Trình bày tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, cơ quan này vẫn thống nhất chỉ bảo hiểm tiền gửi cho cá nhân gửi VND. Việc không áp dụng đối với vàng và USD là đi đúng chủ trương của Chính phủ để hạn chế đôla hóa nền kinh tế.
Theo ông Giàu, cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp thường không để nguồn tiền nhàn rỗi hoặc sử dụng vào việc khác không phù hợp. Mặt khác, các đối tượng này, nếu gửi tiền vào ngân hàng, cũng thường có đầy đủ thông tin của những nơi định gửi tiền, nên ít gặp rủi ro.
Trong phiên họp chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn thống nhất quan điểm không bảo hiểm tiền gửi cho vàng, ngoại tệ. Ảnh: Tuệ Minh. |
Về tổ chức, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí với quan điểm về mô hình được Thủ tướng thành lập và giao Ngân hàng Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, ngày 13/1, Chính phủ lại có tờ trình số 05 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên mô hình do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thành lập.
Trong cuộc thảo luận chiều 21/3, đa số các đại biểu đều đồng tình với chủ trương chỉ bảo hiểm tiền gửi cho cá nhân, song cũng có ý kiến cho rằng, nên nới thêm đối tượng được bảo hiểm sang vàng, USD. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, điều này có vẻ như không hợp lý đối với người có vàng, USD đem gửi vì Việt Nam chấp nhận cho người dân cất trữ 2 loại tài sản này. Ông cũng nói thêm, mỗi năm, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ước đạt 8 tỷ USD, ngân hàng nhận giữ cho người dân, nhưng số tài sản này lại không được bảo hiểm, là thiếu công bằng với người gửi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng tình với quy định chỉ bảo hiểm tiền gửi cho VND. Ông nói, một quốc gia chỉ sử dụng 1 đồng tiền, tại nước ta là đồng Việt Nam. “Nếu bảo hiểm cả ngoại tệ, quá bằng mâu thuẫn với việc không muốn cho tiêu tiền nước khác. Nguyên tắc đối với ngoại tệ là mua và bán tại ngân hàng, vì thế không nên khuyến khích bảo vệ các loại tiền này”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, cơ bản đồng tình với tờ trình của Ủy ban Kinh tế. Theo đó, Thường vụ Quốc hội nhất trí chỉ bảo hiểm tiền gửi cho cá nhân gửi tiền Việt Nam, vì phù hợp với chính sách quản lý ngoại hối của Nhà nước. “Nếu bảo hiểm cả vàng và ngoại tệ, cần phải làm rõ các mâu thuẫn. Còn nếu không, vẫn phải đảm bảo quyền sở hữu chính đáng của người dân với 2 loại tài sản này”, bà Ngân cho biết.
Thường vụ cũng thống nhất, hạn mức chi trả tiền bảo hiểm nên giao cho Thủ tướng quy định trong từng thời kỳ, trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ quyết định mức phí bảo hiểm, dựa trên nguyên tắc, tiêu chí nhất định.
Trong nhiều phiên họp trước đó bàn về dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi, nhiều đại biểu cũng nhất trí, chỉ bảo hiểm tiền gửi đối với cá nhân gửi bằng VND. Theo thông lệ quốc tế, quỹ bảo hiểm tiền gửi trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm thường khoảng 2,5-3%. Còn tại Việt Nam, tỷ lệ này khoảng 1%; mức chi trả bảo hiểm theo quy định năm 2005 là 50 triệu đồng một người.
Tuệ Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã