Đây là nhận định của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đưa ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 tổ chức ngày 21/2.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, đến hết năm 2016, cả nước có 19 liên hiệp HTX nông nghiệp, tăng 1 liên hiệp so năm 2015; cả nước có 10.756 HTX nông nghiệp, nhiều nhất là ở vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm 31%), Bắc Trung Bộ (21,1%), Đông Bắc Bộ (16,9%) và Đồng bằng sông Cửu Long (11,7%).
Số lượng HTX nông nghiệp thành lập mới năm 2016 đạt 1.100 nhưng số HTX giải thể, sáp nhập là 1.285 HTX nên số lượng HTX không tăng.
Chất lượng hoạt động của các HTX bắt đầu chuyển biến mạnh từ năm 2015 và đặc biệt là năm 2016 nên đã nâng số HTX hoạt động có hiệu quả từ khoảng 10% năm 2014 lên trên 30% năm 2016. Doanh thu bình quân đạt 1,1 tỷ đồng/HTX; lợi nhuận bình quân khoảng 200 triệu/HTX; thu nhập bình quân của thành viên và người lao động khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, một trong những bất cập của ngành nông nghiệp hiện nay là chưa hình thành được nền sản xuất lớn.
Cụ thể là đến nay, có khoảng 13,8 triệu hộ nông dân với 78 triệu miếng ruộng vẫn chưa tổ chức được dưới dạng tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp; yếu tố khoa học kỹ thuật (từ sản xuất, chế biến đến thương mại) còn ở cấp thấp. Cũng vì thế, giá nông sản thấp, chuỗi giá trị ngắn, thị trường bấp bênh. Về mặt quản lý, từ Bộ đến các địa phương còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng chuyển đổi theo nhu cầu của ngành nông nghiệp.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, để đến năm 2020 có 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả thì mỗi năm cần thành lập mới trên 1.300 HTX, đồng thời phải hoàn thành việc chuyển đổi các HTX; nâng số HTX hoạt động hiệu quả lên 45%; tăng thêm 100 chuỗi liên kết có sự tham gia của HTX.
Về định hướng phát triển các HTX nông nghiệp theo các vùng miền như mục tiêu trên, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho biết nếu số lượng HTX của tỉnh ít hơn 50 thì cần tăng thêm 25 HTX/năm; từ 50-150 HTX phải tăng thêm 20 HTX/năm, trên 150 HTX thì tăng thêm 15 HTX/năm. Riêng các tỉnh vùng Đông Bắc và Tây Bắc tăng thêm bình quân 15 HTX/năm.
Một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu lớn kể trên là hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển. Theo đó, phải ban hành Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trong sản xuất nông nghiệp; ban hành thông tư hướng dẫn phân loại và đánh giá HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Vì vậy, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương trình Bộ Chính trị Đề án “Đẩy mạnh liên kết sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị” và tham mưu để ban hành “Đề án đổi mới và phát triển HTX nông nghiệp”, đồng thời báo cáo Chính phủ làm rõ nguồn vốn hỗ trợ HTX nông nghiệp (dự kiến khoảng 5% tổng nguồn vốn trong chương trình xây dựng nông thôn mới).
Theo Đỗ Hương/baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã