Chủ trương khuyến khích chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên thành DN sẽ khó thành hiện thực nếu không hiểu đúng lý do tại sao các hộ kinh doanh ngại lớn. Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), câu chuyện chuyển đổi này không phải là mới mà đã được bàn thảo suốt 15 năm qua.
Có chính sách tốt, hộ kinh doanh tự giác lớn
Phát biểu tại Hội thảo “Chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN - thực trạng và các giải pháp hỗ trợ”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 27/6, ông Hiếu cho biết, mặc dù Nhà nước đặt ra rất nhiều chính sách hạn chế khả năng hoạt động của hộ kinh doanh nhằm thúc đẩy khối này phải “chính thức hoá”, song kết quả đạt được có vẻ không như mong muốn.
Nhiều ràng buộc quản lý của pháp luật khiến hộ kinh doanh ngại lớn |
Trước đây hệ thống chính sách hạn chế quyền kinh doanh của hộ theo hướng chỉ được đăng ký tại một địa điểm; hoạt động kinh doanh trong phạm vi quận, huyện; không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện… Một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện bắt buộc phải là DN mới được tham gia. Hộ kinh doanh còn bị hạn chế về quy mô sử dụng lao động, chỉ được phép sử dụng dưới 10 lao động thường xuyên; hạn chế huy động vốn, chủ yếu là vay hoặc từ chính các thành viên tham gia hộ kinh doanh… Với các quyền lợi hạn chế như vậy, khối này thậm chí không thể được coi là DNNVV.
Nhưng đến nay, hộ kinh doanh được hưởng nhiều lợi ích nhất định. Đó là thủ tục thành lập, giải thể, quản trị DN dễ dàng, đơn giản hơn; chế độ sổ sách kế toán rút gọn với 6 loại sổ sách so với khoảng hơn 30 loại của DNNVV; cùng với đó các nghĩa vụ thuế được đơn giản hoá; việc thuê, tuyển lao động đơn giản hơn…
Thực tế đã cho thấy, trước các ứng xử của chính sách, các chủ thể tham gia trên thị trường đã có sự tính toán, cân nhắc trước những lợi ích cũng như bất lợi. Và hộ kinh doanh vẫn là loại hình phát triển mạnh mẽ nhất trong nền kinh tế. Sau 17 năm, đã có 4,77 triệu hộ kinh doanh với 2.188 nghìn tỷ đồng doanh thu, 655 nghìn tỷ đồng tài sản, 12.362 nghìn tỷ đồng thuế, 7.945 triệu lao động, theo Báo cáo về hộ kinh doanh của CIEM năm 2016. Khối này đang giữ vai trò trụ cột, đóng góp to lớn vào việc tạo công ăn việc, cung cấp các dịch vụ cho nền kinh tế.
Dẫn kết quả khảo sát các năm, ông Hiếu cho biết các nhận thức về bất lợi khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên thành DN về cơ bản vẫn giữ nguyên qua thời gian 10 năm. Cụ thể, 10 năm trước và cho tới hiện nay, vấn đề lo ngại hàng đầu của các hộ kinh doanh vẫn là việc phải chịu nhiều ràng buộc bởi quy định pháp luật về tổ chức quản lý DN; phải tuân thủ chặt chẽ hơn các quy định về kinh doanh; chi phí cho công tác quản lý tài chính, kế toán cao hơn…
Ở chiều ngược lại, 10 năm trước đây, các vấn đề mà hộ kinh doanh ít quan ngại hơn khi muốn chuyển đổi lên DN là Nhà nước thiếu cơ chế khuyến khích, hỗ trợ; không nắm rõ quy trình, thủ tục chuyển đổi; chưa được phổ biến các thông tin liên quan. 3 lý do này chỉ chiếm tỷ lệ bình chọn khoảng 16-30%, thấp hơn rất nhiều so với các lý do chính ở mức 70-80%.
Đối chiếu kết quả này, ông Hiếu phân tích, các chính sách gần đây về phát triển DN, đặc biệt là Luật Hỗ trợ DNNVV mới chỉ giải quyết được các vấn đề mà hộ kinh doanh ít quan ngại hơn liên quan đến thủ tục, quy trình chuyển đổi. Trong khi đó, những bất lợi lớn nhất cản trở quá trình chính thức hoá của hộ kinh doanh, theo họ là vẫn còn nguyên.
Cần nhất là gỡ rào thủ tục
TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI thừa nhận, hệ thống quy định buộc phải tuân thủ đối với DN đúng là rào cản lớn nhất khiến các hộ kinh doanh e ngại. Bà Hằng lưu ý, thời gian qua đúng là số DN thành lập mới đạt tốc độ tăng kỷ lục, nhưng số hộ kinh doanh ra đời còn nhanh hơn, chưa kể ở chiều ngược lại có nhiều DN còn muốn chuyển ngược lại thành hộ.
Nghị quyết 35 của Chính phủ ban hành năm 2016 đã nêu rất rõ chủ trương của Nhà nước ta là hỗ trợ để các hộ chuyển đổi thành DN và việc này theo bà Hằng đương nhiên là ích nước lợi nhà, vì sẽ hỗ trợ các hộ tiếp cận vốn, đất đai, nâng cao năng lực quản lý, ý thức kinh doanh, công nghệ… Vì vậy, việc cần làm là tìm ra các giải pháp để khuyến khích hộ kinh doanh lớn lên.
Ông Văn Quang Huy, Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế khẳng định, riêng với hệ thống chính sách thuế hiện nay, thuận lợi sẽ nhiều hơn khó khăn đối với các hộ kinh doanh muốn chuyển lên DN. DN sẽ được thực hiện nộp thuế theo đúng thực tế kết quả kinh doanh, không phải nộp thuế khoán theo ấn định của cơ quan thuế; được tiếp cận với các hỗ trợ của ngành thuế; được hỗ trợ vay vốn ngân hàng… Về chế độ kế toán, từ ngày 1/1/2017, DNNVV đã được thực hiện chế độ kế toán, báo cáo tài chính riêng với quy trình rút gọn, còn DN siêu nhỏ được áp dụng mẫu biểu kế toán đơn giản hơn so với DN nhỏ và DN vừa. Các thủ tục khác về kê khai thuế, hoá đơn chứng từ cũng được đơn giản hoá.
“Không có hộ kinh doanh nào là không muốn lớn lên thành DN”, ông Lê Văn Nguyên, Chủ hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ bày tỏ. Nhưng ông cho biết trở ngại lớn nhất liên quan đến các thủ tục hành chính như thuế, sau đó mới là các sự lựa chọn khác phù hợp cho sự tồn tại, phát triển của cơ sở sản xuất.
Vì vậy, ông Nguyên mong muốn công tác quản lý Nhà nước đơn giản hoá theo hướng giảm nhẹ thủ tục hành chính đối với hộ kinh doanh và DN. Khi thấy thủ tục được rút gọn, lợi ích được tăng lên, ông Nguyên khẳng định, chính các hộ kinh doanh sẽ chủ động xin được phát triển lên thành DN mà không cần bất cứ lời động viên, khuyến khích nào.
Ngọc Khanh
http://thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã