Mô hình HTX là mô hình tối ưu trong việc hỗ trợ các hộ gia đình phát triển sản xuất hiệu quả, tạo vị thế bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong thị trường.
Những hiện tượng trong những năm qua như được mùa mất giá, sản xuất dư thừa, không có thị trường tiêu thụ, giải cứu dưa hấu, giải cứu thịt heo, giải cứu củ cải... sẽ còn tiếp diễn nếu các hộ nông dân tiếp tục sản xuất kinh doanh đơn lẻ, cá thể như hiện nay.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế cạnh tranh gay gắt hiện nay, vai trò của HTX càng quan trọng hơn nữa. Nếu không hợp tác với nhau thì sẽ không cạnh tranh được. Vì thế, cần đẩy mạnh phong trào HTX phát triển, nâng cao vai trò và đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác, HTX trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội ở nước ta.
Thời gian tới, cần tập trung mạnh cho công tác tuyên truyền, tập huấn. Đối tượng tuyên truyền, tập huấn trước hết phải là cấp uỷ, chính quyền các cấp; sau đó đến đội ngũ cán bộ các cấp làm việc liên quan đến HTX, từ đó mở rộng cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư.
Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định trong Luật HTX 2012: Nghiên cứu, đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập trong các quy định tại Luật HTX 2012 như công nợ, tỷ lệ góp vốn, thủ tục giải thể bắt buộc và chuyển đổi sang loại hình tổ chức khác, chế tài xử lý vi phạm Luật... cho phù hợp với tình hình thực tế của mỗi giai đoạn phát triển.
Xây dựng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên.
Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước đối với HTX gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp trong phát triển HTX.
Kiện toàn bộ máy và tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước đối với HTX các cấp, đặc biệt là HTX nông nghiệp.
thoibaokinhdoanh.vn