Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề luôn được tỉnh quan tâm và duy trì thực hiện. Từ đó đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị- xã hội và người lao động về vai trò của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp với các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thường xuyên tuyên truyền về công tác dạy nghề trong các hoạt động của hội, đoàn thể các địa phương. Để công tác dạy nghề có hiệu quả, tỉnh đã tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, từ đó nắm được nhu cầu học nghề của lao động và có định hướng đào tạo phù hợp.
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được 6 mô hình điểm về dạy nghề cho lao động nông thôn đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Chẳng hạn như mô hình trồng và chăm sóc cây ném tiếp tục được nhân rộng tại các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và Vĩnh Linh. Tính đến nay, diện tích canh tác cây ném toàn tỉnh đã tăng lên 200 ha, hiệu quả kinh tế từ cây ném khá lớn, bình quân từ 40-50 triệu đồng/ ha sau khi trừ chi phí, cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Mô hình trồng sắn ở các xã vùng Lìa (huyện Hướng Hóa) gắn với nhà máy tinh bột sắn đã đem lại hiệu quả kinh tế và tạo việc làm cho nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cây sắn với diện tích trên 1.500 ha, năng suất sắn tăng dần qua các năm. Mô hình đào tạo nghề may công nghiệp thực hiện theo phương thức ký kết hợp đồng đào tạo nghề gắn với bố trí, giải quyết việc làm 3 bên (cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp sử dụng lao động) bước đầu có hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã có 947 lao động được đào tạo và bố trí việc làm tại các doanh nghiệp may trong tỉnh, mức lương cơ bản ổn định từ 2,5- 4 triệu đồng/người/ tháng...
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề bằng nguồn vốn từ các chương trình, dự án, nguồn ngân sách địa phương và các nguồn khác với số tiền trên 92,3 tỷ đồng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề được chú trọng, hàng năm đã huy động được trên 270 lượt giáo viên và người dạy nghề tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Trong giai đoạn từ 2012-2015, Sở LĐ, TB& XH đã phối hợp với các trường đại học trong nước và các đơn vị có chức năng bồi dưỡng dạy nghề mở 3 lớp đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho 75 giáo viên dạy nghề; 4 lớp bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho 80 người dạy nghề tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Nhờ vậy, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã có 16.256 lao động nông thôn được đào tạo nghề theo Đề án 1956, với tổng kinh phí đào tạo trên 17,3 tỷ đồng.
Đi đôi với đào tạo nghề, công tác giải quyết việc làm luôn được tỉnh chú trọng, nhất là đối tượng con em của nông dân, thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp nghề. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã có 8.784 lao động được tạo việc làm mới, đạt 92% kế hoạch năm. Trong đó, có 5.260 lao động tìm việc làm trong tỉnh; 2.432 lao động làm việc ngoài tỉnh và 1.092 người xuất khẩu lao động. Qua đó góp phần làm thay đổi cơ cấu lao động nông thôn, hạ thấp tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và nâng cao tỷ lệ lao động trong các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Sau gần 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay toàn tỉnh đã có 80/117 xã đạt tiêu chí về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên. Đây chính là tiền đề quan trọng góp phần hỗ trợ các địa phương nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí khó như hộ nghèo, thu nhập... Khi lao động nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định sẽ giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập, thúc đẩy các địa phương phát triển. Tuy nhiên, để giữ vững tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, đòi hỏi các địa phương cần sớm có giải pháp phù hợp để duy trì và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương, rất cần sự nỗ lực của mỗi người dân trong việc lựa chọn cho mình một nghề phù hợp năng lực với thu nhập ổn định.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã