Khó, lại tự bơi…
Chưa bao giờ XK các mặt hàng nông thủy sản lại khó khăn như hiện nay. Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ngày 5.5, tồn kho gạo tính đến thời điểm này ở mức 1.730.000 tấn. Thị trường XK lớn nhất của gạo Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn là Trung Quốc, tiếp đến là Philippines, châu Phi… Thời gian gần đây giá XK gạo giảm sâu, kéo theo giá trong nước giảm. Quá trình giảm giá này đã ảnh hưởng trực tiếp tới DN bởi lượng gạo tạm trữ chưa tiêu thụ được.
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu thủy sản của nước ta sang các thị trường chính trong quý I/2015 đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2014. T.L |
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) thì nêu khó khăn cho XK thủy sản hiện nay một phần do giá thành mặt hàng thủy sản cao. Ông Nam ví dụ, chuỗi sản xuất tôm từ nuôi trồng cho đến khi XK phải qua rất nhiều trung gian làm đội giá thành sản phẩm. Chỉ cần nhìn vào một số yếu tố như lãi suất ngân hàng (lãi suất cho vay ngắn hạn 7%), tỷ giá... cũng thấy DN đang khó cỡ nào. Ông Nam cho rằng, trong lúc thị trường XK nông sản khó khăn như thế thì các cơ quan quản lý lại chưa sâu sát trong việc hỗ trợ các DN để gỡ khó, khiến DN cạnh tranh kém lại càng khó có thể vươn lên.
Sớm lập quỹ ngành hàng
Để thúc đẩy tiêu thụ nông, lâm, thủy sản bền vững, ngoài làm tốt công tác quy hoạch, phối hợp giữa các bộ, ngành, các DN cho rằng, khâu XTTM đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Ông Nguyễn Hữu Dũng-Phó Chủ tịch VASEP cho biết, hiện kinh phí XTTM cả năm của cả nước khoảng 100 triệu USD. Trong khi đó tại Na Uy, riêng XTTM cho mặt hàng cá hồi cũng được chi số tiền như thế. “Cần có chính sách xã hội hóa vấn đề này như lập quỹ ngành hàng chẳng hạn. Nhà nước có thể quy định mỗi kg cá tra XK sẽ thu lại khoản tiền nhất định để cho vào quỹ, phục vụ XTTM. Nếu chỉ nhìn vào ngân sách nhà nước thì khó đạt được tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong khâu XTTM để thúc đẩy XK nông thủy sản”- ông Dũng nói.
Ông Lê Văn Ánh- Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng đề nghị: Bộ Công Thương phải nâng cao chất lượng các chương trình XTTM. Hoạt động này phải mang tính lâu dài, không phải là bán được hàng một lần rồi thôi hay thấy thị trường có dấu hiệu giảm là co lại. Thực tế, các hình thức XTTM kiểu hội chợ đã không còn hiệu quả. Bộ Công Thương có hệ thống tham tán thương mại khá đông và phủ rộng ở nhiều nước, nhưng khi xảy ra chuyện lại thấy hiệu quả không cao, thậm chí lúng túng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận: Cách thức xúc tiến, khai thác thông tin thị trường, tổ chức lại sản xuất, định hướng cung cấp cho người nông dân, cho sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp còn có những ách tắc. Ví dụ như câu chuyện còn đang rất nóng mà xã hội quan tâm là tiêu thụ trái cây tại thị trường Trung Quốc, XK thanh long, dưa hấu sang Trung Quốc...
Ông Tuấn Anh cho rằng, những vấn đề nghiên cứu xúc tiến về thị trường để từ những thông tin đó, định hình xây dựng quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp là yêu cầu đang đặt ra của các cơ quan quản lý nhà nước. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nâng cao và mở rộng hơn nữa các hoạt động về XTTM, đổi mới mô hình cũng như phương thức, nâng cao chất lượng của XTTM. Đặc biệt, phải nâng cao tính chủ động và vai trò doanh nghiệp tham gia các chương trình về XTTM. Và rõ ràng phải đổi mới về những hình thức XTTM, gắn hiệu quả XTTM với xây dựng thương hiệu…