Theo kế hoạch, Công ty cổ phần Xi-măng Vicem Hà Tiên 1 sẽ thay mặt Vicem chuyển giao 6.200 tấn xi-măng đợt 1 cho tám địa phương gồm TP Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh. Hai năm qua, Vicem đã hỗ trợ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long 18 nghìn tấn xi-măng, tạo điều kiện để các địa phương hoàn thành nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Giữa tháng 3, Vicem cũng hỗ trợ 2.000 tấn xi-măng cho tỉnh Cao Bằng, phục vụ chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn của tỉnh.
Trước đây, cũng như các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác, Vicem thường hỗ trợ các địa phương bằng tài chính, trích từ quỹ phúc lợi xã hội của tổng công ty. Ðiều này đôi khi hiệu quả không cao vì các địa phương được toàn quyền xử lý nguồn hỗ trợ tài chính và vì thế các nguồn lực dễ bị phân tán do các địa phương còn rất nhiều chương trình an sinh xã hội cấp bách, đồng thời dễ phát sinh cơ chế xin - cho. Cái được của việc hỗ trợ trực tiếp bằng xi-măng là sự tập trung. Khi các địa phương "đối ứng" được các nguồn lực (tài chính, nhân lực...), xi-măng sẽ được vận chuyển đến tận chân công trình và triển khai thi công ngay. Do vậy, công trình sẽ không bị chậm tiến độ, kế hoạch triển khai không bị dây dưa năm này qua năm khác, góp phần tăng hiệu quả của chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là đường giao thông nông thôn và trường học. Mặt khác, phía doanh nghiệp xi-măng cũng tự cân đối, chủ động trong điều hành sản xuất, kinh doanh, tránh tồn kho sản phẩm.
Thực tế tại các địa phương, xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học, bệnh viện luôn được coi là những ưu tiên hàng đầu. Việc hỗ trợ trực tiếp vật liệu đầu vào sẽ làm tăng tính chủ động trong việc phân bổ nguồn lực của các địa phương, tránh hiện tượng một số công trình qua nhiều năm chưa hoàn thành, gây lãng phí lớn. Hơn nữa, những con đường bê-tông sẽ cụ thể hóa Chương trình làm đường bằng bê-tông xi-măng của Chính phủ, đồng thời giảm áp lực tiêu thụ nội địa của ngành xi-măng hiện cung đã vượt cầu. Câu chuyện hỗ trợ trực tiếp bằng xi-măng cho các địa phương đã được Vicem triển khai từ vài năm gần đây và đạt được những kết quả tích cực, từng bước cải thiện bộ mặt vùng nông thôn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp trung ương và địa phương. Chẳng hạn như ngành điện, thay vì hỗ trợ bằng hình thức tài chính, nên hỗ trợ xây dựng hệ thống lưới điện bảo đảm an toàn, hay ngành y tế cần hỗ trợ hệ thống thiết bị khám, chữa bệnh, bác sĩ có tay nghề nhằm chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân... Việc mở rộng hỗ trợ trực tiếp sẽ góp phần đồng bộ hóa, tăng hiệu quả trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã