Hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ cao
Anh Lục Văn Hùng (tổ 56, thị trấn Liên Nghĩa) - một trong những nông dân đang tham gia mô hình liên kết trồng lan vũ nữ xuất khẩu cùng với Công ty Hoa Mặt Trời phấn khởi cho biết: Tôi tham gia mô hình liên kết trồng lan vũ nữ xuất khẩu cùng với Công ty Hoa Mặt Trời từ năm 2012. Thật lòng mà nói, đây được coi là bước ngoặt lớn của cuộc đời tôi, vì từ khi tham gia vào mô hình này, vừa có thu nhập cao và tôi cũng rất yên tâm vì không phải lo đầu ra cho sản phẩm, tất cả sản phẩm sau khi thu hoạch đều được chuyển về Công ty và chuyện bán sản phẩm đều do họ tự lo cho mình. Giá bán hoa không phải do công ty quyết định mà do thị trường nhập hoa quyết định. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, còn lại nông dân chúng tôi hưởng theo số hoa mình cung cấp và tùy thuộc vào số lượng nhiều hay ít, chất lượng cao hay thấp. |
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đức Trọng đã và đang đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, điểm sáng nhất là những kết quả trong việc áp dụng, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp được triển khai từ năm 2004. Đến nay, toàn huyện có 5.282,94ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng 4.100,34ha so với năm 2011. Cùng đó, các doanh nghiệp cũng chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, hiện có 20 đơn vị sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích gần 200ha và khoảng 69 hộ sản xuất rau, củ các loại theo tiêu chuẩn VietGap với tổng diện tích khoảng 250ha như: HTX nông sản an toàn thị trấn Liên Nghĩa, Trang trại sản xuất Phong Thúy, cơ sở Tấn Vỹ… Từ đó, tạo được uy tín chất lượng một số loại rau, củ, quả, hoa cúc, hoa lay ơn… trên thị trường trong và ngoài nước.
Những mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao đạt hiệu quả cao như trồng lan vũ nữ cắt cành, dương xỉ, hồng môn trong nhà lưới của Công ty Hoa Mặt Trời; lan hồ điệp trong nhà kính điều khiển thông minh của Công ty TNHH Trường Hoàng; trồng ớt ngọt, cà chua trên giá thể, rau thủy canh của Trang trại Phong Thúy và nhiều mô hình sản xuất khác như phục tráng giống khoai môn bằng phương pháp Invitro, trồng cây đinh lăng… Từ năm 2011 đến nay, huyện có 3 đơn vị được cấp giấy chứng nhận “Nhãn hiệu rau Đà Lạt” đó là Trang trại Phong Thúy, Công ty TNHH Tuấn Hùng Cường, HTX Tiến Huy.
Trồng hoa lan theo hướng công nghệ cao tại huyện Đức Trọng | Ảnh: Phan Nhân |
Có thể nói, việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp đang ngày càng mạnh mẽ, đạt hiệu quả cao. Đối với diện tích sản xuất theo hướng công nghệ cao doanh thu đạt gấp 2 - 3 lần sản xuất bình quân của toàn huyện. Trong đó, sản xuất rau cao cấp đạt bình quân 300 - 400 triệu đồng/ha, cây hoa cao cấp đạt bình quân từ 0,5 - 1 tỷ đồng/ha. Nhiều vùng chuyên canh rau, hoa công nghệ cao đã được hình thành tại xã Hiệp An, Hiệp Thạnh, thị trấn Liên Nghĩa và nhân rộng mô hình ra các xã Liên Hiệp, Phú Hội, N’thol Hạ… tạo nguồn nguyên liệu bảo đảm số lượng cung cấp cho các nhà máy chế biến rau, quả đóng trên địa bàn. Đồng thời, cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu các sản phẩm ra các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Đông, Singapore…
Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản
Theo đại diện Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đức Trọng, không chỉ chú trọng đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cũng luôn được quan tâm thực hiện nhằm hạn chế tối đa việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; tạo tiền đề cho việc sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Hoạt động hợp tác và liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị tại huyện chủ yếu là việc liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm cà phê, rau, hoa và chăn nuôi. Các hình thức liên kết hiện đang được thực hiện trên địa bàn, gồm: Công ty liên kết với công ty hoặc liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác, các đại lý thu mua, trang trại, nông dân; các đại lý thu mua liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, nông dân.
Toàn huyện hiện có trên 40 doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản, hoa và các sản phẩm chăn nuôi có liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; có trên 20 vựa thu mua rau, củ, quả các loại; trên 80 vựa mỗi ngày thu mua từ 1.000 - 2.000 tấn rau tươi để cung ứng cho các tỉnh miền Nam, miền Trung, thị trường Campuchia, Trung Quốc… Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 19 tổ hợp tác và 15 hợp tác xã nông nghiệp tham gia tích cực vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, Dự án Chợ đầu mối nông sản chất lượng cao Đức Trọng đã đưa vào hoạt động cũng góp phần quan trọng vào việc phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn. Sản lượng xuất khẩu nông sản của huyện giai đoạn 2011 - 2015 vì vậy cũng đạt khá cao, khoảng 158,2 triệu USD, chiếm 85,28% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn huyện.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã