Trong quá trình XDNTM, lãnh đạo xã Kim Sơn rất coi trọng công tác xóa đói giảm nghèo. Bởi ngoài việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng thì việc giúp các hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả cũng là một trọng tâm để thay đổi diện mạo nông thôn. Theo đó, xã đã huy động các chương trình, dự án như 134, 167, huy động sự tham gia của cộng đồng để giúp người nghèo có chỗ ở ổn định, yên tâm lao động sản xuất. Từ năm 2004 đến nay, toàn xã có 790 hộ được hỗ trợ nhà ở, giúp Kim Sơn xóa được nhà tạm bợ, dột nát. Thực hiện Quyết định 74/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2009 đến nay, toàn xã có 607 hộ được hưởng lợi, trong đó giải quyết việc làm cho 601 hộ, 6 hộ được hỗ trợ đất ở…
Tuy đời sống của đại bộ phận bà con Khmer đã được cải thiện nhưng thực tiễn đòi hỏi các ngành các cấp phải nỗ lực nhiều hơn nữa để bà con Khmer vươn lên. Trao đổi với chúng tôi, ông Kim Ngọc Minh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Hiện, thu nhập bình quân của xã đạt khoảng 8,6 triệu đồng/người /năm, tuy vẫn còn thấp nhưng đã cao hơn trước rất nhiều. Mấy năm gần đây, ngoài làm ruộng bàcon còn tích cực trồng mía, nuôi cá. Từ đó, nhiều người đã thoát nghèo, vươn lên khá - giàu".
Ba năm gần đây, Kim Sơn triển khai thí điểm thành công mô hình sản xuất giống mía chất lượng cao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật giúp năng suất mía tăng từ 100 tấn/ha lên 150 tấn/ha.
Không những thế, xã còn đẩy mạnh phong trào tương trợ, giúp đỡ nhau trong nhân dân với hình thức vận động hộ nhiều đất cho hộ không có đất mượn để sản xuất. Tiêu biểu trong phong trào này phải kể đến các hộ như bà Kim Thị Sâm Bô ở ấp Bảy Xào Giữa, ông Kim Tiếng ở ấp Trà Cú A, ông Thạch Sol ở ấp Bảy Xào A…
Trò chuyện với chúng tôi, anh Kim Chung ở ấp Bảy Xào Dơi B phấn khởi cho biết: "Đảng và Nhà nước lo cho đồng bào Khmer nhiều lắm, nhờ đó bà con có cái ăn, cái mặc, biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, còn xây nhà cho người nghèo đang bức xúc về nơi ở, hỗ trợ vốn vay… rồi đây cuộc sống của bà con nơi đây sẽ được cải thiện".
Ông Nhan Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn cho biết: Toàn xã có 182 hộ mua bán nhỏ, sửa chữa, 2 cơ sở may giày da, 1 hợp tác xã thu mua mía, 16 tổ hợp tác, 97 mô hình kinh tế hộ làm ăn có hiệu quả cao, đã chuyển đổi được 135ha đất kém hiệu quả sang nuôi trồng các lại cây - con có hiệu quả kinh tế cao. "Hiện, tỷ lệ hộ giàu, khá và trung bình của xã chiếm gần 67%; tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố đạt trên 86%; hộ sử dụng điện và nước hợp vệ sinh chiếm trên 94%. Có 9/9 ấp được công nhận ấp văn hoá; 8/10 cơ quan, trường học, trạm y tế, cơ sở tôn giáo đạt văn minh; gần 97% số hộ được công nhận đạt danh hiệu gia đình văn hoá", ông Bình nói.
Tuy vậy, cái khó lớn nhất hiện nay là tỷ lệ hộ nghèo ở Kim Sơn vẫn còn cao, hơn 29%, đây là trở ngại lớn trong quá trình XDNTM. Theo đó, công tác giảm nghèo bền vững được địa phương đặc biệt quan tâm; từng thành viên trong Ban chỉ đạo XDNTM được phân công cụ thể, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo công tác xoá nghèo ở các ấp. Các tổ chức đoàn thể xây dựng kế hoạch xoá nghèo phù hợp cho từng đối tượng. Công tác tuyên truyền, giáo dục được quan tâm, coi đây là biện pháp hàng đầu để các đối tượng thuộc diện hộ nghèo nêu cao ý thức tự lực vươn lên ổn định cuộc sống; không trông chờ, ỷ lại Nhà nước… Xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4 - 5 %/năm trở lên.
Phương Nghi
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã