên thì chỉ phải trả lãi 1%/năm (trong tổng lãi suất là 5%). Số còn lại là ngân sách hỗ trợ. Ngoài ra, chủ tàu còn được vay vốn ngân hàng thương mại ở mức tối đa 95% và tối thiểu 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu các loại.
Cùng với nghị định này, việc hình thành các tổ, đội hợp tác sản xuất ngư nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào ngư nghiệp… cũng được Chính phủ xây dựng, ban hành trong các văn bản trước đó là những điều kiện đầy đủ phát triển ngư nghiệp xa bờ.
Các ý kiến phát biểu tại cuộc thảo luận đều bày tỏ ủng hộ quyết tâm tăng cường và đảm bảo chi cho đầu tư hạ tầng nghề cá, phát triển các hình thức liên kết sản xuất và các hoạt động đánh bắt cá xa bờ của Chính phủ nhưng cần phải làm cặn kẽ.
“Tàu nào cá đấy”
Qua thực tiễn đánh bắt cá xa bờ, các chuyên gia và ngư dân đều cho rằng tùy từng loại cá thì có cách thiết kế mẫu tàu và ngư cụ khác nhau. Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định và nhiều đại biểu đề nghị dự thảo Nghị định cần quy định theo hướng cho ngư dân tham gia vào việc lựa chọn mẫu tàu, nơi đóng tàu và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan xác định các tiêu chuẩn kỹ thuật của mỗi loại tàu đánh cá để giảm lao động trực tiếp, tăng năng suất đánh bắt.
Đại diện nghiệp đoàn nghề cá kiến nghị cần bổ sung hỗ trợ cả loại tàu vỏ gỗ bọc chất liệu mới (như composite) thay vì chỉ hỗ trợ tàu gỗ bọc sắt như dự thảo. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng dự thảo cũng nên hỗ trợ chủ tàu hoán cải tàu gỗ (nâng công suất máy, mua sắm ngư cụ, trang thiết bị…) nhưng chỉ áp dụng cho tàu có công suất 380 CV trở lên.
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị chỉ hỗ trợ những chủ tàu, ngư dân làm ăn hiệu quả, là thành viên của các tổ, đội hợp tác. Chính quyền cơ sở và các tổ, hội nghề nghiệp sẽ là cơ quan xác nhận tính hiệu quả của ngư dân muốn vay vốn ưu đãi.
Có hỗ trợ cho doanh nghiệp đóng, sửa chữa tàu?
Ông Hà Sơn Hải, Tổng Giám đốc Tổng Công ty đóng tàu Sông Thu, cùng nhiều đại biểu khác cho biết việc tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp đóng tàu phát triển cũng là điều cần tính tới trong dự thảo Nghị định bởi không thể chỉ đóng tàu ở Hải Phòng hay Quảng Ninh rồi đưa về giao cho ngư dân tận Phú Yên, Bình Định.
Sửa chữa tàu cũng là việc quan trọng và cần có ưu đãi về vốn, tín dụng cho các doanh nghiệp để đảm bảo sửa chữa nhanh nhất cho chủ tàu và ngư dân.
Đồng tình với các kiến nghị của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ sẽ xem xét chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đóng và sửa chữa tàu của ngư dân.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung cả việc hỗ trợ ngư dân có nhu cầu hoán cải tàu trên 380 CV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu xây dựng các tiêu chí loại tàu đánh bắt cá phù hợp với mỗi ngư trường, và bổ sung điều kiện ngư dân, chủ tàu làm ăn hiệu quả, là thành viên của các tổ hợp tác mới được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng thương mại.
“Chủ trương của ta là đánh bắt xa bờ chứ không phải đánh bắt gần bờ, nên Nhà nước ưu tiên đóng tàu vỏ thép. Bà con ta chưa quen tàu vỏ thép nên cũng cần phải có thời gian chạy thử nghiệm để làm quen”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói, đồng thời cho rằng sau khi ban hành chính sách sẽ giao địa phương thực hiện thí điểm chính sách hỗ trợ đóng tàu, vừa làm vừa khắc phục những bất cập phát sinh để nhân rộng ở cả địa phương.
Trong quá trình thực hiện, tùy vào điều kiện của mỗi tỉnh có thể thành lập ban chỉ đạo để thực hiện chính sách phát triển thủy sản ở địa phương.
THÀNH CHUNG
Theo Chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã