Diện mạo nông thôn mới ở Thụy Vân. Ảnh: Phương Thanh |
Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 3379QĐ/UBND ngày 26-12-2013 công nhận xã Thụy Vân (thành phố Việt Trì) đạt danh hiệu: Xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2013. Đây là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn quốc gia 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Đó là niềm vui, niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ và nhân dân Thụy Vân. |
Ở giai đoạn này trước tiên Đảng bộ và nhân dân Thụy Vân phải thực hiện tiêu chí 1 về xây dựng quy hoạch tổng thể. Vì vậy, xã Thụy Vân đã hợp đồng với Công ty TNHH Minh Chí lên khảo sát, lấy ý kiến đóng góp của các ban ngành đoàn thể của xã và lãnh đạo các khu dân cư để xây dựng được 1 quy hoạch tổng thể về mô hình nông thôn mới ở Thụy Vân. Từ quy hoạch đó, năm 2011 xã Thụy Vân thực hiện mô hình cơ giới hóa nông nghiệp giảm tổn thất sau thu hoạch; đầu tư xây dựng 3/9 tuyến giao thông nội đồng có tổng chiều dài 1.205m. Đầu tư xây dựng lớp học 2 tầng trường mầm non phân hiệu Cẩm Đội. Năm 2012 thực hiện mô hình sản xuất giống lúa Japonica DS1 và mô hình cải tạo nâng cấp hệ thống bờ vùng bờ bao. Đầu tư xây dựng 4/9 tuyến giao thông nội đồng có chiều dài 3.691m, xây dựng 2 tuyến kênh tiêu nội đồng chiều dài 2.215m. Xây dựng nghĩa trang 4 thôn giai đoạn 2 rộng 4,5ha. Nâng cấp đường giao thông liên 4 thôn dài gần 2km dải nhựa áp phan trên nền bê tông cứng. Năm 2013 thực hiện 3 dự án hỗ trợ sản xuất gồm: Dự án sản xuất giống lúa TBR45 Thái Bình, dự án mở rộng hệ thống tưới tiêu và bảo vệ thực vật và dự án dịch vụ vận chuyển thu gom rác thải sinh hoạt của HTX nông nghiệp điện năng Thụy Vân. Việc thực hiện tốt các dự án trong 3 năm từ 2011-2013 đã góp phần quyết định để Thụy Vân hoàn thành 6 tiêu chí còn lại. Tiêu chí 1 về quy hoạch, đã được UBND thành phố Việt Trì có Quyết định số 1193QĐ/UBND ngày 14-12-2011 chính thức phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở xã Thụy Vân giai đoạn 2011-2020. Tiêu chí 2 về giao thông, 4,5km đường liên xã, liên thôn đã được bê tông hóa và nhựa hóa đạt 100%. Đường trục thôn xóm có tổng chiều dài 22,8km đã bê tông hóa được 20,41km đạt tỷ lệ 89,53%. Đường ngõ xóm sạch cứng, không lầy lội vào mùa mưa, bê tông hóa được gần 70%. 7/9 tuyến giao thông nội đồng được cứng hóa xe cơ giới đi lại thuận tiện, với tổng chiều dài 4,896/6,375km đạt tỷ lệ 76,8%. Tiêu chí 3 về thủy lợi, toàn bộ hệ thống kênh mương tưới tiêu của xã có chiều dài 16km đã xây kênh cứng được 11,45km đạt tỷ lệ 71,65%. Tiêu chí 5 về trường học có 4/4 trường trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia. Tiêu chí 11 về hộ nghèo, do sản xuất phát triển, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, nên tỷ lệ hộ nghèo giảm dần. Hiện nay toàn xã có 106/3.518 hộ nghèo theo tiêu chí mới, đạt tỷ lệ 3,06%. Tiêu chí 17 về môi trường: Tỷ lệ hộ dùng nước sạch 3.518/3.518 hộ đạt 100%. Rác thải sinh hoạt ở 7 khu dân cư đều có tổ thu gom rác, HTX nông nghiệp làm nhiệm vụ vận chuyển đảm bảo đường làng ngõ xóm sạch sẽ. Nghĩa trang liệt sĩ được tu bổ và nâng cấp, nghĩa trang nhân dân được mở rộng, đảm bảo vệ sinh. Với 6 tiêu chí vừa mới đạt được trong 3 năm cùng 13 tiêu chí đạt được ở giai đoạn 1, đã đưa Thụy Vân là đơn vị xã đầu tiên của tỉnh đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Từ những việc làm và kết quả đạt được của Đảng bộ và nhân dân xã Thụy Vân trong việc xây dựng nông thôn mới, chúng ta có thể rút ra những kinh nghiệm thực tế và những bài học:
Một là: Công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền vận động phải đi trước một bước để mọi người dân thấy được việc xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của chính họ phải làm và cũng chính họ được hưởng lợi từ những thành quả đó. Công tác tư tưởng, tuyên truyền vận động phải làm từ trong tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội đến quảng đại quần chúng nhân dân để tạo sự thống nhất về tư tưởng làm cơ sở để hành động thống nhất, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi và rộng khắp trên địa bàn toàn xã.
Thấy được tầm quan trọng của công tác này, ngay từ đầu, xã Thụy Vân đã tập trung tuyên truyền vận động qua 31 hội nghị với 7.038 người tham gia, trong đó có 2 hội nghị quan trọng có tính quyết định đó là hội nghị toàn đảng bộ và hội nghị cán bộ mở rộng toàn xã, còn lại 29 hội nghị ở các ngành đoàn thể và ở 7 khu dân cư. Xã còn đẩy mạnh tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng và kẻ vẽ được 47 khẩu hiệu, băng zôn ở trung tâm xã và nhà văn hóa các khu vực. Với việc làm tốt công tác tuyên truyền đã tạo được sự đồng thuận và nhất trí ngày càng cao trong Đảng bộ và nhân dân. Đó là một trong những động lực để Thụy Vân hoàn thành các tiêu chí còn lại.
Hai là: Về công tác lãnh đạo, tổ chức để nhân dân làm. Việc này phải được đặc biệt chú ý để cả hệ thống chính trị đều được vận hành dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã. Xây dựng nông thôn mới, mục đích cuối cùng là đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân, vì vậy khi lãnh đạo và tổ chức thực hiện phải làm sao để chính nhân dân trong xã tự giác tham gia, góp công góp của xây dựng các công trình của địa phương. Dự án nâng cấp bờ vùng bờ bao tổng kinh phí hơn 509 triệu đồng. Trong đó nhân dân đóng góp hơn 259 triệu. Dự án nâng cấp hệ thống tưới tiêu, tổng kinh phí 112,6 triệu, trong đó vốn của HTX và xã viên là 42,6 triệu. Dự án thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt, vốn của xã viên đóng góp 40 triệu trên tổng số 80 triệu. Dự án sản xuất giống lúa DS1 tổng kinh phí hơn 407 triệu thì nhân dân đóng góp 322 triệu. Để làm giao thông nội đồng tuyến Ao Đáng – Bờ Quan nhân dân Thụy Vân đã ủng hộ 2.000m2 đất và gần 200 ngàn công, doanh nghiệp L&C ủng hộ gần 200 triệu để đền bù cho các hộ dân mất nhiều đất ruộng. Nhân dân tự đóng góp 100% kinh phí để làm hệ thống điện chiếu sáng đường làng ở các khu vực xóm Nội, xóm Ngoại, Phú Thịnh, Nỗ Lực, Phú Hậu... Từ thực tế ở Thụy Vân cho thấy ở đâu nếu biết dựa vào dân, tổ chức huy động sức mạnh từ nhân dân, thì ở đó dù công việc có “khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Bài học quý giá về việc dựa vào dân, tổ chức để dân làm, khai thác sức mạnh từ nhân dân thì việc gì dù khó đến mấy cũng thành công.
Ba là: Thụy Vân đã tranh thủ khai thác hiệu quả mọi nguồn lực tài chính trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Để đạt cả 19 tiêu chí đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn hàng trăm tỷ đồng.
Tính riêng giai đoạn từ 2011-2013, Thụy Vân phải dùng số kinh phí 48.041 triệu đồng. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, Thụy Vân đã biết tranh thủ sự hỗ trợ tài chính từ nguồn ngân sách tỉnh 8.720 triệu, ngân sách thành phố Việt Trì 8.396 triệu và nguồn vận động từ sự đóng góp của nhân dân là 1.968 triệu còn lại 28.957 triệu là ngân sách xã. Rõ ràng ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước cấp huyện, tỉnh và sự đóng góp của nhân dân, mặt khác chủ yếu và quan trọng nhất nguồn kinh phí là xã phải lo, đòi hỏi cán bộ chủ chốt ở xã phải đoàn kết, năng động sáng tạo, dám quyết, dám chịu trách nhiệm, tận dụng mọi nguồn thu vào ngân sách xã, như thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất ở, từ những hợp đồng cho thuê ruộng đất dài hạn, từ việc cấp đất ở cho dân rồi vận động họ ủng hộ, từ việc tận thu các khoản thuế trên địa bàn, ký nợ vốn các doanh nghiệp là con em địa phương để họ ứng trước vốn xây dựng các công trình cho xã. Kinh nghiệm thực tế ở Thụy Vân cho thấy, nguồn kinh phí để xây dựng NTM là rất lớn, nếu chúng ta biết cách tranh thủ các nguồn vốn từ bên ngoài và tập trung khai thác mọi nguồn vốn vào ngân sách xã, đặc biệt là làm tốt việc “đổi đất lấy hạ tầng” thì chắc chắn nguồn kinh phí dù khó đến đâu cũng sẽ được giải quyết.
Thành công từ phong trào xây dựng NTM ở xã Thụy Vân đã và đang khẳng định nỗ lực của nhân dân địa phương nói riêng; sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành nói chung. Qua đó, các địa phương trong tỉnh có thể tham khảo và áp dụng để ngày càng có thêm nhiều xã trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới.
Th.s Vũ Đình Khuyên
Nguồn: baophutho.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã