Theo điều tra của phóng viên Báo Thanh Hóa tại các xã đạt chuẩn NTM, đã xuất hiện tình trạng “rớt” tiêu chí chuẩn so với thời điểm được thẩm định. Điển hình nhất là tiêu chí y tế với mục tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Theo Quyết định 342, ngày 20-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ, các xã đạt chuẩn tiêu chí y tế trong NTM phải có từ 70% người dân tham gia BHYT trở lên. Từ căn cứ này, các xã đạt chuẩn NTM của tỉnh trong năm 2013 đã nỗ lực vận động người dân tham gia BHYT và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Khi các ngành chức năng và Văn phòng Điều phối XDNTM của tỉnh thẩm định, các xã đã chứng minh được những con số hợp lý theo đúng tỷ lệ quy định. Đáng buồn là, sau khi đã được công nhận xã NTM, tỷ lệ người tham gia BHYT ở nhiều địa phương đã giảm một cách nhanh chóng.
Thông tin điều tra từ Bảo hiểm Xã hội tỉnh, tính từ đầu năm 2014, ở nhiều xã đã đạt chuẩn NTM, như: Hạnh Phúc, Xuân Giang (Thọ Xuân); Định Tường (Yên Định); Quảng Tân, Quảng Hợp (Quảng Xương); Đông Văn (Đông Sơn); Phú Lộc (Hậu Lộc)... số lượng người tham gia BHYT đều giảm so với thời điểm cuối năm 2013 (thời điểm nhiều xã được thẩm định và công nhận hoàn thành 19 tiêu chí NTM). Đơn cử như xã Quý Lộc (Yên Định), có thời điểm, số người tham gia BHYT hơn 70%, song đầu năm 2014 giảm chỉ còn 52%.
Việc không duy trì được tiêu chí này có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu vẫn là việc chạy theo thành tích - lối tư duy thủ cựu, cố hữu cần khắc phục. Đầu tiên là việc các xã bỏ tiền ngân sách xã ra mua BHYT cho người dân để đạt tỷ lệ theo tiêu chí. Một số đơn vị tiêu biểu, như: xã Xuân Giang chi ngân sách 20 triệu đồng, xã Quảng Tân 50 triệu đồng, xã Định Tường 20 triệu đồng... để mua BHYT hỗ trợ người dân đúng vào thời điểm thẩm định. Đó cũng là một trong các lý do sang năm 2014, số lượng BHYT toàn tỉnh giảm 160.000 thẻ so với năm 2013.
Không chỉ tiêu chí tỷ lệ tham gia BHYT sụt giảm, việc duy trì tiêu chí môi trường ở nhiều địa phương hiện nay cũng đã và đang đặt ra băn khoăn với nhiều người. Vào thời điểm thẩm định, công tác tuyên truyền cho người dân ở các xã được đẩy mạnh, thậm chí đưa vào quy chế thôn. Nhà nhà, người người được nâng cao nhận thức và tổ chức chôn lấp, đốt rác, xử lý các chất thải để bảo đảm môi trường trong sạch. Nhưng khi đã được công nhận đạt chuẩn NTM, chính quyền và nhân dân nhiều nơi có biểu hiện lơ là, khiến môi trường không bảo đảm.
Chúng tôi có dịp khảo sát tại xã Phú Lộc, địa phương đầu tiên của huyện Hậu Lộc được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2013. Trên các cánh đồng vào những ngày đầu tháng 4 này, nông dân trong xã tham gia các mô hình cây màu, ớt xuất khẩu khá nhộn nhịp. Theo ông Trần Thanh Tú, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Phú Lộc: HTX là một trong các đơn vị dẫn đầu của huyện trong việc xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa, tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm nông nghiệp của nông dân. Năm 2013, giá trị từ nông nghiệp chiếm 55% trong cơ cấu kinh tế của xã, tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng thêm 15% trong năm 2014 này. Theo lý giải của Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lộc, đồng chí Nguyễn Ngọc Dinh, việc phát triển mạnh các cây trồng hàng hóa, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả và đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng chính là đang duy trì tiêu chí thu nhập và cơ cấu lao động trong NTM của xã. Vụ đông vừa qua, HTX đã thu mua và giải quyết đầu ra cho hơn 1.000 tấn sản phẩm nông nghiệp của bà con, có thôn khi thanh toán đã nhận một lúc 700 triệu đồng. Từ việc luôn “làm mới” hoạt động sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 27,5 triệu đồng/người/năm. Chất lượng cuộc sống của người dân trong xã theo đó cũng dần được nâng lên.
Hiện tại, việc kiên cố hóa kênh mương nội đồng và đường giao thông nông thôn của Phú Lộc vẫn đang được đầu tư nâng cấp. Để tiêu chí môi trường được duy trì, ngày chủ nhật đầu của mỗi tháng, xã đều phát động cán bộ và nhân dân trên địa bàn dọn vệ sinh. Được hỏi về quan điểm XDNTM bền vững, đồng chí Nguyễn Ngọc Dinh, khẳng định: “Chuẩn NTM không đơn thuần là kêu gọi nhân dân xây dựng nhà cao cửa rộng, cơ sở vật chất của xã khang trang mà phải chú trọng cả đời sống người dân có được nâng lên và duy trì bền vững hay không”.
Phú Lộc chỉ là một trong nhiều địa phương có động thái tích cực trong duy trì các tiêu chí NTM. Việc để “rớt” hay duy trì bền vững các tiêu chí đã đạt chuẩn cơ bản vẫn là do con người hơn là hoàn cảnh bên ngoài. Thiết nghĩ, sau khi đã thẩm định và công nhận hoàn thành 19 tiêu chí cho các xã, cứ sau một thời gian nhất định (có thể 1 năm), các ngành chức năng cần có công tác hậu kiểm để tái thẩm định các tiêu chí. Có như vậy, các xã mới tích cực hơn trong duy trì các tiêu chí sau khi đã hoàn thành XDNTM.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã