Người dân bản Hồ Sì Pán 2 tham gia ngày công xây dựng đường sá. ảnh: Khánh Kiên
Có đường là có tiền!
Con đường NTM ở bản Hồ Sì Pán 2 (xã Pu Sam Cáp, Sìn Hồ) chưa đẹp và phẳng lỳ như đường nhựa ở dưới xuôi, nhưng nhờ có con đường này mà người dân địa phương đi lại thuận tiện 4 mùa, cuộc sống của bà con từ đó cũng có nhiều đổi mới. Gặp chúng tôi, ông Thào A Nhè - Trưởng bản phấn khởi nói: “Bà con trong bản mừng lắm vì được đi lại trên con đường bê tông mới, vừa vững chãi, vừa sạch đẹp. Đó là nhờ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào nơi đây. Con đường không chỉ đem đến niềm vui vì bản có điều kiện sống mới, mà niềm vui còn đến từ những bao ngô, thóc được chở đi bán thuận tiện, nhanh chóng”.
Bản Hồ Sì Pán 2 nằm ở lưng chừng núi Pu Sam Cáp (dịch ra nghĩa là ngọn núi cao). Trước đây, đường vào bản vừa dốc, hẹp lại vừa lắm đá tảng, đá hòn chắn lối. Ngày thường, nhiều đoạn người dân phải dắt xe, đi bộ. Ngày mưa đi lại cực khổ không sao kể xiết vì trên đường có những khe, rãnh vừa sâu vừa hẹp lại quanh co khúc khuỷu.
Để có được con đường này, có thể nói là cả một kỳ tích của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng người dân địa phương. Ông Lưu Đình Hồng – Bí thư Đảng ủy xã Pu Sam Cáp kể lại: “Trước kia không chỉ bà con ở bản Hồ Sì Pán 2, mà nhiều người chưa hiểu được bản chất của việc xây dựng NTM nên trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Bởi vậy, khái niệm hiến đất, góp công, ủng hộ vật liệu… hoàn toàn xa lạ với bà con”. Để bà con hiểu rõ hơn về chương trình, xã đã có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động như đưa bà con đến thăm mô hình xây dựng NTM ở các địa phương khác; phát huy vai trò, uy tín của già làng, trưởng bản để vận động thuyết phục bà con tự giác tham gia.
Từ đó, nhiều hộ đã sẵn sàng hiến những phần đất vốn đã ít ỏi của gia đình mình cho con đường nội bản thông thoáng, ít bị cua dốc. Đường làm đến đất, đến vườn nhà ai thì nhà ấy tự giải phóng mặt bằng. Mỗi hộ gia đình góp ít nhất một lao động để cùng làm đường.
Tính ra, con đường bê tông rộng trung bình 2m, dày 14cm và dài gần 750m, có tổng đầu tư gần 400 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ vật liệu với trị giá hơn 300 triệu đồng, còn lại là công sức đóng góp của bà con, quy ra tiền lên đến hơn 93 triệu đồng.
Mặc dù hiện nay, xã Pu Sam Cáp mới đạt 8/19 tiêu chí xây dựng NTM, song đây là kết quả rất đáng phấn khởi bởi so với nhiều địa phương khác, Pu Sam Cáp có tỷ lệ hộ đói nghèo cao, mặt bằng dân trí còn nhiều hạn chế, các bản ở xa nhau, nhiều bản biệt lập, kết cấu hạ tầng còn rất thấp kém… Những bước đi của Pu Sam Cáp trong xây dựng NTM tuy chậm nhưng chắc chắn và điều quan trọng là đến nay đã có thêm nhiều con đường bê tông nội bản khác được xây dựng như bản Hồ Sì Pán 1, Nậm Béo …
Ông Lưu Đình Hồng – Bí thư Đảng ủy xã Pu Sam Cáp cho biết, ngoài giao thông, các lĩnh vực văn hóa, xã hội của Pu Sam Cáp cũng có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ học sinh lớp luôn đạt gần 100%, riêng năm học 2015 – 2016, tỷ lệ học sinh chuyển cấp ở cả 3 cấp học đạt trên 97%. Các hủ tục lạc hậu dần được đẩy lùi, tình hình an ninh nông thôn được đảm bảo; tỷ lệ hộ đói nghèo giảm từ xuống còn 40,6% (giảm 22,6% so với năm 2011)…
Có thu nhập ổn định, người dân huyện Sìn Hồ đã mạnh dạn đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Ảnh: Báo Nhân dân
Huyện vùng cao ghi điểm với diện mạo mới
Nét nổi bật trong xây dựng NTM của huyện là đẩy mạnh phát triển kinh tế, làm tiền đề thực hiện các tiêu chí khác. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người đạt 14,5 triệu đồng/năm, huyện đã có 10/21 xã đạt tiêu chí thu nhập”.
|
Được biết, trong giai đoạn 2012-2015, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của Chính phủ, Sìn Hồ đã được đầu tư, hỗ trợ hơn 294,2 tỷ đồng. Trong 5 năm, huyện đã triển khai đầu tư 130 dự án xây dựng cơ bản với tổng kinh phí thực hiện 240,490 tỷ đồng. Với phương châm “cho cần câu, không cho cá”, huyện Sìn Hồ cũng đã tận dụng nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ để hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, máy móc thiết bị sản xuất cho bà con nông dân. Vì vậy, đã có 82.848 hộ nghèo được hỗ trợ phương tiện sản xuất với tổng số tiền lên tới 53,7 tỷ đồng, góp phần quan trọng để người nông dân canh tác trên ruộng đồng.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng được xác định là nền tảng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng NTM nên huyện đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực. Ví dụ như 2 công ty cao su đứng chân trên địa bàn đã ủng hộ 663 triệu đồng; Tổng Công ty Sông Đà hỗ trợ 500 tấn xi măng.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Sìn Hồ phát triển nhanh, nhất là giao thông nông thôn. Từ 2012 - 2015 người dân trong huyện đã tình nguyện hiến 130.739m2 đất, đóng góp trên 18 tỷ đồng, tham gia gần 120.000 ngày công lao động để làm đường; nhựa hóa và bê tông hóa được 210,1km tuyến đường trục xã, liên xã. Từ năm 2015, 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được các mùa; 68,7% số bản có đường xe máy đi lại thuận lợi. /.
Theo: Khánh Liên - Mạnh Hùng/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã