Các doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến tôm xuất khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu thường tăng mạnh dịp cuối năm |
Ông Lê Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Thủy sản Trung Sơn (Trung Son Corp) cho biết, nhờ khép kín được chuỗi giá trị từ khâu sản xuất con giống, nuôi trồng và chế biến xuất khẩu nên đơn vị luôn chủ động được tôm nguyên liệu phục vụ chế biến. Khu nuôi tôm nguyên liệu của Trung Sơn tại Kiên Giang vừa qua đã đạt được chứng nhận ASC (Aquaculture Stewardship Council - Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản). ASC là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm.
“Chứng nhận ASC giúp công ty đáp ứng được nhu cầu ngày một tăng của khách hàng với các sản phẩm sạch và bền vững. Đây cũng là xu hướng mới ở tất cả các thị trường trên thế giới. Trung Sơn coi chứng nhận này là một bước tiến quan trọng trong định hướng chiến lược phát triển bền vững, lâu dài của mình”, ông Tâm cho biết.
Về thị trường, ông Tâm cho biết, Trung Sơn đang tập trung cho 2 thị trường truyền thống và chủ lực của đơn vị là Nhật Bản và các nước Châu Âu (EU). Mặt hàng xuất khẩu chính của đơn vị hiện nay là tôm Sushi và tôm Sashimi, đang được khách hàng rất ưa chuộng, nhu cầu lớn. “Những tháng cuối năm, chúng tôi thường đẩy mạnh chế biến nhằm đáp ứng đơn hàng của đối tác, để phục nhu cầu tăng mạnh dịp lễ Noel và Tết Dương lịch sắp tới”, ông Tâm chia sẻ.
Ông Lưu Văn Quốc, Phó Giám đốc Sở Công thương Cà Mau cho biết: Cà Mau là tỉnh đứng đầu cả nước về xuất khẩu tôm. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh đạt khoảng 1 tỷ USD, chiếm hơn 30% giá trị xuất khẩu mặt hàng tôm của cả nước. Hiện nay, giá trị xuất khẩu tôm của tỉnh cũng đã đạt hơn 400 triệu USD, đạt khoảng 40% kế hoạch.
Theo đánh giá Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau (CASEP) năm nay tình hình xuất khẩu tại hai thị trường lớn là Mỹ, Úc tiếp tục gặp khó do các rào cản thương mại. Tuy nhiên, xét trên tổng thể tình hình xuất khẩu cơ bản khả quan hơn năm 2016.
Đường đi của con tôm sang thị trường EU đang được các doanh nghiệp tỉnh này đánh giá cao nhất. Thống kê của CASEP cho thấy, giá trị xuất khẩu tôm sang EU tăng gần 20% so với cùng kỳ. Đây là thị trường quan trọng của con tôm Cà Mau. Những năm gần đây, thị trường EU luôn ổn định và tăng trưởng. Đặc biệt, các mặt hàng giá trị gia tăng rất được các nước trong khối này ưa chuộng.
Bên cạnh thị trường EU thì thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đang có bước tiến mới cho con tôm Cà Mau. Các thị trường này đều có giá trị xuất khẩu tăng bình quân từ 10 - 15% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trái ngược với thị trường EU, sản phẩm tôm xuất sang các thị trường này chủ yếu là sản phẩm tươi nên giá trị xuất khẩu mang lại không cao như các mặt hàng giá trị gia tăng.
+ Ông Nguyễn Minh Hồng, Cty CP Thủy sản Cà Mau: Xuất khẩu cuối năm sẽ khả quan
Tình hình xuất khẩu năm nay nói là thuận lợi thì chưa hẳn. Một số thị trường đang siết lại rất chặt, hàng hiện nay muốn đi vào Úc là cả một vấn đề. Tuy nhiên, một số thị trường lại có hướng mở hơn, tín hiệu vui đến từ một số nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... Đặc biệt, vào cuối năm khi Giáng sinh đến cùng thời điểm đó các nước châu Âu ăn tết thị trường xuất khẩu tôm sẽ nóng lên. Mà hút hàng nhất là trong quý III, các doanh nghiệp khối EU sẽ chuẩn bị hàng để cung ứng cho nhu cầu tăng đột biến dịp này nên thị trường thời gian tới chắc chắn sẽ khả quan. + Ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bạc Liêu: Đừng để mất hình ảnh tôm Việt
Tôi được biết, so với một số nước xuất khẩu tôm trong khu vực và ngay cả trên thế giới, con tôm Việt Nam được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây từ vấn đề tôm tạp chất đến tôm nhiễm kháng sinh đã phần nào ảnh hưởng đến con tôm của chúng ta. Cội nguồn của vấn đề này từ đâu, nếu không có doanh nghiệp hám lợi thu mua các loại tôm này thì không bao giờ tồn tại thực trạng đáng buồn trên. Cơ quan chức năng vẫn thường xuyên kiểm tra, giám sát nhưng không tài nào hết được. Để khắc phục tận gốc rễ của vấn đề, chúng ta cần ý thức của các doanh nghiệp trong vấn đề sử dụng, tiêu thụ tôm nguyên liệu. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã