Xu hướng hội nhập và sự bứt phá của xuất khẩu nông sản thời gian qua đang thu hút ngày càng nhiều các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tính đến hết năm 2015, cả nước đã có 3.640 DN đầu tư vào nông nghiệp, năm 2016 đến thời điểm này có thêm gần 1.500 DN. Hiện đã có nhiều DN, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp đem lại lợi nhuận lớn như TH Group, Dabaco, Vingroup, Hòa Phát…
Cần tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp |
Tuy nhiên, số lượng các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Thống kê cho thấy, tỷ trọng DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm dưới 1% trong tổng số DN của cả nước, trong đó đa phần là DN quy mô vốn nhỏ.
Theo lý giải của Bộ NN&PTNT, nguyên nhân chính khiến DN chưa mặn mà trong đầu tư là vướng mắc về cơ chế, chính sách. Một khảo sát của Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, về lĩnh vực tiếp cận đất đai có đến 63% DN kêu là khó khăn, 46% kêu là rất khó khăn.
Đó là thách thức rất lớn, đang “cản bước” nhiều địa phương trong việc phát huy tiềm năng của ngành nông nghiệp. Chẳng hạn như trường hợp của Thái Bình. Có tiềm năng phát triển về nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi… tuy nhiên tính đến nay địa phương này mới chỉ thu hút được 150 DN hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản, chiếm hơn 3% trên tổng số gần 5.000 DN toàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, nhiều DN phản ánh tình trạng khó khăn khi đầu tư vào nông nghiệp như vướng mắc về cơ chế chính sách trong nông nghiệp, đặc biệt là vấn đề đất đai. Chính sách khuyến khích chuyển đổi, tích tụ ruộng đất nông nghiệp dưới hình thức trang trại, cánh đồng lớn chưa có hiệu quả. Một số chính sách còn thiếu tính khả thi và chưa đủ mạnh để thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn - một lĩnh vực nhiều rủi ro hơn các lĩnh vực khác.
Nhưng đất đai không phải là khó khăn duy nhất khiến DN không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Cũng theo khảo sát nêu trên của Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, về bảo hiểm cũng có đến 82,5% DN chưa tiếp cận được. Về khoa học công nghệ có đến 77% DN kêu khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách. Về tín dụng, có đến 70% DN kêu khó khăn khi tiếp cận.
Riêng về tín dụng, hiện nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi, thấp hơn 1-2%/năm đối với mức lãi suất của lĩnh vực sản xuất thông thường. Tuy nhiên, các DN trong lĩnh vực nông nghiệp lại đang gặp khó để tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này do vướng mắc về thủ tục và điều kiện để được vay vốn, nhất là tài sản thế chấp - những vấn đề mà chỉ ngành Ngân hàng thôi không thể xử lý được.
Về vấn đề này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, kinh doanh nông nghiệp vốn là ngành nghề khó kiếm lợi nhuận cao, thời gian thu hồi vốn dài, đối mặt với nhiều rủi ro. Trong khi những ưu đãi của chính phủ chưa đủ sức hấp dẫn nên hiệu quả thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn còn hạn chế. Vì vậy, cần tạo những bước đột phá trong tiếp cận vốn, tín dụng cũng như các chính sách ưu đãi khác để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: Chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực; khuyến khích DN liên kết sản xuất với nông dân, gắn với tiêu thụ nông sản; chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển DN công nghệ cao và các quy định về đầu tư hợp tác công tư (PPP) trong nông nghiệp, nông thôn.
Đây là tiền đề để các DN đầu tư nhiều dự án trong nông nghiệp. Bộ trưởng nhấn mạnh, phát triển DN là then chốt, là nòng cốt trong thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp. Do đó, phải tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà các DN đang gặp phải nhằm khuyến khích các DN đầu tư mạnh hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Nguyễn Minh
http://thoibaonganhang.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã