Mục tiêu Kế hoạch nhằm xây dựng Kho bạc Nhà nước (KBNN) hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển ổn định vững chắc trên cơ sở cải cách thể chế chính sách gắn với hiện đại hóa và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin (CNTT).
Đặc biệt, đến năm 2020, các hoạt động KBNN phải được thực hiện trên nền tảng CNTT hiện đại, hình thành kho bạc điện tử, đồng thời nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp lý có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của KBNN, hướng tới việc xây dựng và hình thành Luật LBNN giai đoạn 2020-2030.
Cụ thể, về quản lý Quỹ Ngân sách nhà nước (NSNN), KBNN tiếp tục ứng dụng CNTT điện tử tiên tiến vào quy trình quản lý thu NSNN theo hướng đơn giản về thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian và thủ tục nộp tiền cho các đối tượng nộp. Nghiên cứu và triển khai các phương thức thu nộp NSNN mới theo phương thức điện tử.
Đối với công tác kiểm soát chi, KBNN tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao tính công khai minh bạch và giải trình trong công tác kiểm soát chi NSNN qua KBNN. Đồng thời, thực hiện thống nhất đầu mối kiểm soát chi thường xuyên và chi đầu tư tại KBNN, phấn đấu rút ngắn thời gian kiểm soát chi đầu tư xuống còn 1 ngày vào năm 2020.
Đến 2020, KBNN cũng sẽ tiếp tục triển khai mở rộng các dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng CNTT vào quy trình kiểm soát chi để phấn đấu hình thành quy trình kiểm soát chi điện tử cho cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Mặt khác nâng cao hiệu quả kiểm soát chi đầu tư, tăng dần tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư so với kế hoạch vốn được giao lên 95 - 96% và giảm dần số dư chuyển nguồn sang năm sau.
Về công tác huy động vốn, KBNN tiếp tục hoàn thiện văn bản hướng dẫn quy trình nghiệp vụ và tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ. Đồng thời hoàn thiện hệ thống nhà tạo lập thị trường; nghiên cứu phát triển các sản phẩm trái phiếu mới theo lộ trình phát triển thị trường TPCP giai đoạn 2017 - 2020, đảm bảo huy động đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển. Thực hiện tái cơ cấu nợ trong nước nhằm kéo dài kỳ hạn TPCP trong nước giai đoạn 2017 - 2020 lên khoảng 7 - 8 năm, dư nợ TPCP đạt khoảng 22% GDP vào năm 2020.
Trong giai đoạn 2017 - 2010, công việc này tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống KBNN để tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN hàng năm trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua theo đúng chế độ quy định. Đồng thời, KBNN chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, đặc biệt là về trình độ cán bộ để sẵn sàng nhận nhiệm vụ tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN địa phương.
Ngoài ra, trong giai đoạn này, KBNN phải hoàn thiện và ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn nội bộ, làm căn cứ cho triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra KBNN như: Quy trình xử lý sau thanh tra, quy chế phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra giữa các đơn vị KBNN; cập nhật thường xuyên sổ tay thanh tra chuyên ngành; khung kiểm soát quản lý rủi ro trong công tác kiểm soát chi NSNN. Bên cạnh đó là việc sử dụng linh hoạt các phương thức kiểm tra, kết hợp giữa giám sát từ xa với kiểm tra tại chỗ; tăng cường công tác tự kiểm tra và phúc tra, xử lý sau thanh tra, kiểm tra... nhằm phát hiện và cảnh báo sớm các rủi ro trong hoạt động KBNN. Ngăn chặn và có biện pháp xử lý kịp thời các hiện tượng vi phạm chính sách, chế độ, giúp công tác quản lý, điều hành hoạt động KBNN được thông suốt, an toàn và đúng pháp luật...