Với chủ đề “chống lại ô nhiễm chất thải nhựa”, ngày Môi trường Thế giới năm nay (ngày 5/6) được tổ chức nhằm kêu gọi các doanh nghiệp, cộng đồng và cá nhân cùng nhau tìm kiếm các giải pháp thay thế bền vững và giảm nhanh việc sản xuất và sử dụng quá nhiều chất dẻo dùng một lần làm ô nhiễm môi trường, đe doạ sức khoẻ con người.
80 tấn nhựa và túi nilon được thải ra môi trường mỗi ngày
Hàng ngày, phải chứng kiến những con phố hay dòng chảy của các con sông, kênh, rạch đang bị tắc nghẽn bởi một khối lượng lớn chất thải nhựa, túi nilon khiến nhiều người không khỏi bức xúc và lo ngại về vấn nạn ô nhiễm môi trường, hiểm họa đe dọa sức khỏe họ và cả cộng đồng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tại Việt Nam mỗi hộ gia đình thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/một ngày. Như vậy, ước tính, hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày. Chỉ riêng 2 thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trung bình một ngày, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Mỗi ngày, Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó, rác thải nilon chiếm đến 7 - 8%. Đáng chú ý là lượng túi nilon này tăng theo từng năm.
Bên cạnh đó, lượng chất thải điện tử và điện dân dụng thải ra từ các đô thị như tivi, tủ lạnh, quạt điện, máy tính, đồ dân dụng... ngày càng tăng. Các chất thải điện tử được thải ra sẽ được những người thu mua phân loại cụ thể. Nếu thiết bị còn sửa chữa được sẽ được các cửa hàng sửa chữa và thời gian hoạt động của các thiết bị này sẽ được kéo dài. Còn các đồ dùng đã hỏng sẽ tháo rời thành các bộ phận bán cho cơ sở sửa chữa để tận dụng thiết bị như tụ, bản mạch... Các chất thải điện tử được tháo rời và tái chế thu hồi kim loại (Cu, Pb, Al, Au, Ag...), nhựa, dây đồng..., phần không bán được sẽ thải cùng với chất thải sinh hoạt. Đây chính là mối nguy hại tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người.
Theo công bố mới nhất của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm, chúng ta thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất 4 lần, có khoảng 500 tỷ túi nilon được tiêu thụ trên thế giới, song, phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp. Theo ước tính, với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó, sẽ nằm trong các đại dương và tồn tại trong nhiều thế kỷ. Cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác chất thải nhựa đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người.
Tăng cường kiểm soát thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa
Mặc dù gây hại cho cả môi trường và sức khỏe con người nhưng vì sao túi nilon, các vật dụng làm bằng nhựa tái chế nguy hại vẫn tồn tại? Qua khảo sát của phóng viên tại một số khu vực buôn bán như chợ, cổng trưởng học, công viên…chị Đỗ Thị Hương, tiểu thương chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cho biết, chị cũng như các tiểu thương khác không quan tâm đến túi thân thiện môi trường hay không, chỉ cần loại nào rẻ thì dùng. Hơn nữa muốn mua túi nilon thân thiện môi trường cũng không biết mua ở đâu, vì đi cả chợ cũng không kiếm nổi một hàng bán.
Đánh giá về thực trạng trên, TS. Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường lý giải, sự phát triển của kinh tế - xã hội khiến lượng rác thải, trong đó, có rác thải khó phân hủy (nhựa và nilon) ngày càng gia tăng và khó kiểm soát, trong khi đó, thời gian phân hủy của loại rác thải này phải mất đến hàng thế kỷ. Do vậy, việc kiểm soát rác thải nhựa và nilon đang trở thành vấn đề môi trường cấp bách.
Mặt khác, sự tiện dụng cao và giá thành thấp đã làm cho túi nilon trở thành vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi người dân và hiện diện ở khắp nơi trong đời sống xã hội. Giá thành thấp không chỉ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng mà còn làm cho việc hạn chế, giảm thiểu, thu gom, sử dụng lại và tái chế túi nilon ít mang ý nghĩa về kinh tế và không có động cơ thúc đẩy. Đây là thách thức lớn trong việc quản lý, tái chế và tái sử dụng chất thải nhựa và nilon.
Để góp phần hạn chế chất thải nhựa và nilon, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã đang và sẽ triển khai đồng loạt nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung vào triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa vào môi trường tự nhiên, đặc biệt, áp dụng các biện pháp nghiêm khắc đối với các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm các quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Đồng thời, Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan Trung ương của các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội tăng cường triển khai các hoạt động giám sát, kiểm soát thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa; tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của người dân trong việc hạn chế sử dụng và thải bỏ chất thải nhựa và nilon.
Theo các chuyên gia, để đẩy lùi việc sử dụng túi nilon tràn lan như hiện nay, bên cạnh những biện pháp về tăng thuế, điều quan trọng nhất là nâng cao ý thức người tiêu dùng trong việc hạn chế sử dụng túi nilon, khuyến khích, ưu tiên sử dụng các túi tự hủy, túi thân thiện môi trường với những ưu thế như chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh…/.