Vẫn là nền nông nghiệp… cơ bắp
Trong 3 năm 2013-2015, mặc dù sản xuất gặp nhiều khó khăn do thiên tai và biến động bất lợi của thị trường gây ra nhưng sản xuất tăng trưởng với tốc độ khá cao (tốc độ tăng GDP trung bình đạt 2,83%/năm; giá trị sản xuất toàn ngành tăng trung bình 3,41%/năm). Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng mạnh, giai đoạn 2013-2016 đạt 120,7 tỷ USD, trung bình mỗi năm tăng 1,0 tỷ USD/năm, riêng năm 2016 ước đạt 32,1 tỷ USD.
Nghiên cứu giống mới tại Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ). Ảnh: baomoi.com.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao vai trò của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ: Ngành nông nghiệp đạt được những thành tựu trên trước hết phải ghi nhận đóng góp to lớn của cộng đồng các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các hiệp hội, hội. Các cán bộ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đã dày công nghiên cứu, chọn tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi, các chế phẩm, các quy trình công nghệ mới, máy mọc, công cụ, giải pháp mới… và ứng dụng chuyển giao vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Ba năm triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành, đến nay các nhà khoa học đã tạo ra được 149 giống cây trồng vật nuôi mới, 65 quy trình công nghệ, 35 TBKT cùng với nhiều giải pháp trong các lĩnh vực, kịp thời ứng dụng chuyển giao vào sản xuất và được thực tiễn sản xuất tiếp nhận.
Dù vậy, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Nền nông nghiệp quy mô nhỏ với 78 triệu mảnh ruộng rất khó hội nhập. Việt Nam còn là một trong ba quốc gia bị tác động khốc liệt nhất của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nông nghiệp chưa hình thành được trụ cột về tổ chức sản xuất, có gần 14 triệu hộ sản xuất nhưng chưa hình thành được các mô hình sản xuất hàng hóa lớn nên giá bán không cao. Vì vậy, rất cần sự hiến kế của các nhà khoa học”.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng, nền nông nghiệp Việt Nam ngày càng phải phát triển theo chiều sâu, do đó, thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ phải là yếu tố then chốt. Bộ trưởng cung cam kết, ngành khoa học đã và sẽ luôn luôn đồng hành cùng ngành nông nghiệp.
Tại hội nghị, các nhà khoa học đặc biệt nhấn mạnh đến việc cải thiện nâng cao chất lượng giống cây trồng vật nuôi, coi đây là vấn đề then chốt để phát triển nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị sản phẩm, gia tăng tính cạnh tranh.
GS, Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam, chia sẻ: “Chúng ta tự hào là nước có 12 mặt hàng xuất khẩu nhất nhì thế giới nhưng hiệu quả quá thấp. Vì vậy người ta nói nền nông nghiệp Việt Nam là nền nông nghiệp gia công, nền nông nghiệp cơ bắp. Chúng ta có hàng trăm giống lúa nhưng chưa có giống quốc gia. Bên cạnh đó việc tổ chức sản xuất còn kém nên hiệu quả sản xuất thấp”.
Lý giải tình trạng này, Giáo sư Long cho rằng, nguyên nhân một phần do nghiên cứu khoa học trong nước vẫn chưa năng động, dựa vào nhà nước. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất rất kém. Do vậy, giáo sư Long kiến nghị, Chính phủ nên có cơ chế linh hoạt để tận dụng nghiên cứu của các nhà khoa học đã về hưu. Hiện nay, rất nhiều giống lúa được trồng rộng rãi tại ĐBSCL không phải do các viện nghiên cứu của nhà nước làm ra, mà chủ yếu do một số nhà khoa học tự nghiên cứu và bán lại cho các doanh nghiệp.
Đồng tình quan điểm trên, GS - TSKH Trần Duy Quý cho rằng: “Bộ Nông nghiệp và PTNT cần đặt hàng các nhà khoa học tạo ra các giống lúa chất lượng, năng suất cao, siêu năng suất để 2 vụ có thể đạt được năng suất 14-15 tấn, để giữ vững an ninh lương thực. Điều này các nhà khoa học hoàn toàn làm được. Bộ NN&PTNT cần phải đầu tư đánh giá lại lộ trình, thực trạng tình hình sản xuất lúa gạo và các giống cây trồng chủ lực, để đánh giá đúng thực trạng những giống cây trồng này đang nằm ở đâu trên thế giới và cần áp dụng những quy trình kỹ thuật công nghệ như thế nào. Bên cạnh đó, bộ cần có những cơ chế tập trung đầu tư hỗ trợ những giống tiên tiến nhất, tốt nhất nhằm đưa các giống này áp dụng rộng rãi”.
PGS-TS Nguyễn Minh Châu – Nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam thì chia sẻ: “Hiện nay chuối Việt Nam xuất khẩu rất tốt sang Nhật và Hàn Quốc, cây bơ ở Tây Bắc, Tây Nguyên tiềm năng rất lớn, chanh dây cũng phát triển tốt do điều kiện thổ nhưỡng khí hậu rất thuận tiện. Tuy nhiên cây giống của Việt Nam càng ngày càng bé, do đó sản phẩm cũng bé, và người dân không có khái niệm cây sạch bệnh, sản phẩm sạch bệnh. Mật độ trồng quá dày sẽ không bền vững, vừa hại đất vừa hại cây. Tôi kiến nghị Bộ NNPTNT nên tổ chức lại các vườn ươm cây giống để tạo ra các bộ giống chất lượng đồng thời thay đổi mật độ trồng để sản phẩm chất lượng, an toàn và tăng khả năng cạnh tranh”.
Tái cơ cấu theo 3 trục sản phẩm
Trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trước thách thức biến đổi khí hậu, tái cơ cấu nền nông nghiệp dựa vào hộ nhỏ lẻ sang tập trung theo hướng chuỗi giá trị hàng hóa thì không con đường nào khác là phải tập trung giải pháp khoa học - công nghệ. Trong đó vai trò của các nhà khoa học đóng góp vai trò quyết định, phải trở thành “hạt nhân” để liên kết “4 nhà”.
Bộ trưởng khẳng định, Bộ NN&PTNT sẽ hình thành cơ chế hợp tác để đón nhận được những ý tưởng, đề tài, chương trình tham vấn bổ ích, thiết thực, sát với thực tiễn của các nhà khoa học để tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tới đây, có thể sẽ có những diễn đàn về từng lĩnh vực như chăn nuôi, trồng trọt, thủy lợi… để lắng nghe ý kiến chuyên sâu của nhà khoa học từng ngành.
Năm 2017 Bộ sẽ tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng rà soát tập trung 3 trục sản phẩm, gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia: là những sản phẩm chủ lực có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên và thịt lợn, rà soát điều chỉnh quy hoạch; xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng giống mới, quy trình sản xuất tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao; Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh/thành phố: các địa phương căn cứ lợi thế và điều kiện cụ thể, lựa chọn nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương để quy hoạch và phát triển theo hướng như sản phẩm quốc gia nhưng quy mô cấp địa phương; Nhóm sản phẩm vùng/miền: là những đặc sản nhưng có quy mô nhỏ, sẽ được xây dựng và phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới ở xã theo mô hình "Mỗi làng, xã một sản phẩm". “Tất cả các trục này, khi định dạng, hình thành xong phải có vùng sản xuất tập trung, phải có doanh nghiệp làm nòng cốt, đặc biệt khu vực trục sản phẩm quốc gia, tỉnh phải có khoa học công nghệ, chính sách tác động, nhất là khâu tổ chức sản xuất, cần hình thành các hợp tác xã để tập trung sự liên kết…”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Nhằm thúc đẩy khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tạo sự gắn kết giữa các tổ chức nghiên cứu với doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường giao nhiệm vụ cho các đơn vị nghiên cứu của Bộ: Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với Công ty cổ phần Hùng vương xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng con giống chất lượng cao và liên kết tiêu thụ cá tra; Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II phối hợp với Tập đoàn Việt Úc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất tôm nước lợ; Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Lộc trời nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giống cây trồng và phân bón; Viện Di truyền Nông nghiệp phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ trong chọn tạo giống dừa và một số loài cây trồng nông nghiệp.
Theo Anh Thơ/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã