Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận nhiều giải pháp tích cực nhằm thúc đẩy công tác xây dựng nông thôn mới trong những năm tới, đặc biệt là ở các địa phương có xuất phát điểm tiêu chí xây dựng nông thôn mới thấp.
Sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội, nhất là cộng đồng dân cư nông thôn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tính đến hết tháng 11, cả nước đã có 10 huyện và 1.298 xã được công nhận chuẩn nông thôn mới. Số tiêu chí bình quân/xã là 13,56 tiêu chí, tăng 8,9% so với năm 2011, số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên là 214 xã. Dự báo đến cuối năm nay, cả nước có khoảng 1.450 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ở hầu hết các địa phương, nhất là các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn đã khang trang, văn minh hơn. Hệ thống hạ tầng thiết yếu phục vụ người dân nông thôn ngày càng được hoàn thiện. Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Trong số 1.298 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có cả những xã xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới chỉ đạt từ bốn đến năm tiêu chí.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng nông thôn mới còn tồn tại những mặt hạn chế. Cụ thể, kết quả thực hiện nông thôn mới còn chậm so với yêu cầu. Khoảng cách về tốc độ phát triển giữa các vùng ngày càng doãng ra, chênh lệch về mức độ đạt tiêu chí của các xã giữa các vùng miền trên cả nước khá rõ nét.
Sản xuất có chuyển biến nhưng vẫn còn manh mún, bấp bênh, khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chưa tháo gỡ được những khó khăn tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả chưa cao. Chất lượng đạt chuẩn chưa thực sự bền vững. Đã xuất hiện tư tưởng chạy theo thành tích dẫn đến tình trạng đánh giá xuề xòa, tự hạ thấp chất lượng một số tiêu chí khi xét đạt chuẩn, huy động đóng góp của dân chưa phù hợp, nợ đọng trong xây dựng cơ bản… Vai trò chủ thể của người dân, cộng động trong xây dựng nông thôn mới chưa thật sự được chú trọng.
Cơ chế chính sách chưa phù hợp, chưa nhất quán, thiếu thống nhất, cơ chế thanh quyết toán còn phức tạp, rườm rà. Hướng dẫn tiêu chí chưa phù hợp với điều kiện đặc thù ở các vùng khó khăn, nhất là tiêu chí về cơ sở hạ tầng, dẫn đến lãng phí, sử dụng chưa hiệu quả. Cơ chế giám sát, đánh giá chưa hoàn thiện; chưa thực sự phân cấp cho người dân và cộng đồng.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, một trong những bài học quan trọng được rút ra trong quá trình xây dựng nông thôn mới đó chính là vai trò chỉ đạo, cách thức tổ chức, sự định hướng và nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ xã, sự chủ động và tích cực tham gia của cộng đồng địa phương.
Đối với các xã khó khăn, nhất là ở các địa phương có nguồn thu ngân sách tại chỗ thấp, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách T.Ư thì việc phấn đấu đạt chuẩn đủ 19 tiêu chí trong 5 năm tới là khó khả thi. Do vậy, cần xác định mục tiêu phù hợp với các xã khó khăn để tạo động lực cho các xã vươn lên, từng bước vượt qua tâm lý ỷ lại, thụ động, trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Bên cạnh đó, cũng cần có những điều chỉnh về cách làm, cơ chế, chính sách để thực sự bảo đảm vai trò chủ thể của người dân nông thôn và cộng đồng nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới để hướng tới sự phát triển hài hòa, bền vững.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã