Để tiếp tục thúc đẩy kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh ở địa phương phát triển, xã đã và đang huy động các đoàn thể, từng người dân trong xã tham gia đóng góp xây dựng quê hương. Ủy ban MTTQ xã tuyên truyền đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tổ chức giám sát việc xây dựng hạ tầng nông thôn. Hội nông dân xã vận động hội viên gương mẫu đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế, giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo. Hội liên hiệp phụ nữ xã có nhiệm vụ thực hiện cuộc vận động nuôi con khỏe, dạy con ngoan, hỗ trợ vốn giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, thực hiện “5 không, 3 sạch”. Hội cựu chiến binh xã có trách nhiệm vận động hội viên gương mẫu đi đầu trong phong trào xây dựng trang trại, cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi quy mô tập trung, xây dựng các công trình vệ sinh. Đoàn thanh niên xung kích đi đầu trong phong trào lập thân lập nghiệp, vận động đoàn viên, thanh niên xây dựng bộ mặt nông thôn xanh, sạch, đẹp. Hội người cao tuổi thực hiện tốt cuộc vận động “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, khuyến khích con cháu thực hiện tốt công cuộc XDNTM. Hội viên hội người cao tuổi còn đăng ký tham gia khai thác có hiệu quả các di tích lịch sử văn hóa nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của địa phương. Một sức mạnh tổng hợp, một “làn gió mới” đã được nhân lên trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội nhờ XDNTM. Từ sức mạnh ấy, năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đã đạt 17,9%, tổng sản lượng lương thực đạt 11.500 tấn. Với nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả, đến nay, bình quân lương thực đầu người của xã đã đạt 910 kg/người/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 31,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong xã chỉ còn 4%. Ông Trịnh Đăng Quê, bí thư đảng ủy xã Quý Lộc, khẳng định: Đạt tiêu chuẩn xã văn hóa và hoàn thành 19 tiêu chí NTM chỉ là bước đầu trong chương trình XDNTM của địa phương. Thời gian tới, xã sẽ không ngừng phấn đấu để phát triển toàn diện, đem lại cuộc sống no ấm, đủ đầy về vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân.
Sau hơn 2 năm bắt tay XDNTM, diện mạo mới ở vùng quê Thiệu Trung đã thay đổi đáng kể. Cả một khu làng nghề đúc đồng truyền thống đã được quy hoạch và xây dựng với hàng chục hộ dân tham gia. 400 lao động trong xã có việc làm thường xuyên với mức thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/tháng. Đây chính là điều kiện để xã chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các nghề tiểu - thủ công nghiệp theo tiêu chí NTM. Tính riêng năm 2012, doanh thu của nghề đúc đồng toàn xã đã đạt 25 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xã Thiệu Trung đã tập trung xây dựng các mô hình sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật... Hơn 2 năm qua, xã đã xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp như: trồng nấm, thâm canh mía cao sản, cơ giới hóa đồng bộ. Năm 2010, giá trị sản xuất/ha của xã mới đạt 74,7 triệu đồng, nay đã tăng lên 86 triệu đồng/ha/năm. Sự phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế đã đưa thu nhập bình quân đầu người của xã lên 22,9 triệu đồng/năm 2012 (năm 2010 mới đạt 11,3 triệu đồng). Những chuyển biến từ XDNTM đã tạo được sự phấn khởi, tin tưởng trong các tầng lớp nhân dân, đẩy nhanh quá trình chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Đến Thiệu Trung hôm nay, ấn tượng đầu tiên là những cổng làng và đường giao thông liên thôn đã được cứng hóa. Hệ thống cơ sở hạ tầng đã được thẩm định là “chuẩn” theo tiêu chí. Đời sống tinh thần của người dân cũng được nâng cao. Theo ông Lê Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung: “Quá trình XDNTM, chúng tôi phải chú ý phát triển đồng bộ cả về kinh tế và văn hóa. Gìn giữ bản sắc văn hóa cũng là trách nhiệm của chúng tôi bởi đây là vùng đất địa linh nhân kiệt. Từ thế kỷ X đến XIX, vùng đất này có 10 danh nhân được lưu truyền sử sách. Xã hiện có 2 di tích cấp quốc gia (đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu và đền thờ tổ sư nghề đúc đồng Khổng Minh Không), 2 di tích lịch sử cấp tỉnh (hầm chỉ huy của Thường trực Ủy ban Hành chính Thanh Hóa và từ đường họ Nguyễn - thờ Nguyễn Mộng Tuân). Trên địa bàn xã còn có chùa Hưng Nguyên, khu văn chỉ hàng huyện ghi công đức 10 vị danh nhân, khoa bảng trong vùng. Xã đã khôi phục và tổ chức thành công hội làng (10-2 âm lịch) và ngày giỗ nhà sử học Lê Văn Hưu (23-3 âm lịch)...”.
Có dịp đến xã Minh Dân, ai cũng cảm nhận nhịp sống nơi đây như nhộn nhịp hẳn lên, nhất là vào mỗi buổi chiều khi bà con trong xã tập trung ra khu vực sân vận động chơi thể thao. Đây chính là kết quả của việc thực hiện tiêu chí thứ 16 trong XDNTM ở xã Minh Dân. Trạm y tế xã cũng mới được xây mới, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu và chăm sóc sức khỏe cho người dân trong xã. Đường làng ngõ xóm sạch đẹp, nhà cửa khang trang, 7/7 thôn đều xây dựng được nhà văn hóa theo mẫu thống nhất. Cũng như ở Thiệu Trung và Quý Lộc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Minh Dân đã có nhiều đổi mới sau khi xã hoàn thành các tiêu chí XDNTM.
Trên lộ trình XDNTM, Thiệu Trung, Minh Dân, Quý Lộc đã về đích sớm. Cuộc sống mới đang hiện hữu ở những xã “nông thôn mới” củng cố thêm niềm tin và quyết tâm XDNTM thành công ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh ta. Thiết nghĩ, để giữ vững và phát huy những thành quả đã đạt được, những xã “nông thôn mới” và các xã đang XDNTM cần tiếp tục có sự nỗ lực không ngừng, không chủ quan, thỏa mãn, luôn đề cao thực hiện quy chế dân chủ, phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân trong tham gia XDNTM.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã