Theo ông Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nam Định, đến nay tỉnh có 182/323 HTX nông nghiệp (NN) đã đại hội nhiệm kỳ gắn với việc chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012.
Tìm hiểu tại HTX NN Nghĩa Hồng (Nghĩa Hồng, Nghĩa Hưng) chúng tôi được biết đến nay HTX đã chuyển đổi được hơn 2 tháng. Trước đó, HTX này được đánh giá là HTX NN mạnh của huyện Nghĩa Hưng. Theo ông Nguyễn Văn Thiệm, Chủ tịch HĐQT HTX, sau chuyển đổi, HTX có 5 cái mới: gồm tên gọi, từ HTX NN thành HTX sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp; về tổ chức bộ máy, từ Ban Chủ nhiệm thành HĐQT cùng với đó là chuyển đổi về mô hình tổ chức quản lý hoạt động; quản lý về sử dụng vốn quỹ và phân phối thu nhập; chuyển đổi về thành viên góp vốn. Theo đó, thành công nhất của HTX sau chuyển đổi là đã “định lượng” được về số lượng thành viên và số vốn góp của họ, vốn trước đây rất mù mờ.
Cụ thể, thay bằng mấy nghìn xã viên như trước đây, giờ mỗi hộ trong xã chỉ cử một người tham gia HTX, với tổng số 2054 thành viên. Trước đại hội chuyển đổi, HTX xác định toàn bộ số vốn còn lại của HTX sau mấy chục năm hoạt động là 1,4 tỷ đồng.
Để định lượng vốn góp, HTX chia số vốn trên cho các thành viên (theo tỷ lệ 88.000 đồng/sào) nhưng không trả lại mà chuyển thành vốn góp. Theo cách này, hiện thành viên góp vốn thấp nhất của HTX Nghĩa Hồng là 150.000 đồng, cao nhất là 2,9 triệu đồng; cùng với vốn góp của HĐQT, đội ngũ các tổ trưởng, hiện HTX có tổng vốn hoạt động khoảng 1,8 tỷ đồng…
Cũng theo ông Thiệm, sau chuyển đổi, HTX vẫn duy trì việc cung cấp một số dịch vụ sản xuất nông nghiệp đầu vào cho các thành viên như làm đất, dịch vụ thủy nông, cung cấp vật tư, hướng dẫn kỹ thuật, thu gom rác thải…Tuy nhiên ông Thiệm thừa nhận việc cung cấp một số dịch vụ của HTX đang gặp phải cạnh tranh quyết liệt của thị trường, nhất là dịch vụ cung cấp vật tư chịu cạnh tranh quyết liệt của 11 cơ sở tư nhân ngay trên địa bàn xã. Dịch vụ làm đất cũng bị cạnh tranh bởi các tổ nhóm tư nhân đến từ các địa phương khác. Trong khi đó, theo ông Thiệm, một trong những yêu cầu quan trọng là bao tiêu nông sản cho các hộ xã viên thì đến nay HTX vẫn chưa làm được.
Vì nhiều lý do, một số kế hoạch của HTX như triển khai hoạt động tín dụng nội bộ, liên kết với một doanh nghiệp để tổ chức sản xuất khoảng 50ha lúa sạch…chưa thể triển khai. Mặc dù mang tên HTX sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp nhưng trên thực tế sau chuyển đổi HTX Nghĩa Hồng cũng mới chỉ duy trì được một số hoạt động dịch vụ…
Tìm hiểu tại HTX NN Trực Chính (Trực Ninh), chúng tôi nhận thấy tình trạng sau chuyển đổi cũng tương tự. 20 năm liền gắn bó với phong trào HTX, ông Nguyễn Mạnh Chư vẫn bỡ ngỡ khi giờ đây được gọi là Chủ tịch HĐQT HTX. Ông cho biết do tài sản, vốn quỹ của HTX bị mai một gần hết nên sau khi chia lại để thành vốn góp cũng chỉ được 150.000 đồng/thành viên.
Việc huy động vốn góp mới của HTX chưa thực hiện được. Việc tiếp cận vốn vay ngân hàng càng khó vì lấy lý do tài sản của HTX, trong đó có đất đai dù đã được cấp sổ đỏ nhưng lấy lý do đây là tài sản thuộc sở hữu tập thể, ngân hàng không tin tưởng nên từ chối cho vay. Trên thực tế, theo ông Chư, sau chuyển đổi HTX cũng chưa có thêm hoạt động đột phá nào, vẫn mới chỉ duy trì được các dịch vụ làm đất, bảo vệ thực vật, bảo vệ đồng ruộng, tư vấn kỹ thuật, cung cấp vật tư đầu vào, hiệu quả kinh tế không cao.
Trong khi chưa có thêm hoạt động mới thì bộ máy quản lý HTX sau chuyển đổi theo luật lại “phình to” thêm, làm tăng chi phí. “Tiếng là Chủ tịch HĐQT nhưng hiện tại mức lương tôi nhận được chỉ có 2,5 triệu đồng/tháng”, ông Chư chia sẻ.
Mặt khác, theo ông Chư, hiện nay một bộ phận người dân ở địa phương không thiết tha, gắn bó với đồng ruộng, thanh niên lớn lên hầu hết đi học hoặc đi làm xa, làng quê chỉ toàn người già, trẻ con. Việc điều hành sản xuất của chính quyền xã và HTX NN do vậy gặp nhiều khó khăn.
“Thời gian qua, một số hộ trong xã bỏ ruộng không cấy nhưng khi làm đất HTX không thể bỏ qua diện tích này, vẫn phải làm nhưng không thu được phí dịch vụ bởi trên thực tế họ có thuê HTX làm đâu?”, ông Chư nêu thực tế.
Trong khi đó, ông Vũ Đức Mạnh-Chủ tịch UBND xã Trực Chính chia sẻ: theo luật thì các HTX NN giờ đây phải phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chính quyền địa phương không được can thiệp sâu vào hoạt đông của HTX.
“Tuy nhiên, HTX NN có đặc thù riêng, mọi hoạt động của HTX đều liên quan đến đất đai, con người của địa phương, không có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một mình HTX không kham nổi. Khi một số hộ trong xã bỏ ruộng không cấy, chính quyền xã không thể để ruộng bỏ không. Vậy nên, vẫn phải chỉ đạo HTX làm đất, tổ chức lực lượng để cấy”, ông Mạnh nêu quan điểm.
Tìm hiểu tại HTX NN Cốc Thành (Thành Lợi, Vụ Bản, Nam Định), chúng tôi được biết đây cũng là một HTX mạnh của huyện. Trước và sau chuyển đổi, HTX duy trì và triển khai được nhiều khâu dịch vụ cho các thành viên, đặc biệt thời gian qua HTX đã huy động được vốn góp của các hộ thành viên để xây dựng nhà máy nước sạch phục vụ bà con. Tuy nhiên, liên quan đến việc này HTX đang bị người dân địa phương phản ứng, vì cho rằng họ đã phải đóng góp quá nhiều mới được sử dụng nước sạch, cụ thể mỗi hộ phải đóng tổng cộng 3 triệu đồng và đang được thông báo sẽ phải chịu mức phí từ 7000 đồng lên 11.000 đồng/khối, tăng 4000 đồng/khối.
Nguyên nhân của việc này, theo Chủ tịch HĐQT HTX Bùi Văn Quý do đến nay các thành viên của HTX vẫn chưa nắm rõ theo luật thì HTX NN Cốc Thành đang hoạt động theo cơ chế HTX kinh doanh dịch vụ. Để có vốn hoạt động HTX phải huy động vốn từ thành viên HĐQT và từ các hộ thành viên cùng với việc đi vay. Việc xây dựng nhà máy nước Cốc Thành được thực hiện theo cơ chế này. Trong khi nhiều người dân vẫn lầm tưởng đây là dự án do nhà nước đầu tư mà không biết dự án hoàn toàn do HTX tự lo.
Mặc dù vậy, ông Bùi Văn Quý thừa nhận, sau chuyển đổi, năng lực quản lý của HTX cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể, kể từ khi đi vào hoạt động tỷ lệ thất thoát nước sạch hàng tháng của nhà máy nước Cốc Thành luôn ở mức trên dưới 40%.
“Hiện chúng tôi không tìm được nguyên nhân. Việc kiểm tra rất khó khăn vì nhà nào giờ cũng kín cổng, cao tường, việc lấy trộm nước cũng rất tinh vi, khó phát hiện. Từ khi hoạt động, chúng tôi mới chỉ phát hiện được hơn 10 trường hợp người dân đục đường ống lấy trộm nước”, ông Quý lý giải.
Trong khi đó, tìm hiểu tại xã Bình Minh (Nam Trực-Nam Định), một cán bộ chủ chốt của xã cho biết lâu nay HTX NN xã gần như không có hoạt động gì, vì nhiều lý do vừa qua HTX không thể tổ chức đại hội, chuyển đổi theo luật theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Khi triển khai xây dựng nông thôn mới, do nhu cầu, xã đã sử dụng diện tích đất có trụ sở HTX vào việc khác, hiện Ban chủ nhiệm HTX được xã bố trí “ngồi tạm” ở một phòng trong trụ sở xã…
Báo cáo của UBND huyện Trực Ninh (Nam Định) cho biết trong số 31 HTX NN của huyện có 2 HTX (Phương Tân, Đại Thắng, cùng thuộc xã Phương Định) không còn đủ điều kiện hoạt động đang chờ thực hiện thủ tục giải thể. Tương tự, Phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) cho biết, toàn huyện có 2 HTX khi chuyển đổi không thực hiện được nội dung góp vốn. Một số HTX liên thôn quy mô nhỏ không thể sáp nhập; hoạt động cung cấp dịch vụ không hiệu quả do vậy không thể đảm bảo phụ cấp cho bộ máy, một số HTX bộ máy không đủ theo quy định của luật… |
Trần Duy Hưng
http://daidoanket.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã