Cá ngừ đại dương được ngư dân Phú Yên gọi là cá “bò gù”, vì lưng cá gù, thịt đỏ như thịt bò. Mỗi con cá nặng 40-50kg, cũng có nhiều con lên đến cả tạ.
Hiện nay, nghề câu cá ngừ đại dương đang phát triển mạnh nhiều nơi, nhưng Phú Yên vẫn là tỉnh có sản lượng khai thác lớn nhất.
Theo kinh nghiệm nhiều năm của ngư dân Phú Yên, vào cuối năm trước đến tháng 2 âm lịch năm sau, cá ngừ đại dương sẽ di chuyển vào vùng biển phía Bắc nước ta, từ Đà Nẵng trở ra, sau đó lại đi dần về phía Nam.
Vào chính vụ, khoảng tháng 3 đến tháng 5 âm lịch, cá ngừ đại dương tập trung nhiều ở ngư trường thuộc quần đảo Trường Sa, Côn Đảo, đôi khi đến gần Phú Quốc.
Từ đầu tháng 3/2014 đến nay, hầu hết các tàu câu cá ngừ đại dương của Phú Yên đều có lãi. Riêng tại TP. Tuy Hòa, 195 tàu của ngư dân Phường 6 đã liên tục bám biển, đạt sản lượng bình quân từ 1,5 đến trên 3 tấn/tàu/chuyến. Nhiều tàu lãi hơn 300 triệu đồng/chuyến biển.
Bên cạnh lượng lớn cá ngừ cung ứng cho các nhà máy để phục vụ xuất khẩu, ngư dân các làng biển ở đây còn có một cách làm để nâng giá trị cá ngừ ngay tại thị trường trong nước, đó là chế biến cá ngừ thành những sản phẩm đáp ứng khẩu vị người tiêu dùng.
Theo các đầu mối cung ứng các sản phẩm cá ngừ đại dương qua chế biến, sức mua mặt hàng này khá mạnh. Với 3.600 tàu khai thác cá ngừ, mỗi năm, sản lượng cá ngừ đại dương khai thác của ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ không dưới 16.000 tấn.
Tuy nhiên, có một thực tế là sản lượng khai thác cá ngừ đại dương ở Phú Yên đang có chiều hướng giảm dần.
Theo thống kê từ Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, năm 2012, sản lượng cá ngừ đại dương khai thác được ở Phú Yên là 6.050 tấn. Sang năm 2013, con số này chỉ còn trên 4.500 tấn. Mùa khai thác cá ngừ đại dương năm 2014 đã vào cuối vụ, nhưng sản lượng khai thác cũng chỉ trên 3.200 tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.
Về việc sản lượng cá ngừ đại dương của Phú Yên giảm mạnh được đánh giá là do tàu cá của ngư dân công suất nhỏ; trang thiết bị và công nghệ khai thác, bảo quản lạc hậu; chưa hình thành chuỗi sản xuất.
Phần lớn tàu cá Phú Yên chỉ khai thác cá ngừ đại dương. Trong khi đó, ở các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, lúc hết mùa vụ, ngư dân chuyển sang khai thác cá ngừ vằn, nên hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, thị trường cá ngừ đại dương bấp bênh, chưa gắn kết sản xuất với thu mua…
Tìm đường phát triển bền vững
Sản lượng khai thác cá ngừ tại Phú Yên có chiều hướng giảm dần; theo lý giải từ ngư dân nguyên nhân chính lại là do đầu ra chưa bền vững.
Theo thống kê năm 2013 và năm 2014, giá cá ngừ đại dương luôn ở mức thấp, khoảng 140.000 đồng/kg cá loại 1, cá ngừ câu tay kết hợp ánh sáng chỉ còn 75.000 đồng/kg. Theo ngư dân, với giá này, nếu chuyến biển kéo dài 1 tháng, khai thác được 1 tấn cá thì lỗ.
Nguyên nhân này cũng khá thuyết phục khi số liệu tính toán của Sở NN&PTNT Phú Yên cũng cho thấy chỉ có khoảng 20% sản lượng cá đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nguyên con. Trong khi, đối với cá ngừ đủ tiêu chuẩn xuất được nguyên con thì giá trị cao hơn rất nhiều lần việc đã qua chế biến tại địa phương.
Như vậy, trước mắt, thách thức đặt ra với việc đẩy mạnh thương mại hóa cá ngừ là phải đa dạng thị trường xuất khẩu, song song với việc xây dựng thị trường trong nước.
Đứng trước thách thức này, Bộ NN&PTNT đã thực hiện đề án thí điểm sản xuất, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Trong năm 2014, Phú Yên đã hoàn thiện phương án triển khai đề án này.
Theo đó, CTCP Bá Hải được chọn làm trung tâm của chuỗi, tổ chức cho 5 tàu dịch vụ hậu cần thu mua trên biển sản phẩm khai thác của 8 tổ tàu thuyền và 80 tàu câu cá ngừ đại dương. Sau khi thu mua, sản phẩm được vận chuyển về nhà máy của Công ty Bá Hải để chế biến và đưa ra thị trường tiêu thụ.
Trong kế hoạch triển khai đề án thí điểm sản xuất, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi, các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ NN&PTNT và 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa sẽ thực hiện đề án này với những công việc như xây dựng, quản lý quy hoạch khai thác cá ngừ đại dương.
Cùng với đó, các địa phương này cần phát triển đội tàu khai thác cá ngừ đại dương theo hướng hiện đại; thí điểm các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; xây dựng đồng bộ cơ sở dịch vụ hậu cần cá ngừ đại dương; điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường, chuyển giao khoa học công nghệ, công tác đào tạo, tập huấn, khuyến ngư; hợp tác quốc tế và xúc tiến thương mại…
Hoàn thành đề án theo chu trình khép kín từ khai thác đến chế biến và tiêu thụ cá ngừ ở các địa phương này sẽ là một bước khởi đầu đầy chắc chắn cho những ngư dân tâm huyết với khai thác cá ngừ đại dương.
Đây có thể là bước đầu đề ngư dân Việt có thể đãi vàng từ biển.
Đỗ Hương
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã