Theo tính toán của các doanh nghiệp đầu mối, hiện tại mỗi lít xăng bán ra đang lỗ khoảng gần 1 nghìn đồng do giá xăng thế giới tăng vọt, dù đã được giảm thuế nhập khẩu. Vì vậy, giá mặt hàng này có thể sắp tăng theo đà thế giới.
Trong thời gian vừa qua, giá xăng dầu thế giới đã liên tục tăng với mức chóng mặt. Nguyên nhân là do những căng thẳng giữa nước xuất khẩu dầu mỏ Iran và khối các quốc gia châu Âu (EU), cùng với đó là các thông tin về sự hồi phục kinh tế trên toàn cầu.
Theo tính toán và theo dõi của Liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá xăng, dầu thành phẩm bình quân 30 ngày gần đây (từ ngày 16/01/2012 - 14/02/2012) so với bình quân 30 ngày trước đó (từ ngày 17/12/2011 đến ngày 15/01/2012) đã liên tục tăng mạnh, trong đó tăng mạnh nhất là xăng với tỷ lệ tăng 6,47%.
Đặc biệt, kể từ thời điểm 14/02/2012 đến nay, giá thế giới của các mặt hàng này tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường.
Dựa trên nguyên tắc tính toán giá cơ sở theo quy định về Kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính đã tính toán, xác định giá cơ sở từng mặt hàng xăng dầu, chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán mặt hàng xăng, dầu trong nước hiện nay.
Theo đó, tất cả các chủng loại xăng, dầu đều có giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành từ 372 đ/lít đến 844 đ/lít, trong đó mức cao nhất rơi vào xăng.
Với mức tăng mạnh này, để giải quyết vấn đề kìm giá xăng, dầu, hôm 21/2 vừa qua Bộ Tài chính đã chính thức ban hành quyết định giảm thuế nhập khẩu xuống 0% đối với xăng, 3% đối với dầu.
Giá thế giới của các mặt hàng này tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường (ảnh minh họa)
Tuy nhiên, qua theo dõi, kể từ ngày giảm thuế nhập khẩu đến nay, giá xăng dầu thế giới vẫn không ngừng tăng mạnh và đà đi lên này được nhiều chuyên gia nhận định sẽ còn tiếp tục.
Điển hình, giá dầu thô trên thị trường thế giới trong ngày hôm qua đã tiếp tục ghi nhận thêm một phiên tăng giá mạnh mẽ. Giá dầu WTI giao kỳ hạn tại New York (Mỹ) và dầu thô Brent tại London (Anh) đồng loạt chạm những mốc giá cao nhất trong vòng 9 tháng trở lại đây. Hiện đang đứng tương ứng ở mức 107,83 USD/thùng và 123,62 USD/thùng.
Trong khi đó, giá sản phẩm tại thị trường Singapore hiện tại cũng đang đứng ở mức khá cao. Dầu hỏa là 136,33 USD/thùng; DO 0,05S có giá 136,99 USD/thùng và xăng RON92 có giá 131,50 USD/thùng.
Như vậy, với xu hướng tăng cao của thị trường thế giới trong suốt thời gian gần đây đang đè nặng lên giá cả thị trường trong nước, bởi mặt hàng này hiện vẫn được nhập khẩu là chủ yếu. Việc giảm thuế trong thời gian vừa qua chỉ nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, chứ chưa thể giúp họ cải thiện kinh doanh và không lỗ.
Một doanh nghiệp đầu mối cho biết, áp lực giá cả đang là một vấn đề lớn đối với kinh doanh xăng dầu. Với đà đi lên mạnh như hiện nay thì giá xăng dầu trong nước cần được tăng theo để các công ty có thể cung ứng đầy đủ cho nhu cầu của thị trường.
Điều này có vẻ hợp lý khi mà theo quy định về kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước có được tăng, giảm giá bán khi giá bình quân 30 ngày tăng hoặc giảm.
Ngoài ra, theo mục tiêu của Chính phủ là hướng đến việc thị trường hóa các mặt hàng thiết yếu, trong đó có xăng dầu thì việc đuổi theo giá thế giới cũng đang được Liên Bộ Tài chính – Công Thương cân nhắc và xem xét, vừa phù hợp với thị trường mà không gây ra sức ép lạm phát.
Vấn đề hiện nay người tiêu dùng vẫn đang canh cánh lo âu là việc giá xăng, dầu có thể tăng mạnh theo đà thế giới. Nếu điều này sớm xảy ra chi tiêu hàng này lại thêm phần khó khăn, khi chi phí đi lại lên cao.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã