Học tập đạo đức HCM

Lâm Đồng: Nhân rộng mô hình nông thôn mới

Thứ tư - 05/02/2014 21:24
Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Lâm Đồng, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được tỉnh xác định là một trong những chương trình trọng tâm. Từ xã điểm Tân Hội, đến nay 114 xã của tỉnh đều triển khai xây dựng NTM. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2015 sẽ có 41 xã và 1 huyện đạt tiêu chí NTM. Từ chương trình này, diện mạo nông thôn đang từng ngày khởi sắc, đời sống của người dân nơi đây được cải thiện rõ rệt.

 

        Xã điểm Tân Hội...

Trở lại xã Tân Hội (huyện Đức Trọng) lần này, chúng tôi nhận thấy những công trình xây dựng từ chương trình NTM đang dần gọn gàng. Sân vận động, nhà văn hóa, trường học khang trang. Đường vào các thôn được trải bê tông, nhà cửa xây cất cao ráo, hai bên đường vẫn giữ được màu xanh của những hàng rào găng, dâm bụt rất thôn quê.

Căn nhà cấp 4 của gia đình anh Hồ Thanh Bảo, Bí thư chi bộ thôn Tân An đơn sơ nhưng thoáng mát. Anh Bảo cho biết: “Thôn có 234 hộ gốc Quảng Ngãi, vào đây những năm 1980. Ngày trước, bà con khó khăn lắm, nhà cửa tạm bợ, lại thêm thói quen làm chuồng trại trâu bò ngay trước nhà, nhếch nhác và mất vệ sinh. Nay khác rồi, chuồng trại đã chuyển hết ra phía sau, xa nhà; đường làng ngõ xóm trải xi măng sạch sẽ”.

Đến thôn Tân Trung, anh Võ Thái Hiệp, một nông dân khá “nổi” về trồng rau công nghệ cao (CNC) đưa chúng tôi đi thăm vườn ớt ngọt sau nhà. Đất này trước đây trồng cà phê, mỗi năm thu vài chục triệu đồng, nhưng khi được nhà nước hỗ trợ vốn làm nhà lưới, học hỏi thêm kinh nghiệm, anh Hiệp mạnh dạn chuyển sang trồng rau. Theo anh, “trồng rau CNC hiệu quả hơn hẳn. Với 2,4 sào ớt ngọt, trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu nhập cũng được 200 triệu đồng”.
 

Con đường vào khu sản xuất của thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường được bê tông hóa.

Chủ tịch UBND xã Trần Trọng Tuyên phấn khởi thông báo: NTM đã đem lại luồng sinh khí mới cho xã Tân Hội. Hơn 3 năm qua, bà con đã đóng góp hàng ngàn ngày công, hiến hàng trăm mét đất để làm đường, xã đã xây dựng được 35 tuyến đường (43km) từ đường trục xã đến đường thôn xóm, nội đồng; từ thảm nhựa, đến bê tông, cấp phối; xây thêm 47 phòng học, 100% hộ đã có điện lưới. Từ chỗ vận động, thuyết phục, bây giờ bà con đã tự giác, tích cực tham gia các công việc chung.

Sản xuất nông nghiệp phát triển, các mô hình rau hoa, dâu tằm, cà phê, chăn nuôi khá hiệu quả, bình quân thu nhập 116 triệu đồng/ha, nhiều mô hình CNC đem lại doanh thu gần tỷ đồng/ha; Thu nhập bình quân đầu người 32,5 triệu đồng/năm. Số hộ khá, giàu tăng, số hộ nghèo giảm xuống còn 1,5%. Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Mạnh Dũng cho biết: Tân Hội đang tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; tranh thủ các nguồn vốn, xây dựng, nâng cấp phòng học, đường giao thông, phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, liên kết sản xuất.

        Nhân rộng mô hình

Từ xã điểm Tân Hội, đến nay tỉnh Lâm Đồng có hơn 100 xã triển khai xây dựng NTM. Xã Xuân Trường (TP Đà Lạt), xứ sở của cà phê Arabica, vùng căn cứ cách mạng những năm kháng chiến, giờ cũng gần đạt các tiêu chí NTM. Anh Trần Như Dũng, Chủ tịch UBND xã, đưa chúng tôi đi thăm những con đường mới trải xi măng chạy dài, nối thôn này với thôn kia, từ khu dân cư đến khu sản xuất.

Ghé chơi nhà anh Phạm Dự (trưởng thôn Xuân Sơn), mọi người râm ran bàn chuyện hiến đất làm đường, chuyện trồng trà, cà phê, tình cảm xóm giềng thật thân thiết. Chị Trần Thị Minh Sơn, người hiến 500m2 đất làm đường thôn, hào hứng nói: “Mình mất đi một ít đất nhưng cả xóm được con đường. Có đường đẹp chạy qua, đất mình cũng thêm giá trị”. Chủ tịch Dũng cho biết: Bà con trong xã đã hiến đến 6.500m2 đất, đóng góp gần 10 tỷ đồng làm đường giao thông và các công trình công cộng khác. Bây giờ đời sống bà con khá hơn nhiều, bình quân 30 triệu đồng/người/năm. 

Xã Quảng Lập (huyện Đơn Dương) không phải xã điểm đầu tư NTM nhưng phát triển khá nhanh, chỉ vài năm quay lại đây đã thấy rõ sự đổi thay của một vùng đất. Trường học, nhà văn hóa, chợ khang trang sạch sẽ; những tuyến đường liên thôn dọc ngang, thẳng tắp hàng cột điện. Vùng đất được coi là “vựa rau” của tỉnh giờ “lên đời” nhờ điện, đường, trường, trạm và sản xuất nông nghiệp CNC. Những cánh đồng rau được trang bị nhà lưới, hệ thống tưới phun, ô tô chạy đến tận nơi vận chuyển, đỡ bao nhiêu công sức.

Phó Chủ tịch UBND xã Võ Minh Cường cho biết: Xã Quảng Lập ở ven sông Đa Nhim, có nghề trồng rau truyền thống, nay tiếp cận nhanh với CNC. Vườn ươm, nhà lưới, công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt… không còn lạ lẫm với nông dân ở đây. Theo anh Cường: Thu nhập từ trồng rau khá cao, bình quân 300 triệu đồng/ha/năm; đất đai rộng, nhiều khâu sản xuất nên ai cũng có việc làm, thậm chí, mỗi ngày có khoảng 200 người nơi khác đến đây làm thuê, công lao động 120.000 - 150.000 đồng/ngày. Đời sống ổn định, thu nhập bình quân 30 triệu đồng/người/năm. Kinh tế khá giả, chuyện đóng góp công ích không phải là chuyện lớn. Đến nay, toàn bộ đường trục xã đã được trải nhựa, đường trục thôn xóm, nội đồng đều được đổ đá cấp phối, một số tuyến đường được nhà nước hỗ trợ “xi măng hóa”, 100% hộ có điện. Năm trước, nhân dân góp trên 500 triệu đồng mắc điện chiếu sáng các tuyến đường. Cả ngôi chợ khang trang hơn 200 sạp cũng do nhân dân góp hơn 9 tỷ đồng (nhà nước hỗ trợ 2 tỷ đồng).

Nghe hỏi chuyện “dân vận”, Phó Chủ tịch Cường chỉ cười: “Đơn giản là việc mình đưa ra có lý, có tình, có lợi cho bà con. Làm đường tốt để chạy xe, thắp đèn sáng để đi tập thể dục, lại được nhà nước hỗ trợ nên bà con rất ủng hộ xây dựng NTM”. Không chỉ Quảng Lập, các xã khác ở huyện Đơn Dương cũng đang xây dựng NTM với nhiều sáng tạo, như vận động nhân dân làm đường giao thông, điện thắp sáng ở các xã Lạc Lâm, Lạc Xuân, Ka Đơn; mô hình trồng rau hoa CNC, liên kết doanh nghiệp - nông dân sản xuất khoai tây, chăn nuôi bò sữa tại các xã Ka Đô, Đạ Ròn, Tu Tra… 

Từ một xã, đến nay mô hình NTM đang được nhân rộng đến nhiều xã ở Lâm Đồng, hiện mô hình NTM đang được nhân lên cấp huyện. Và huyện Đơn Dương đang là đơn vị đầu tiên được chọn thí điểm xây dựng NTM ở Lâm Đồng.

"Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, tỉnh lấy trọng tâm là nông nghiệp CNC, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Từ định hướng này, các địa phương đã hình thành nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao, tính bình quân giá trị sản xuất toàn tỉnh hiện đạt khoảng 90 triệu đồng/ha. Cùng đó là việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, hình thành các HTX, tổ hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản"

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Phó ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng Hoàng Sĩ Sơn

 
Bình Nguyên
Nguồn sggp.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập146
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm144
  • Hôm nay37,179
  • Tháng hiện tại904,690
  • Tổng lượt truy cập90,968,083
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây