Mỗi năm 1ha rau chuyên canh cho nông dân Duy Phước mức thu nhập 150 - 200 triệu đồng. Ảnh: THÀNH NHI |
Nỗ lực quy hoạch sản xuất hàng hóa
Những ngày này, bà Nguyễn Thị Hồng ở thôn Lang Châu Bắc đang tập trung thu hoạch 2 sào rau muống trên cánh đồng Bà Thụ rộng hơn 2ha. Bà Hồng cho biết: “Nhờ thời tiết thuận lợi, nước tưới dồi dào, chăm sóc theo đúng quy trình nên ruộng rau muống phát triển rất tốt. Đầu tháng 2 đến nay, cắt bán 3 lứa tui kiếm được hơn 20 triệu đồng rồi. So với trồng lúa thì nguồn thu nhập từ mô hình sản xuất rau chuyên canh này cao gấp 6 - 8 lần”. Trên cánh đồng Gò Chùa thuộc thôn Hòa Bình, ông Lê Chương cũng đang xuất bán 1 sào bí đao cho chủ buôn lớn đến từ Đà Nẵng. Ông Chương khoe: “Vụ ni, tui thu được 3,6 tấn quả, bán sỉ tại ruộng với giá 1kg là 3 nghìn đồng thì tổng giá trị đạt xấp xỉ 11 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư, lãi ròng hơn 9 triệu đồng”.
Dẫn chúng tôi lội khắp những cánh đồng rau xanh mượt, ông Lê Trung Ba - Cán bộ khuyến nông xã Duy Phước cho biết, để chủ động cung ứng nước tưới, 7 năm trở lại đây địa phương đã huy động đầu tư gần 4 tỷ đồng cho công tác thủy lợi hóa đất màu. Sau khi hoàn thành khâu trọng yếu đó, xã triển khai quy hoạch vùng chuyên canh cây trồng cạn và rau đậu các loại theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với tổng diện tích hơn 20ha đất. Đồng thời, đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nhằm giúp nông dân ổn định đầu ra của sản phẩm. Ông Ba nói: “Hiện nay, bình quân mỗi năm 1ha đất canh tác theo phương thức này cho nhà nông mức thu nhập 150 - 200 triệu đồng. Nhờ vậy, rất nhiều gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu một cách nhanh chóng”. Theo ông Ba, thời gian tới Duy Phước sẽ tiếp tục thủy lợi hóa 3ha đất bấp bênh nước tưới ở thôn Lang Châu Nam và Câu Lâu Đông để hình thành thêm một số mô hình chuyên canh rau màu cho giá trị kinh tế cao.
Từ xuất phát điểm chưa đạt tiêu chí nào, đến nay Duy Phước đã hoàn thành 9 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, gồm: quy hoạch, điện, bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, hệ thống chính trị, an ninh trật tự. Hiện tiêu chí về thu nhập đã đạt và đang chờ huyện thẩm định. Theo kế hoạch, năm 2013 Duy Phước phấn đấu hoàn thành thêm 4 tiêu chí nữa là trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, môi trường và quyết tâm trở thành xã NTM trước năm 2015. |
Duy Phước có 504ha đất canh tác lúa. Sáu năm nay, nhờ chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, đưa nhiều loại giống có chất lượng cao vào gieo sạ, chuyển giao rộng rãi gói kỹ thuật sản xuất mới cho nông dân nên địa phương này liên tục được mùa. Ông Lê Đào - Phó Chủ tịch UBND xã hồ hởi: “Nếu năm 2007 năng suất lúa bình quân chung toàn xã chỉ đạt 57 tạ/ha thì năm 2012 đã tăng lên 64 tạ/ha. Bây giờ, nhiều đồng lúa đông xuân bắt đầu chín, dự kiến năng suất sẽ tăng 2 - 3 tạ/ha so với cùng vụ sản xuất năm ngoái”.
Cần nói thêm, sau khi hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, vụ đông xuân này xã Duy Phước đã quy hoạch xây dựng cánh đồng mẫu lớn chuyên sản xuất lúa giống hàng hóa và lúa thơm thương phẩm tại thôn Câu Lâu Đông với diện tích hơn 35ha. Hiện nay, địa phương đang tích cực chuẩn bị các bước để tiếp tục hình thành thêm một cánh đồng mẫu lớn nữa ở khu vực Nhà Vàng thuộc các thôn Lang Châu Nam, Hòa Bình, Câu Lâu Tây, Lang Châu Bắc với quy mô gần 37 ha. Ông Đào cho rằng, việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn không chỉ giúp nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích...
Chung sức xây dựng hạ tầng
Xác định giao thông là hướng đột phá nên gần 2 năm qua từ nhiều nguồn kinh phí Duy Phước đã bê tông hóa được hơn 3,5km giao thông nội đồng, gần 4km giao thông nông thôn, nâng tổng số đường giao thông các loại được kiên cố hóa lên 43,2km, đạt 92%. Điều đáng nói là, để có được con số ấn tượng vừa nêu, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì nhân dân trên địa bàn xã cũng đã tham gia hàng nghìn ngày công lao động, hiến hơn 3 nghìn mét² đất và đóng góp gần 6 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hiến - một người dân địa phương tự nguyện hiến 300m² đất vườn để làm đường bày tỏ: “Phát triển mạnh giao thông sẽ tạo tiền đề cho kinh tế - xã hội phát triển, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tui hiến đất là muốn đóng góp một phần bé nhỏ để quê hương ngày càng khang trang, sạch đẹp”.
Những người con của Duy Phước ở xa quê cũng rất tích cực tham gia đóng góp để xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu. Mới đây, bà Võ Thị Hồng quê ở thôn Hà Nhuận (xã Duy Phước) hiện là Giám đốc Công ty TNHH Đại Hồng Tín có trụ sở tại Đà Nẵng đã bỏ ra hơn 1,2 tỷ đồng hỗ trợ chính quyền xã đầu tư thi công kiên cố cây cầu An Phước nối liền 2 thôn Hà Nhuận và Mỹ Phước. Cầu này gồm 2 nhịp, dài 8m, rộng 3,5m được xây dựng bằng bê tông cốt thép vĩnh cửu và đường dẫn vào hai đầu cầu dài hơn 500m. Bà Hồng tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, từng chứng kiến cảnh cơ khổ của người dân mỗi khi đi qua chiếc cầu tre xiêu vẹo, nhất là những lúc lũ dữ ập về. Bây giờ, điều kiện kinh tế tương đối ổn định, tôi muốn chung tay xây chiếc cầu ấy để bà con quê mình không còn vất vả trong việc đi lại”.
Gần 2 năm nay nhân dân Duy Phước cũng tự nguyện đóng góp ít nhất 1 tỷ đồng xây dựng mới nhà sinh hoạt văn hóa thôn, các cổng chào ở từng tổ đoàn kết, bắt điện chiếu sáng khắp đường làng ngõ xóm. Đặc biệt, mua sắm xe lôi, dụng cụ bảo hộ lao động để thực hiện việc thu gom các loại rác thải ở khu dân cư và lắp đặt những hộc bằng bê tông trên đồng ruộng để bỏ bao bì, chai lọ đựng phân bón, thuốc trừ sâu nhằm bảo vệ môi trường sống...
MAI NHI - PHI THÀNH (baoquangnam.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã