Kém xa với khu vực
Tại Hội thảo “Khoa học và Công nghệ Phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới” được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, mặc dù đạt được một số thành tích nhất định nhưng nhìn chung trình độ KHCN nông nghiệp của nước ta còn thấp, có khoảng cách xa so với thế giới và khu vực, chưa đáp ứng được yêu cầu là nền tảng và động lực của phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, nghiên cứu KHCN khá phân tán, thiếu tính đột phá, tính ứng dụng cũng không cao. Bằng chứng là, các công trình nghiên cứu cơ bản có chất lượng thấp, số công bố quốc tế của Việt Nam hiện nay bằng 1/3 của Thái Lan, 1/4 của Malaysia và 1/6 của Singapore.
Nhiều công trình nghiên cứu không đi đến kết quả ứng dụng thực tiễn sản xuất. “Thành tựu KHCN mới chỉ đạt được đối với một số sản phẩm chủ lực như: Tôm, cá tra, lúa, ngô, tiêu, cà phê, cao su... còn chưa làm chủ được công nghệ tạo giống, vắc xin, chế phẩm sinh học trong phòng chống dịch bệnh… Những nghiên cứu về gói kỹ thuật còn hạn chế, nghiên cứu về cơ khí nông nghiệp, bảo quản, xử lý sau thu hoạch rất ít và tác động trong sản xuất chưa cao”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân mấu chốt khiến bao năm nay, KHCN trong nông nghiệp vẫn “đì đẹt” là do chưa huy động được sự tham gia tích cực, có hiệu quả của các DN. Hiện, cả nước có trên 33.000 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó trên 93% là DN nhỏ và vừa, mức đầu tư cho đổi mới công nghệ chiếm tỷ lệ nhỏ trên tổng số doanh thu.
Theo kết quả điều tra của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN), cả nước hiện có trên 1.500 DN có hoạt động KHCN, có 350 DN có tiềm năng phát triển thành DN KHCN, nhưng trong số đó chỉ có 28 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 8%. Như vậy rõ ràng, số DN nông nghiệp có thể được hưởng các chế độ ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước đối với các DN KHCN còn chiếm tỷ lệ rất thấp.
“Hút” DN cùng làm
Theo nhiều đại biểu, muốn “cục diện” thay đổi, thời gian tới, cần có chính sách đồng bộ để khuyến khích và thu hút DN đầu tư vào KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp; tập trung xây dựng một số viện, trung tâm nghiên cứu nông nghiệp thành các tổ chức KHCN mạnh, đạt trình độ khu vực và quốc tế, tiếp tục đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm…
Bà Thái Hương-Tổng Giám đốc Tập đoàn Thái Hương cho rằng, muốn thành công trong việc áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, trước tiên cần xác định các đối tượng chủ thể tham gia quá trình ứng dụng, có lộ trình từng bước nhằm tạo sản phẩm đạt chất lượng hội nhập quốc tế. Điều quan trọng là Nhà nước, Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo sự minh bạch cho DN trong đầu tư nghiên cứu, ứng dụng KHCN. Như vậy, mới có thể thu hút được những DN có đủ tâm, trí, tài, lực tham gia.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, để phát triển ngành nông nghiệp cần nâng cao vai trò của KHCN nhằm tận dụng cơ hội trong thời kỳ mới. Muốn làm được điều đó, chú trọng vai trò của các viện, trường nghiên cứu KHCN là điều rất cần thiết.
Định hướng thời gian tới, các chính sách ban hành sẽ cho phép cơ sở nghiên cứu tự chủ mạnh mẽ hơn trong hoạt động, khuyến khích DN mở viện nghiên cứu tư nhân, hợp tác với các viện nghiên cứu của Nhà nước; hướng tới các viện phải hạch toán, hoạt động như DN thực thụ. Ngoài ra, các đơn vị liên quan cần có tinh thần cầu thị, không ngại khó, mạnh dạn làm thử khi thực hiện các đề tài, dự án về KHCN trong sản xuất nông nghiệp.
Nhằm thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng sâu rộng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ khẩn trương hoàn thiện đồng bộ cơ chế chính sách đổi mới thúc đẩy hoạt động KH&CN trong nông nghiệp, nông thôn; hoàn thiện cơ chế đặt hàng sản phẩm KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; rà soát, chuyển đổi cơ chế hoạt động của các tổ chức KH&CN nông nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm KH&CN trong nông nghiệp, khuyến khích tạo mọi điều kiện để thúc đẩy việc mua bán, chuyển nhượng bản quyền đối với các sản phẩm khoa học công nghệ tạo ra từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Trong giai đoạn 2008-2013, tổng kinh phí Nhà nước đầu tư cho nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước do Bộ KH&CN quản lý trong lĩnh nông nghiệp, nông thôn là 2.143 tỷ đồng, chiếm 30% tổng kinh phí cho các nhiệm vụ Nhà nước. Trong khi đó, kinh phí sự nghiệp KHCN cấp cho Bộ NN&PTNT giai đoạn 2008-2013 là gần 4.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 13% tổng kinh phí sự nghiệp KHCN của cả nước.
Ở giai đoạn này, trong tổng kinh phí chi cho KHCN cấp về Bộ NN&PTNT từ nguồn ngân sách Nhà nước, hơn 1.200 tỷ đồng được chi cho lương và hoạt động bộ máy, chiếm 32% tổng kinh phí được cấp. Riêng năm 2014, kinh phí sự nghiệp khoa học là hơn 720 tỷ đồng, trong đó chi cho lương và hoạt động bộ máy tăng lên khoảng 321 tỷ đồng, chiếm 44%, do lương cơ bản tăng theo quy định của Nhà nước.
Theo baohaiquan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã