Cảm nhận ngày trở lại
Không có sự tình cờ nào ý nghĩa mà thú vị hơn sự tình cờ này.
Không có sự tình cờ nào đem niềm xúc động như sự tình cờ này.
Một sự tình cờ còn lớn hơn cả lòng mong muốn.
Đầu năm 2017, tôi trở lại Bình Liêu (Quảng Ninh). Trở lại đúng nơi cách đây 31 năm, tôi đã giã biệt sau ngót nghét 10 năm gắn bó.
Thác Khe Vằn là địa điểm tắm mát lý tưởng ở Bình Liêu, từng là nơi trai gái Sán Chỉ hẹn hò, hát đối Soóng Cọ. Ảnh: T.L
Hơn ba mươi năm quả tình là quãng thời gian quá dài để cho ngày về lại. Thời gian ấy đủ để cho người ta quên đi chuyện xưa kham khó. Thời gian ấy đủ để cho người ta gây dựng cho mình một nền tảng bền vững. |
Dạo tôi còn đóng quân ở Bình Liêu, mỗi lần về phép hay trả phép thực sự là mỗi lần “sóng gió”. Tờ mờ sáng, tiếng chuông báo thức đã lôi dậy để chạy ra bến Nứa. Rồi xếp hàng, chen lấn, rồi vươn tay mà gào khản giọng mới mua được chiếc vé. Lên được xe đã là chuyện khó khăn, còn đi được đến nơi đến chốn cũng muôn vàn vất vả. Xe ỳ ạch chạy suốt từ Hà Nội lúc 5 giờ 30 sáng mà phải tới tầm 3 giờ chiều mới tới Hòn Gai. Tranh thủ rẽ vào chợ ăn qua loa để còn kịp tới nhà trọ lấy chỗ nghỉ qua quýt, và rồi nửa đêm (hoặc sáng sớm tùy theo con nước thủy triều) lại bật dậy, đeo ba lô dảo vội ra bến tàu thủy. Lên tàu, kiếm một chỗ khuất, gà gật chừng 8 tiếng nữa mới tới cảng Mũi Chùa, đón xe về thị trấn Tiên Yên cách đó 10km. Lại ngủ lại một đêm trong nhà trọ ở Tiên Yên. Lại nháo nhào tìm mối mua vé xe chợ đen. Sáng hôm sau mới có một chuyến xe khách lên Bình Liêu. Vất vả và mệt mỏi. Gần trưa xe mới tới thị trấn Bình Liêu. Xuống xe, lại ba lô trên lưng, đi bộ chừng 15km mới tới đơn vị
Ở đoạn cuối thị trấn Tiên Yên xe rẽ theo đường 18C. Qua Yên Than, Phong Dụ (hai xã của huyện Tiên Yên) lướt một vòng cua nhẹ là tới xã Vô Ngại, nghĩa là đã “chạm” đất Bình Liêu, tôi cứ ngỡ tim mình đang bật lên vô vàn tiếng trống. Ký ức hiện về như một cuốn phim đang được quay chậm lại. Dòng hồi tưởng cứ thôi thúc khiến sống mũi tôi chợt thấy cay cay. Đường 18C nối thị trấn Tiên Yên với Cửa khẩu Hoành Mô kể từ khi được nâng cấp năm 2013 đã thực sự làm thay đổi diện mạo vùng núi biên cương này một cách cơ bản.
Còn nhớ, hè năm 1976, Sư đoàn 325B của chúng tôi sau khi đã bàn giao các trung đoàn 566, 567 và 568 trong phiên chế của mình đã được lệnh chuyển cơ quan Sư bộ từ căn cứ Đồi Ngô (huyện Lục Nam, tỉnh Hà Bắc cũ) để hành quân lên đông bắc. Sư đoàn tiếp nhận trung đoàn 8 đang mở đường ở huyện Ba Chẽ và trung đoàn 43 đang đắp đê lấn biển ở huyện Hải Ninh (TP.Móng Cái bây giờ) và thành lập mới trung đoàn 41. Trung đoàn mới đứng chân ở Bình Liêu, huyện biên giới trước đó chưa có bộ đội chủ lực, với nhiệm vụ mở đường biên giới và kết hợp trồng rừng. Nhưng 2 năm sau thôi, các trung đoàn của sư đoàn 325B đều chuyển hoạt động làm kinh tế sang huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và xây dựng tuyến phòng thủ tại chỗ.
Chợ trung tâm huyện Bình Liêu. Ảnh: N.T.V
Tôi đứng giữa phố loay hoay tìm vị trí để chụp ảnh núi Cao Xiêm, ngọn núi cao 1.429m này được ví như là “nóc nhà” của Quảng Ninh. Dưới nắng chiều từ phía tây rọi tới, đỉnh Cao Xiêm nhìn nổi bật trên nền trời xanh ngát, tựa như một bức tường thành che chở cho thị trấn tuổi bốn mươi. Vẻ hùng vĩ ấy mãi tới hôm nay tôi mới cảm nhận được.
Tôi cúi đầu ngẫm nghĩ. Hơn 30 năm quả tình là quãng thời gian quá dài để cho ngày về lại. Thời gian ấy đủ để cho người ta quên đi chuyện xưa kham khó. Thời gian ấy đủ để cho người ta gây dựng cho mình một nền tảng bền vững. Với sự đầu tư theo một tư duy biện chứng là “Hạ tầng đi trước, phát triển theo sau” nên huyện Bình Liêu hiện nay đúng là có một hệ thống giao thông “như trong mơ”. Tỉnh lộ 341 dài 80km, chạy dọc đường biên giới nối cửa khẩu Hoành Mô với TP.Móng Cái, đã chính thức được mang tên đường 18C và nó kéo dài quốc lộ này lên tới hơn 121km, giúp huyện miền núi Bình Liêu “vươn” tới trung tâm kinh tế cửa khẩu lớn vào loại nhất nhì nước ta thuận tiện hơn và cũng nhanh hơn.
Những người đã gặp
Người Bình Liêu đầu tiên mà chúng tôi tiếp xúc là Chu Xuân Cường, 23 tuổi. Cậu thanh niên người dân tộc Tày này mới tốt nghiệp trường trung cấp y của tỉnh nhưng chưa xin được việc làm.
Chuyện chúng tôi “có” được Cường cũng đơn giản. Số là theo chương trình được vạch sẵn ở nhà thì lên tới Bình Liêu chúng tôi được bố trí nghỉ ở một homestay. Từ đấy sẽ đi thăm thú những điểm du lịch trong huyện do người của homestay đó hướng dẫn. Tuy nhiên, khi được đưa tới “homestay” thì cả đoàn ngao ngán. Đó là một căn nhà 4 tầng sừng sững ngay giữa thị trấn. Thất vọng tràn trề vì cứ nghĩ sẽ ở nhà của bà con, ngủ sàn và đốt lửa giữa sân vui chơi cùng những chàng trai cô gái người Tày, người Dao.
Không như kỳ vọng, chúng tôi đành “kéo bầu đoàn” tới khách sạn Bình Sơn thuê nghỉ. Cuối chiều chúng tôi được Chu Xuân Cường dẫn vào tham quan và dự định tổ chức bữa ăn chiều ở ngoài thiên nhiên ngay chân thác Khe Vằn. Thác thuộc địa bàn xã Húc Động và cách thị trấn 15km nhưng đường đi rất thuận. Ngay tại thác cũng có một con đường bê tông cho xe máy chạy vắt ngang qua.
Đó là một thác nước tự nhiên và khá đẹp. Hoàng hôn buông xuống rất nhanh. Ráng chiều tà soi mặt nước suối Khe Vằn lấp lánh ánh vàng. Bấy giờ người Bình Liêu thứ hai mới lộ diện - A Chóng. Cậu thanh niên dáng cao gày từ đâu xuất hiện, cậu nhanh nhẹn đẩy chiếc xe bàn nướng thịt to như một chiếc bàn làm việc xuống kê giữa bãi đá. Cậu cười chào mọi người xong thì mồm với tay cùng thoăn thoắt. Xem ra cậu thanh niên người Tày này khá thành thạo công việc. Bằng chứng là ngay sau đó, những gì có cho một bữa tiệc chuyên nướng dành cho mấy chục người ăn đã bầy biện xong.
Trời tối dần. Mùi thịt nướng làm ấm lòng trong khi khí lạnh đang toát ra từ trong núi. Ánh lửa trại cũng bắt đầu nổ lốp bốp rồi bốc lên nhảy nhót từ một chiếc chậu tôn khá to. Thì ra A Chóng rất tuân thủ quy định của bản. Đốt lửa trại phải đảm bảo không để sức nóng của lửa làm nứt đá, làm sạm đen đá. Một sự tôn trọng và đảm bảo giữ nguyên giá trị tự nhiên đã được những người “làm du lịch” tự phát ở đây ghi nhớ.
Rất tình cờ, người Bình Liêu thứ ba mà chúng tôi tiếp xúc lại là một sĩ quan biên phòng. Sáng ngày hôm sau chúng tôi lên đường biên. Ngay chân đỉnh núi có độ cao 800m ở bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn, nơi đặt cột mốc chung 1327 giữa khung trời bát ngát, chúng tôi gặp thượng úy Lý Thái Giang. Chàng sĩ quan sinh năm 1979 này có tác phong vồn vã.
Thực ra Giang không phải là người Bình Liêu, nhà anh ở thành phố Hạ Long nhưng vẻ như “chàng biên phòng” này còn hiểu Bình Liêu nhiều đến nỗi ngay cả người gốc Bình Liêu cũng “chào thua”. Thượng úy Giang đang cùng người bạn đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới trong ca trực, thấy chiếc xe chở đoàn chúng tôi dừng lại hỏi đường lên cột mốc thì tới “làm việc”. Thượng úy Giang gọi điện báo cáo cấp trên và được chỉ định “làm hướng dẫn viên du lịch”. Thực ra Giang có nhiệm vụ mới là đưa chúng tôi lên tham quan cột mốc quốc gia, nhưng quan trọng hơn là hướng dẫn chúng tôi tuân thủ những quy định về việc đi lại nơi biên giới. Đảm bảo chủ quyền của ta và tôn trọng chủ quyền của bạn...
Trời đất quả là rất chiều lòng người. Nắng nhẹ, trời xanh đến sững sờ. Tôi quay nhìn về phía Tổ quốc. Đẹp đến vô ngần. Và kia, núi Cao Ba Lanh uy nghi một tấm lá chắn sừng sững biên cương. Tiếng ký ức chiến trận ùa về náo nức. Tôi chợt liên tưởng đến cuộc chiến đấu năm nào và những người sinh ra vào thời điểm đó bây giờ đang đêm ngày canh giữ biên cương.
Theo: Bút ký của Nguyễn Trọng Văn/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã