Học tập đạo đức HCM

Hoa nở trên đất thép

Thứ tư - 29/08/2012 20:20
Nhắc đến Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) là nhắc đến những huyền thoại do những con người nơi đây dệt nên trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Đó là huyền thoại về những con người chân đất đầu trần, tay cầm tầm vông đi đánh giặc, những nông dân với tấm lòng yêu quê hương đất nước, sẵn sàng chắc tay súng bảo vệ, gìn giữ từng tấc quê hương. Và hôm nay, khi nước hòa bình, thống nhất, những người con của đất thép lại trở về gắn bó với thửa ruộng, mảnh vườn của cha ông để làm giàu cho mình và tham gia xây dựng nông thôn mới.
 

Những nông dân làm đẹp cho đời

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi tìm về Tân Thông Hội, xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Củ Chi để “mục sở thị” sự đổi thay trên vùng quê giàu truyền thống cách mạng này. Tại đây, chúng tôi cũng được nghe những tấm gương nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, không những làm giàu cho gia đình mà còn làm đẹp cho quê hương.

Gia đình bà Phan Thị Hoàng Anh, 47 tuổi, ở ấp Chánh, là một trong những hộ làm kinh tế giỏi của xã Tân Thông Hội, Bà cho biết: “Từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, tôi đã được chính quyền xã và các đoàn thể hỗ trợ những thủ tục để vay tiền ngân hàng đầu tư trồng hoa lan. Cũng nhờ sự hỗ trợ của chương trình xây dựng nông thôn mới, tôi được đi học một lớp về kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan. Áp dụng vào thực tế sản xuất, tôi đã thu được rất nhiều thành công, nhờ đó cuộc sống ổn định hơn trước rất nhiều”. Bà Anh cho biết thêm, trước đây, gia đình bà cũng trồng lan nhưng vì vốn ít, lại không có kỹ thuật nên thu nhập không đáng kể. Từ khi tham gia lớp kỹ thuật trồng hoa lan, bà đã được UBND xã Tân Thông Hội và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới hỗ trợ thủ tục cho vay 70 triệu đồng từ ngân hàng, đầu tư thêm cho vườn lan. Hiện, vườn lan của bà có khoảng 2.000 gốc, mỗi đợt cắt cho thu nhập từ 500.000 – 600.000 đồng/ngày.

Từ ấp Chánh qua ấp Hậu, chúng tôi được nghe câu chuyện làm giàu của nông dân Đặng Văn Cu, 52 tuổi, người có nhiều tâm huyết với nghề vườn. Khi chúng tôi về thăm, mảnh vườn 1.500m2 chuyên trồng mướp của anh đã cho thu hoạch. Anh Cu kể, mỗi đợt anh thu được hơn 300kg mướp trái, tất cả đều được thương lái đến thu mua tại vườn. Anh cười, nụ cười rạng rỡ: “Mỗi đợt hái trái gia đình cũng lãi 1,1 triệu đồng các chú ạ, đúng là nông thôn mới đã giúp chúng tôi đổi đời”. Tại vườn mướp ngập tràn sắc xanh xen lẫn những bông hoa vàng rực rỡ, anh Cu kể, anh đã áp dụng mô hình trồng hoa màu được hơn 20 năm nay nhưng phải đến khi được Trạm Khuyến nông huyện tập huấn kỹ thuật trồng trọt theo chương trình xây dựng nông thôn mới, anh mới thu được lợi nhuận đáng kể. Khi đã nắm chắc kiến thức, anh mạnh dạn mở rộng vườn, đầu tư giống, phân bón để trồng được nhiều loại hoa màu hơn. Chỉ tay qua đám đất vừa mới cày tơi xốp, anh Cu cho biết, đang có ý định mở rộng thêm 1.500m2 vườn nữa để trồng hoa màu. Khi chúng tôi hỏi về thu nhập của gia đình, anh Cu không giấu được niềm tự hào: “Mỗi tháng gia đình tôi thu nhập trên 10 triệu đồng nhờ trồng mướp”.

Bà Nguyễn Thị Trâm, 58 tuổi, ở ấp Tiền, xã Tân Thông Hội cho biết: “Từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, các hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã được quan tâm”. Bản thân gia đình bà trước đây cũng tham gia trồng lan nhưng do vốn ít, chỉ trồng 400 gốc lan cắt cành. Từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, bà mạnh dạn vay tiền ngân hàng trồng 4.000 gốc hoa lan Môkara cắt cành. Theo bà Trâm, thu nhập từ những lần cắt cành lan cũng đạt 2 triệu đồng, cách 5 - 7 ngày lại cắt một đợt. Bà Trâm cho biết thêm, chương trình xây dựng nông thôn mới đã có những hỗ trợ rất thiết thực cho các gia đình. Điểm đặc biệt của chương trình chính là những đối tượng trong độ tuổi lao động được hỗ trợ học nghề cũng như tạo công việc làm sau khi ra trường.

Hiệu quả của chính sách đúng

Bà Phan Thị Cẩm Nhung, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội bộc bạch: “Trên cơ sở quán triệt, triển khai chủ trương xây dựng chương trình nông thôn mới của Trung ương, cũng như các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành và của Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hồ Chí Minh, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, trong công tác quy hoạch, xã đã quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có; tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng 4 tuyến đường nội xã qua các ấp Tần Thành, Bàu Sim, ấp Hậu... Bên cạnh đó, các công trình văn hóa- xã hội, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cũng đã hoàn thành, đạt yêu cầu đề ra”.

 

Bà Phan Thị Hoàng Anh bên vườn lan nhà mình.


Cũng theo bà Nhung, UBND thành phố đã chủ trì làm việc với các doanh nghiệp trong việc phối hợp và hỗ trợ cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho xã nông thôn mới. Bên cạnh đó, xã còn hỗ trợ 40% kinh phí cho mô hình khuyến nông trồng hoa vạn thọ, hoa lan để có thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân. Xã còn có mô hình điểm càphê khuyến nông tại ấp Hậu, là nơi để bà con gặp gỡ trao đổi về kinh nghiệm sản xuất, tiến bộ kỹ thuật. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục hỗ trợ mô hình cơ giới hóa trong chăn nuôi bò sữa, xã cũng phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn phát triển HTX bò sữa cho Tân Thông Hội. Cho đến nay, mô hình chăn nuôi bò sữa, trồng rau an toàn của xã đã được nhân rộng. Chính sự chủ động của các hộ nông dân nhằm tìm hướng đi đúng trong việc sản xuất, cộng với sự ủng hộ của địa phương đã tạo nên nhiều mô hình sản xuất hiệu quả và đạt chất lượng cao.

 

Bên cạnh đó, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, phối hợp với Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn tiến hành khảo sát và ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ cho các hộ trồng ớt và cà tím. Bà Nhung cho biết thêm, nhằm phát triển các mô hình sản xuất mới của từng hộ gia đình trong xã, trên cơ sở khảo sát, nhu cầu của nhóm phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, Liên minh HTX thành phố đã tổ chức trao vốn vay cho 225 hộ gia đình, chủ yếu là chị em phụ nữ, mỗi hộ 3 - 10 triệu đồng để phát triển sản xuất.

Ông Võ Văn Sáng, Phó trưởng ban nhân dân ấp Hậu dẫn chúng tôi tham quan các ấp trong xã hồ hởi khoe: “Những con đường trong ấp đều rải nhựa và khang trang, đây cũng là niềm hạnh phúc của nhân dân trong xã”.

Trong cái nắng đầu mùa khô, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi đi giữa con đường làng của một xã anh hùng trong thời kỳ kháng chiến nay lại tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tích trong xây dựng nông thôn mới. Chắc rằng, với truyền thống anh hùng của mình, người dân nơi đây sẽ tiếp tục xây dựng đất thép Củ Chi trở thành điểm sáng trên mặt trận kinh tế.

 

Hiện, Tân Thông Hội đã đạt 18/19 tiêu chí XDNTM. So với trước khi xây dựng đề án xây dựng (tháng 5/2009), xã đã tăng thêm được 9 tiêu chí về điện, y tế, văn hóa, nhà ở... Kết quả đã có 50 tuyến đường nhựa, bê - tông dài trên 32,6km được đưa vào sử dụng; hoàn thành 8 tuyến kênh thủy lợi dài 7,8km, giúp tưới và tiêu thoát nước cho gần 400ha đất sản xuất; 100% số hộ sử dụng điện trực tiếp từ lưới điện quốc gia, các tuyến đường liên xã, liên ấp được trang bị 3.000 bóng đèn chiếu sáng theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm; xóa nhà tạm, dột nát (23 căn) bằng nguồn vận động cộng đồng...

Những kết quả này có được chủ yếu là nhờ sự đồng lòng chung sức của toàn dân trong xã khi có 1.332 hộ dân hiến 37.040m2 đất và công trình kiến trúc có tổng trị giá trên 63,5 tỷ đồng để làm đường. Ngoài ra, người dân còn tham gia đóng góp hàng ngàn ngày công để dọn vệ sinh trên 50 tuyến đường, xây dựng 11 tuyến đường kiểu mẫu.

 

Hoàng Hùng

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập471
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm468
  • Hôm nay64,873
  • Tháng hiện tại769,986
  • Tổng lượt truy cập90,833,379
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây