Giữ gìn giống bưởi quý
Giữa mùa bưởi Phúc Trạch chín rộ, chúng tôi có mặt tại địa bàn xã Phúc Trạch để được chiêm ngưỡng, thưởng thức hương vị ngọt ngào của bưởi Phúc Trạch. Ông Nguyễn Văn Tính, Phó chủ tịch UBND xã, tâm sự: “Năng suất, sản lượng của bưởi Phúc Trạch không bằng năm ngoái bởi ảnh hưởng của trận lụt năm 2016 đã làm gãy đổ, úng nước, chết trên 20%. Hiện, toàn xã chỉ còn 280ha bưởi, trong đó cũng có những hộ thu hoạch khá như hộ ông Nguyễn Trung Hiếu xóm 4, Nguyễn Văn Hậu xóm 6 có diện tích từ 2,5 - 3ha, trung bình 1ha đạt từ 1.000 - 1.200 cây, góp phần nâng tổng sản lượng bưởi của xã lên đến 1.300 tấn, giá trị đạt trên 30 tỷ đồng”.
Bão số 10 đổ bộ vào Hà Tĩnh đã gây ảnh hưởng đến vườn bưởi Phúc Trạch trong lúc đang rộ mùa thu hoạch bưởi. Theo báo cáo sơ bộ từ UBND xã Phúc Trạch, xã có trên 20ha bưởi bị gãy đổ, không thể phục hồi; trên 90 tấn quả bị rụng, thối không tiêu thụ được; ước thiệt hại trên 16 tỷ đồng. |
Cũng theo ông Tính, bưởi Phúc Trạch có hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được vì tại đây có núi đá vôi và tiểu khí hậu đặc trưng giúp cây bưởi phát triển trên vùng đất này khác hẳn so với nơi khác. Khi thưởng thức múi bưởi, người tinh sẽ phân biệt được hương vị thơm ngon tinh khiết. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, tự hào nói: “Đúng bưởi Phúc Trạch khi ăn phải được cân bằng 4 vị chua-ngọt-đắng-cay, vị ngọt thanh, chua nhẹ, the nhẹ tinh tế, pha quyện mùi hương bưởi. Chứ nếu quá ngọt, quá chua, hoặc thiếu 1 trong 4 vị trên thì không ai gọi là bưởi Phúc Trạch”.
Trong mấy năm trở lại đây, do tác động của thời tiết khí hậu, của cơ chế thị trường đã khiến thương hiệu bưởi Phúc Trạch bị ảnh hưởng. Bức xúc, lo lắng khi chứng kiến cứ mỗi buổi sáng tại ga Hương Phố lại có hàng vạn quả bưởi được chở từ miền xuôi lên chất thành từng đống “đội lốt” bưởi Phúc Trạch để bán ra thị trường, lãnh đạo xã vào cuộc, kiên quyết thành lập một trung tâm thu mua, tiêu thụ đúng nguồn gốc. Quả hái từ trên cây xuống được đóng gói bao bì, nhãn mác đạt tiêu chuẩn VietGAP, có bảo hộ là bưởi Phúc Trạch… Đó là lý do để HTX Dịch vụ Tổng hợp Phát Lộc ra đời từ ý tưởng của thầy giáo Đinh Ngọc Lân, giáo viên sinh hóa Trường THCS Hương Trạch cùng một số đồng nghiệp với tâm huyết mong muốn lấy lại danh thơm cho bưởi Phúc Trạch.
Thầy Đinh Ngọc Lân, Chủ nhiệm HTX, chia sẻ: Hiện tại thành viên ban quản trị có 8 người cộng với một cổ đông. Liên kết 50 hộ sản xuất theo đúng quy trình VietGAP từ bón phân, phun thuốc đến chăm sóc. Khi sản phẩm xuất bán ra thị trường có dán tem, nhãn, logo, mã số 0002, có bao lưới, hộp đầy đủ. Mặc dù mới được thành lập và tiếp cận sản phẩm nhưng HTX đã đưa ra thị trường được hơn 20.000 quả bưởi đầu vụ” (bưởi vào mùa từ khoảng 15 tháng 8 dương lịch đến 15 tháng 10). Cũng theo thầy Lân: HTX là nơi thu gom, kết nối sản phẩm, nhà khoa học, người tiêu dùng với nông dân và ngược lại, những quả bưởi đúng gốc Phúc Trạch theo hướng thực phẩm sạch được đưa ra thị trường.
Khi được hỏi về những khó khăn, thầy Lân chia sẻ: “Chúng tôi muốn làm một gian giới thiệu sản phẩm tới khách hàng, đồng thời xây dựng thêm kho chứa nhưng chưa có vốn vì anh em trong tổ hợp tác đều là những giáo viên, đồng lương ít ỏi”.
Thầy Thái Văn Nguyên, phụ trách mảng kinh doanh cho biết: “Trước đây khách hàng phải về Phúc Trạch để mua bưởi chính hãng nhưng khi HTX ra đời thì chỉ cần một cú điện thoại là khách ở khắp mọi miền sẽ có bưởi chính gốc để thưởng thức”.
Bưởi Phúc Trạch chính gốc phải là những quả bưởi đạt chuẩn, ruột hồng, núm dưới lõm, da trơn, mỗi quả có từ 15 - 16 múi, cân nặng từ 1,2 -1,5kg/quả, mẫu mã đẹp. Hiện tại bưởi Phúc Trạch có giá từ 50.000 - 60.000 đồng/quả, thậm chí loại 1 còn có giá 70.000 đồng/ quả.
Không để “chả máu” dó trầm
Ngoài đặc sản bưởi, HTX Phát Lộc còn có định hướng quản lý, thu gom cây dó trầm trên địa bàn, bởi đây là xứ sở của dó trầm, vốn được mệnh danh cây trồng ngàn tỷ. Do vị trí địa lý, thổ nhưỡng đặc biệt nên trầm hương ở Phúc Trạch có chất lượng rất tốt, hương thơm vị ngọt không lẫn được so với những vùng đất khác. Tuy vậy, hiện nay công tác quản lý cây dó trầm còn rất lỏng lẻo, cộng với việc thiếu hiểu biết của một số nông dân nên tình trạng “chảy máu” từ cây dó trầm là rất lớn. Hiện tại, toàn xã có 300ha dó trầm, tương đương 1,2 triệu gốc, trong đó có những cây thương lái trả giá tới 100 - 150 triệu đồng. Trong đó, hộ ông Lê Văn Vinh ở thôn 1, xã Phúc Trạch có khoảng 10ha dó trầm và các hộ khác như bà Bé, ông Trực, Phan Văn Thọ, Nguyễn Văn Phương (xóm 8), Phan Văn Vinh (xóm 7)… cũng trồng với diện tích lớn.
Người nông dân chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, họ toàn bán tổng thể, bán thô khi trầm chưa ra thành phẩm nên rất lãng phí. Cứ mỗi tuần xuất hiện vài ba xe ô tô chất đầy cây dó trầm đi về từ đâu không ai hay.
Khi được hỏi về những thương lái này, thầy Lân buồn bã nói: “Đến mua cây dó trầm là dân buôn từ Vạn Giá- Khánh Hòa đi đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Hàng phải được xuất đi rồi thương lái mới trả tiền sau, nên rủi ro là rất cao dẫn đến từ chủ động sang bị động, nguy cơ dân mất tiền tỉ như chơi”
Theo: Anh Bình - Hoàng Hằng/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã