Ông Lù Dung Chương, Trưởng thôn Lùng Khấu Nhin 2 cho biết: Trước đây, do tập quán chăn nuôi, người dân trong thôn không quan tâm thu gom phân gia súc và chất thải chăn nuôi, để tràn cả ra đường, gây ô nhiễm môi trường. Khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân trong thôn đã nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc tham gia thực hiện các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí môi trường.
Xuất phát từ đó, qua tìm hiểu và được sự gợi ý của cán bộ Ban Quản lý dự án giảm nghèo huyện Mường Khương, nhóm cùng sở thích (CIG) của thôn Lùng Khấu Nhin 2 đã bàn và đề xuất ý tưởng xây hầm biogas bằng vật liệu composit kết hợp với tổ chức chăn nuôi. Tại cuộc thi ý tưởng sáng tạo nhóm CIG năm 2013, ý tưởng của nhóm hộ cùng sở thích thôn Lùng Khấu Nhin đã được Ban quản lý dự án ODA tỉnh đánh giá cao và nhận được sự hỗ trợ từ dự án giảm nghèo để triển khai vào thực tế.
Đầu tháng 7/2014, ý tưởng này được triển khai thực hiện tại 7 hộ dân. Đây là các hộ được lựa chọn thông qua bình xét, đề cử của thôn. Theo tính toán để hoàn thiện một hầm biogas, mỗi hộ dân cần đầu tư 10 triệu đồng, tuy nhiên, toàn bộ chi phí này được dự án giảm nghèo hỗ trợ, gồm: Vỏ hầm biogas, 2 bếp gas, toàn bộ hệ thống dây dẫn gas, một bóng đèn sử dụng khí sinh học, người dân chỉ phải đóng góp công lao động để đào và lấp hầm biogas.
Sau một thời gian ngắn triển khai, ý tưởng được hiện thực hóa và mang lại hiệu quả rõ nét. Mỗi hộ đã đầu tư phát triển đàn vật nuôi lớn, từ 8 - 10 con lợn, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Việc dùng gas từ nguồn phân chuồng đảm bảo cho đun nấu của gia đình, tiết kiệm chi phí hằng tháng.
Theo như tính toán, nếu không có hầm biogas, hằng tháng mỗi gia đình phải chi phí từ 200.000 - 300.000 đồng để mua chất đốt; đối với các hộ nghèo, sẽ không phải vào rừng để lấy củi, dành thời gian và nhân công cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, nếu sử dụng đèn khí sinh học, mỗi gia đình cũng tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ. Ông Lù Dung Chương cho biết: Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi chi phí từ 160.000 - 170.000 đồng cho sử dụng điện thắp sáng, 250.000 đồng mua gas để nấu ăn. Từ khi sử dụng hầm biogas, mỗi tháng gia đình tôi tiết kiệm được 300.000 đồng, đây là khoản tiền tương đối lớn đối với các hộ nghèo ở vùng cao.
Hiệu quả lớn nhất chính là tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn ở thôn Lùng Khấu Nhin 2 đã cải thiện đáng kể. Từ khi có hầm biogas, các gia đình đã có ý thức vệ sinh chuồng nuôi nhốt gia súc, không còn hiện tượng phơi phân gia súc ngay sân nhà và để tràn ra đường. Ông Lù Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Lùng Khấu Nhin khẳng định: Mô hình xây hầm biogas bằng vật liệu composit tại thôn Lùng Khấu Nhin 2 không chỉ đơn thuần giải quyết bài toán về kinh tế cho hộ nghèo, mà còn giúp cấp ủy đảng, chính quyền có giải pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn hiện nay, bởi hiện xã chưa đạt tiêu chí môi trường theo Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Điều dễ nhận thấy, từ khi triển khai mô hình này, ý thức của người dân nâng lên rõ rệt, môi trường được cải thiện đáng kể. Từ hiệu quả trên, xã Lùng Khấu Nhin đề xuất Ban Quản lý dự án giảm nghèo huyện tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây hầm biogas cho các nhóm hộ, bởi hiện nay, mô hình mới được thực hiện một phần của thôn Lùng Khấu Nhin 2, chưa được triển khai trong toàn xã. Có thể khẳng định, mô hình xây hầm biogas bằng vật liệu composit của thôn Lùng Khấu Nhin 2 mới triển khai trong thời gian ngắn, nhưng đã mang lại hiệu quả rõ rệt và cần được nhân rộng ra toàn xã.
Thanh Nam
Theo: baolaocai.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã