Thực hiện “Chiến lược phát triển bền vững đến năm 2020”, tỉnh Kiên Giang đã ra mục tiêu phấn đấu xây dựng 70 xã, chiếm 59,3% số xã và 7 huyện của tỉnh đạt tiêu chí nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Trong đó, năm 2015 có thêm 9 xã, nâng tổng số lên 18/118 xã và huyện Tân Hiệp đạt tiêu chí nông thôn mới.
Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Kiên Giang cho biết, trong số 9 xã này, mỗi xã chỉ còn hoàn thành một hoặc hai tiêu chí về giao thông, y tế, thiết chế văn hóa sẽ đạt chuẩn và tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng. Đối với giao thông nông thôn, tỉnh kết hợp nhiều nguồn vốn đầu tư từ nhân dân đóng góp, hỗ trợ của doanh nghiệp, ngân sách địa phương... khoảng 400 tỷ đồng đầu tư 495 km đường bê tông, nhựa hóa liên ấp, liên xã. Những địa phương gặp khó khăn trong huy động vốn nhân dân đóng góp sẽ vận động người dân làm nền hạ, phần còn lại Nhà nước đầu tư. Các công trình nhà văn hóa xã, nhà văn hóa ấp gắn với trụ sở ấp, Nhà nước hỗ trợ 100% về mặt bằng và cơ sở vật chất ban đầu như xây dựng hội trường, nhà thi đấu đa năng... kết hợp xã hội hóa những phần việc còn lại.
Được biết, để phong trào xây dựng nông thôn mới triển khai có hiệu quả, tỉnh Kiên Giang đã kiện toàn ban chỉ đạo các cấp về xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kế hoạch sát hợp thực tế địa phương, phân công nhiệm vụ cho thành viên và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là địa bàn xã; lồng ghép các chương trình, dự án, kế hoạch vào các xã điểm đạt nhiều tiêu chí. Giai đoạn 2015 - 2020, từ ngân sách nhà nước, tỉnh Kiên Giang đầu tư 100% vốn cho các hạng mục, công trình như: lập quy hoạch, đào tạo kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ xã, ấp, hợp tác xã, tổ hợp tác; xây dựng trụ xã; kiên cố cống, đập; nạo vét các công trình thủy lợi kênh cấp II trở lên; xây dựng đường giao thông trục xã, liên xã.
Ngoài ra tỉnh cũng hỗ trợ một phần vốn đối với đường trục ấp, liên ấp và các công trình giao thông theo tiêu chí nông thôn mới, phần còn lại huy động cộng đồng xã hội và nhân dân đóng góp xây dựng. Các công trình nhà văn hóa xã, ấp; trường học, trạm y tế xã đạt chuẩn; chợ nông thôn; nghĩa trang; hạ tầng phục vụ sản xuất thiết yếu và những công trình khác thì ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kết hợp thực hiện xã hội hóa, huy động đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và cá nhân tham gia.
Đối với mô hình phát triển sản xuất, đầu tư hệ thống cấp nước sạch nông thôn, tỉnh Kiên Giang thực hiện theo quy định của Chính phủ. Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả theo hướng hàng hóa, hiện đại gắn với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân. Tập trung chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tạo đột phá về năng suất, chất lượng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hướng dẫn hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu cho những loại cây trồng, vật nuôi chủ lực có hiệu quả kinh tế cao./.
Theo: dangcongsan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã