Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Tham tán thương mại 2018 diễn ra mới đây, các tham tán thương mại cho biết, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ các quốc gia châu Âu đang quan tâm đến đầu tư vào Việt Nam theo hình thức PPP. Tuy nhiên, sự quan tâm này chưa dẫn đến những dự án cụ thể, bởi chính sách, pháp luật liên quan đến PPP mới chỉ dừng lại ở cấp nghị định, bị ràng buộc bởi nhiều luật liên quan.
Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài, đại diện một doanh nghiệp trong nước cho biết, họ rất quan tâm đến đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, song vẫn "quan ngại" vì các chính sách thu hút đầu tư theo hình thức này tại Việt Nam chưa được hoàn thiện. Cơ chế phân chia rủi ro giữa nhà nước và tư nhân chưa rõ ràng.
Trên thực tế, đầu tư theo mô hình PPP tại Việt Nam đã được quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ- CP (Nghị định 15/CP), Nghị định số 30/2015/NĐ- CP hướng dẫn một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (Nghị định 30/CP) và một số thông tư, văn bản hướng dẫn có liên quan. Thời điểm ban hành 2 nghị định trên, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá trong thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến thời điểm này, số lượng dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định 15/CP và Nghị định 30/CP không nhiều, hầu hết vẫn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Những dự án trong giai đoạn xây dựng hoặc vận hành chủ yếu là các dự án chuyển tiếp từ khung pháp lý cũ theo Nghị định số 108/2009/NĐ- CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh, hợp đồng xây dựng - chuyển giao.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ- CP ngày 1/1/2017 về việc nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề xuất Luật Đầu tư theo hình thức PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức nghiên cứu và hoàn thiện hồ sơ xây dựng luật, lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương về dự án Luật Đầu tư theo hình thức PPP. Trong đó, các Bộ: Tư pháp, Ngoại giao, Tài chính… đã có những ý kiến đóng góp, xây dựng dự thảo luật trên.
Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức PPP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo gồm 10 Chương và 80 Điều, trong đó, bên cạnh những quy định chung, Dự thảo Luật còn có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ và bảo đảm đầu tư, đưa ra những cơ chế sử dụng vốn nhà nước; trình tự, thủ tục đầu tư; trách nhiệm của các bên và cơ quan quản lý nhà nước; cũng như xử lý các vi phạm trong đầu tư… trong các dự án thực hiện theo hình thức PPP.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc hoàn thiện Luật Đầu tư theo hình thức PPP là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho cơ sở hạ tầng có hạn, khu vực tư nhân trong và ngoài nước mong muốn đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng tại Việt Nam theo hình thức PPP nhưng gặp nhiều rào cản do chính sách chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp thu góp ý của các bộ, ngành, địa phương và học hỏi kinh nghiệm quốc tế.
Luật Đầu tư theo hình thức PPP ra đời sẽ tạo cơ hội để Việt Nam thu hút nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân trong và ngoài nước vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. |