Diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay
Bảo Thắng là huyện vùng thấp của tỉnh Lào Cai, với diện tích đất tự nhiên 68.319 ha. Toàn huyện có 15 xã, trong đó: có 2 xã đặc biệt khó khăn, 1 xã biên giới, 14 xã thuộc vùng khó khăn theo Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26.6.2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội lớn, trong khi nguồn vốn cho vay còn khó khăn nhưng huyện ủy, HĐND, UBND cùng Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bảo Thắng đã tăng cường phối hợp, chủ động triển khai các ưu đãi tín dụng chính sách phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội nơi đây, trong đó lưu tâm tới chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Một hộ gia đình vay vốn tín dụng mua trâu sinh sản ở Xuân Giao, Bảo Thắng, Lào Cai (Ảnh: Văn Thăng) |
"NHCSXH sẽ tập trung ưu tiên những xã về đích nông thôn mới của năm. Đơn cử như năm 2016 này, xã Xuân Hà về đích sẽ ưu tiên để họ hoàn thiện các tiêu chí: tiêu chí hộ nghèo, nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn. Đây cũng là mục tiêu của hệ thống tín dụng chính sách với mong muốn được góp một phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của huyện." Phó giám đốc NHCSXH huyện Bảo Thắng Hoàng Thị Lý chia sẻ. |
Theo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện, giai đoạn 2011 - 2015, cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện Bảo Thắng đã tích cực vào cuộc, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện đến nay đã có nhiều đổi thay. Tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 42,18% (năm 2010), xuống còn còn 10,97% (cuối năm 2014); tỉ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sạch hợp vệ sinh tại các khu vực nông thôn đạt bình quân lần lượt là 98% và 85%. Kết cấu hạ tầng nông thôn được chú trọng triển khai đầu tư xây dựng.
Nổi bật trong 5 năm, toàn huyện đã thực hiện kiên cố hóa được 149km đường giao thông trục xã, cứng hóa trên 146km đường giao thông trục thôn, liên thôn; kiên cố hóa được trên 327km kênh mương thủy lợi... Qua đó, góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích canh tác tăng mạnh từ 39,7 triệu/ ha (năm 2010) lên 62,3 triệu/ ha (năm 2015). Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm phát triển. Đến nay, toàn huyện Bảo Thắng có 39 trường học đạt chuẩn quốc gia, tăng 24 trường so với năm 2010. Quốc phòng, an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Đáng chú ý, trong xây dựng nông thôn mới, người dân trên địa bàn các xã của huyện cũng đã tích cực đóng góp công sức với việc hiến trên 60.000 mét vuông đất và đóng góp hơn 300.000 ngày công lao động. Đến nay, toàn huyện Bảo Thắng đã có 3 xã là Phú Nhuận, Xuân Quang, Sơn Hà được công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới; Xuân Giao đang làm hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn, các xã còn lại hoàn thành từ 7 - 18 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Nhu cầu vay vốn của nhân dân là rất lớn
Đánh giá về hiệu quả của hoạt động tín dụng chính sách đối với công tác xóa đói giảm nghèo tại xã Xuân Giao, Chủ tịch UBND xã Xuân Giao Nguyễn Đức Trung khẳng định, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã đã giảm từng năm, cụ thể: năm 2013 có hơn 20% hộ nghèo, năm 2014 giảm còn 10% hộ nghèo, năm 2015 giảm còn hơn 6%. Cùng với đó, chương trình tín dụng chính sách đã hỗ trợ rất hiệu quả, tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn để phát triển sản xuất với mức cho vay rất phù hợp 30-50 triệu. Ông Trung cho rằng, để đồng vốn phát huy hiệu quả, các bên liên quan cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát tới từng hộ, xem xét việc sử dụng vốn có đúng, có đạt hiệu quả không, nếu không sẽ có biện pháp can thiệp ngay.
Theo Phó giám đốc NHCSXH huyện Bảo Thắng Hoàng Thị Lý cho biết, hiện nay, NHCSXH huyện đang triển khai 12 chương trình tín dụng chính sách, trong đó đối tượng hộ nghèo có nhu cầu nhiều nhất. Năm 2016 này, theo tiêu chí mới về hộ nghèo đa chiều thì số hộ nghèo của toàn huyện tăng lên 5.100 hộ. Điều này cũng đồng nghĩa với nhu cầu vay vốn của nhân dân là rất lớn. “Theo đó, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đang cho diện hộ nghèo vay với nguồn vốn quay vòng, dư nợ về đến đâu giải ngân đến đấy vì 6 tháng đầu 2016, chúng tôi mới được bổ sung chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cho hộ nghèo 10 tỷ đồng”, bà Lý nói.
Liên quan tới hoạt động khuyến khích huy động nguồn vốn từ địa phương theo Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, bà Hoàng Thị Lý cũng cho biết, vừa qua, Ban giám đốc NHCSXH huyện đã làm việc với đại diện một số nhà máy trên địa bàn huyện để xin thêm và kêu gọi huy động các nguồn vốn từ đây để cho vay hộ nghèo. Tuy nhiên, hiện các nhà máy cũng đang cân đối vì 6 tháng đầu 2016, tình hình kinh tế khó khăn nên tài chính của đơn vị cũng bị ảnh hưởng. Về phía Phòng giao dịch huyện, chúng tôi cũng đang tích cực vận động Thường trực 3 bên - HĐND, UBND và Huyện ủy để bố trí nguồn ngân sách của huyện một cách kịp thời. Đặc biệt, trong buổi họp đầu tháng 8.2016, Thường trực 3 bên đã thống nhất sẽ chuyển nguồn vốn Quỹ Nông thôn mới của huyện sang NHCSXH đáp ứng nhu cầu vay hộ nghèo.
Theo Nguyễn Quốc/daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã