Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, đây là một bài toán khó, nếu không có sự phấn đấu cật lực và giải pháp đột phá thì khó có thể thực hiện được nhiệm vụ.
Theo ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thuỷ sản (Tổng cục Thủy sản), năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 3,15 tỷ USD. Nhưng chúng ta vẫn chưa đề cập đến vấn đề xuất khẩu tại chỗ (người nước ngoài sử dụng tôm tại Việt Nam) và giá trị xuất khẩu tiểu ngạch. Ngoài ra, chúng ta mới chỉ chú ý phát triển chuỗi giá trị của các đối tượng tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng). Hai đối tượng tôm hùm, tôm càng xanh (là những sản phẩm lợi thế, giá trị cao) chưa được tập trung đầu tư và quan tâm đúng mức.
Đại diện 8 Bộ, ngành cùng góp ý hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 tại Bộ NN-PTNT ngày 16/11/2017 |
Theo định hướng của Bộ NN-PTNT, để đạt được giá trị xuất khẩu tôm 10 tỷ USD, Việt Nam không cần mở rộng thêm quá nhiều diện tích nuôi (khoảng 15.000ha đến năm 2020 và 55.000ha năm 2025) mà chủ yếu đẩy nhanh tăng trưởng về giá trị và sản lượng, đặc biệt là đối tượng tôm sú.
Ông Cẩn thông tin, hiện nay, giá tôm sú là 18 USD/pound còn tôm thẻ chân trắng dao động từ 7 - 10 USD/pound. Như vậy, nếu nâng tổng sản lượng tôm nước lợ lên khoảng 1,1 triệu tấn; tôm càng xanh đạt 50.000 tấn và tôm hùm đạt 3.000 tấn, chúng ta sẽ cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Công an, nếu chỉ đặt mục tiêu sản lượng tôm đạt 1,1 triệu tấn đến năm 2015, thì sẽ không đạt được kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD. Cần phải có sản lượng khoảng 1,8 - 2 triệu tấn tôm nguyên liệu, vì từ năm 2014 - 2016, Việt Nam đã nhập khoảng 60.000 tấn tôm/năm với giá thành phẩm từ 7,89 - 9,38 USD/kg mới đạt được tổng giá trị xuất khẩu (trên dưới 3 tỷ USD/năm như đã công bố).
Cũng theo Bộ Công an, cần quy định cụ thể về việc kiểm soát sản xuất kinh doanh giống tôm. Thức ăn nuôi tôm cũng là vấn đề quan trọng, bởi một số ít doanh nghiệp sản xuất thức ăn của nước ngoài đang chiếm 70% thị phần của cả nước và chi phối khá mạnh mẽ.
Bộ Kế hoạch Đầu tư đặt vấn đề: Việc mở rộng thêm diện tích nuôi tôm khoảng 70.000ha từ nay đến năm 2025 cần tập trung ở đâu? Theo lý giải của Bộ NN-PTNT: “Việc mở rộng diện tích tập trung vào khu vực bãi bồi, đất hoang hoá, sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, rừng sản xuất, vùng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn của ĐBSCL (đã xem xét và đối chiếu với Quy hoạch sử dụng đất của Bộ TN-MT).
Theo dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025, tổng giá kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 10 tỷ USD, trong đó giá trị kim ngạch tôm nước lợ xuất khẩu là 8,4 tỷ USD. Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 750.000ha, diện tích nuôi tôm càng xanh tập trung đạt 50.000ha, nuôi tôm hùm đạt 1,3 triệu m3 lồng. |
Theo ông Như Văn Cẩn, để hoàn thành mục tiêu trên, kế hoạch phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 đã nêu ra 5 nhóm nhiệm vụ chiến lược. Đối với nuôi tôm nước lợ công nghiệp, chúng ta rất dễ nâng cao giá trị, nhưng còn phụ thuộc vào thị trường. Đặc điểm của nhóm này là cần nguồn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, có hệ thống kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh. Do đó, bằng mọi giá phải lôi kéo được doanh nghiệp vào cuộc.
Thứ hai, lợi thế của chúng ta là nuôi tôm sinh thái, tôm quảng canh với khoảng 560.000ha. Cần tổ chức lại sản xuất, ứng dụng các tiến bộ sản xuất giống, chăm sóc để đẩy năng suất trung bình lên 700kg/ha/năm vào năm 2025. Với đối tượng tôm càng xanh, hiện chúng ta đã có thị trường, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc.
Thực tế đã chứng minh, vùng nước mặn, nước lợ ở ĐBSCL là môi trường sống thích hợp của tôm càng xanh. Nhưng, công tác sản xuất giống trong nước rất kém. Đến năm 2025, cần phải nghiên cứu, sản xuất cung ứng giống tôm càng xanh đảm bảo chất lượng, đủ số lượng từ 2 - 3 tỷ con giống. Với tôm hùm, chúng ta phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên và chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, kém ổn định cần phải đẩy mạnh đàm phán thương mại để nâng tỷ lệ xuất khẩu chính ngạch tôm hùm.
Để giải những khó khăn của ngành tôm hiện nay, cần phải thực hiện tốt nhóm nhiệm vụ phát triển hệ thống chế biến, tiêu thụ, phát triển thị trường và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm tôm của Việt Nam. “Hiện chúng ta có hệ thống nhà máy chế biến tôm rất tốt. Vừa rồi chúng tôi sang làm việc tại Ecuador, rất nhiều sản phẩm của họ được nhập vào Việt Nam để chế biến. Như vậy, đây cũng là hướng đi giúp nâng cao giá trị xuất khẩu ngành tôm của Việt Nam”, ông Cẩn nói.
Chế biến tôm xuất khẩu |
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, muốn đạt được mục tiêu đặt ra, cần phải xây dựng đề án về xúc tiến thương mại và phòng vệ thị trường. Có như vậy, ngành hàng tôm vừa giữ vững và mở rộng được thị trường xuất khẩu, vừa chủ động phòng tránh, giảm thiểu rủi ro trước các rào cản thương mại.
Ngoài đầu tư thích đáng cho công tác nghiên cứu, phát triển giống, Thứ trưởng Tám cũng cho rằng, vấn đề đầu tư hạ tầng cung cấp điện 3 pha phục vụ các vùng nuôi tôm tập trung cũng rất quan trọng (theo ước tính của EVN, cần khoảng 1.500 tỷ đồng), chính phủ cần xem xét hỗ trợ lãi suất vốn vay cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam để khuyến khích ngành điện đầu tư vào khu vực này.
Theo: Minh Phúc/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã