Khi người dân được giám sát
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Trần Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Kim Hóa, tỏ ra rất tâm đắc với mô hình đồng thuận trong quản lý và sử dụng đất đai được thực hiện trên địa bàn xã với sự giúp đỡ của Liên minh Đất đai (Landa) và Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD). Với sự tư vấn của hai tổ chức dân sự này, Ban giám sát cộng đồng cấp thôn được thành lập, có nhiệm vụ giám sát việc quản lý và sử dụng đất đai, mà cụ thể là trong việc xây dựng giao thông nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Tại thôn Kim Tiến, đã có 60 hộ tham gia hội nghị ký kết, biểu quyết và bỏ phiếu đồng thuận với kế hoạch sử dụng đất của thôn, xã; tại thôn Kim Lũ I có 120 hộ tham gia. Ban giám sát xây dựng quy chế, kế hoạch giám sát, đồng thời đánh giá kế hoạch sử dụng đất và xây dựng các công trình giao thông nội thôn. “Và khi người dân đã đồng thuận thì mọi việc trở nên dễ dàng, ngay cả với nhiệm vụ giải phóng mặt bằng vốn luôn phức tạp”, ông Lưu nói.
Khi diện tích đất đai được quy hoạch ổn định, người dân Tuyên Hóa yên tâm đầu tư trồng cây ăn quả dài ngày. Ảnh: Nguyễn Hoàng.
Nhờ sự đồng thuận, đến nay, thôn Kim Tiến đã xây dựng kế hoạch và làm được 1 tuyến đường bê-tông có chiều dài 190m và 1 tuyến đường đã được giải tỏa làm dự án, thiết kế. Ban giám sát cùng với nhân dân luôn có mặt tại công trình trong thời gian thi công, mọi vấn đề đều được công khai, minh bạch. Nhờ đó, chất lượng công trình được đảm bảo, việc quy hoạch đất đai được nhân dân đồng thuận. Trong khi đó, thôn Kim Lũ I đã họp dân, xây dựng kế hoạch, giải tỏa làm dự án, thiết kế để làm tuyến đường nội thôn dài 250m.
“Đến nay, toàn xã đã xây dựng được 85 tuyến đường với tổng chiều dài 44.246m, 4 cầu vượt qua đường sắt, ngầm tràn vượt sông Gianh. Đặc biệt từ tháng 6, xã Kim Hóa được huyện cấp cho 100 tấn xi măng và chỉ chưa đầy 5 tháng đã hoàn thành đường giao thông nội thôn với tổng chiều dài gần 2.000m”, ông Lưu cho biết thêm.
Cần nhân rộng
Đánh giá về mô hình đồng thuận, ông Lê Xuân Hoài, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tuyên Hóa, khẳng định: “Việc chính quyền và người dân đi tìm sự đồng thuận trong việc quản lý, sử dụng đất đai đã góp phần giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong quá trình xây dựng các công trình hạ tầng, trong các kế hoạch sử dụng đất một cách công bằng, hiệu quả và hợp lý, giảm thiểu các khiếu kiện, khiếu nại và thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án. Từ hiệu quả của mô hình tôi thấy cần nhân rộng trên địa bàn toàn huyện và có thể áp dụng rộng rãi ở tất cả các lĩnh vực: dịch vụ hành chính công, thu hồi và đền bù đất đai, thực thi pháp luật…”.
Để mô hình đồng thuận phát huy hiệu quả, theo ông Huỳnh Ngọc Nam, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Kim Hóa, cần lựa chọn nhóm nòng cốt, ban giám sát là những người có uy tín, có năng lực hiểu biết và tinh thần trách nhiệm cao; luôn đổi mới phương thức vận động, vận động bằng nhiều hình thức như tổ chức họp dân, biểu dương khen thưởng những hộ đi đầu trong việc đóng góp xây dựng, nhắc nhở, trao đổi, thuyết phục những đối tượng thiếu tinh thần trách nhiệm xây dựng nông thôn mới.
Theo GS.TSKH.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, mô hình ban giám sát cộng đồng chính là để hiện thực hóa mục tiêu dân biết, dân kiểm tra. “Quá trình giám sát của người dân gắn với công khai minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình tạo hiệu quả cao về đồng thuận xã hội, xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật và phòng chống tham nhũng”, ông Võ nói.
Cũng theo ông Võ, lần đầu tiên trong Luật Đất đai 2013 có quy định về quyền giám sát trực tiếp của người dân tại Điều 199: Công dân có quyền tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai. Việc giám sát và phản ánh phải đảm bảo khách quan, trung thực, đúng pháp luật; không được lợi dụng quyền giám sát để khiếu nại, tố cáo không đúng quy định của pháp luật. “Nếu thực hiện tốt quyền giám sát của người dân sẽ góp phần tạo sự ổn định xã hội; phòng chống tham nhũng; tạo sự công bằng trong quản lý đất đai; nâng cao hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ được quyền và lợi ích của nhóm yếu thế”, ông Võ khẳng định.
Theo: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã