Chuyện “làng Nhô”
Về thôn Lác Nhuế hôm nay, các tuyến đường làng, ngõ xóm đều được bê-tông hóa, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Chứng kiến đời sống người dân ngày càng được cải thiện, người ta không thể hình dung nổi chỉ mới 15 năm trước, nơi đây từng rơi vào vòng tăm tối.
Ông Trịnh Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Hóa, là người thôn Lác Nhuế, đưa chúng tôi từ thực tại trở về quá khứ, để lắng nghe những thăng trầm của làng này. Xưa Lác Nhuế nổi tiếng là nơi nghèo nhất nhì tỉnh Hà Nam, nhưng cũng được mệnh danh là làng kiên cường nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Những năm 1948-1954, cả tỉnh Hà Nam bị giặc Pháp chiếm đóng, nhưng chưa một lần chúng vào được Lác Nhuế bởi thành lũy nơi đây là “bất khả xâm phạm”.
Kể về sự kiện “đòi đất” của làng cách đây gần 20 năm, ông Thắng chia sẻ: “Trong tiểu thuyết “Kẻ ám sát cánh đồng” cũng như phim “Chuyện làng Nhô”, nhân vật chính đã được đổi tên thành Trịnh Khả với nhiều chi tiết hư cấu, khiến câu chuyện vượt quá xa so với thực tế. Nhân vật nguyên mẫu ngoài đời là Trịnh Văn Khải, vốn là kỹ sư điện máy thủy, sau một thời gian tu nghiệp ở nước ngoài trở về và giảng dạy tại Đại học Hàng hải (Hải Phòng). Thuở ấy, bắt đầu thực hiện chế độ khoán mới trong nông nghiệp, huyện Kim Bảng cắt 75 mẫu ruộng của thôn Lác Nhuế cho các nơi khác, lợi dụng việc này, cộng với sự bất mãn, Khải lập kế hoạch xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước. Y tập hợp một số cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, mắc sai phạm trong quản lý kinh tế ở làng để tuyên truyền, kích động bằng cách đâm đơn kiện đòi đất lên các cấp chính quyền như UBND huyện Kim Bảng, UBND tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) và Tổng cục Quản lý ruộng đất. Song y chỉ nhận được thư trả lời rằng việc đòi ruộng đất là không có căn cứ, trái quy định của Luật Đất đai hiện hành.
Cho rằng câu trả lời không thỏa đáng, Khải tập hợp một số quần chúng quá khích kéo nhau lên Trung ương tiếp tục khiếu kiện. Sau đó, Trung ương có Công văn số 447 chuyển đơn kiện về UBND tỉnh để UBND tỉnh trả lời một cách rõ ràng hơn việc đòi đất là sai. Nhưng Khải xuyên tạc rằng: Trung ương đã đồng ý giải quyết việc đòi ruộng đất, đồng thời Khải lập ra cái gọi là “Ban 447” (gồm những phần tử thoái hóa biến chất) và tự đề ra nhiệm vụ chống tham nhũng ở địa phương. Khải bức ép dân làng phải theo hắn bằng những câu khẩu hiệu “Ai không đi đòi ruộng đất, khi chết không cho chôn ở làng”, “Ai không góp tiền, gạo để “Ban 447” đi đòi ruộng đất, khi đòi được sẽ không được chia”... Khải còn sử dụng “Ban 447” để đi xiết nợ trong làng, tổ chức canh gác, cản trở việc đi lại của nhân dân và chống lại việc cán bộ đến làng thu thuế. Với những hành động phi pháp đó, Trịnh Khải đã bị bắt và xử tử hình”.
Lác Nhuế yên bình trở lại, nhưng cái tên “làng Nhô” đã để lại một tiếng xấu cho làng. Sau khi bộ phim “Chuyện làng Nhô” chiếu trên Đài Truyền hình Việt Nam, người Lác Nhuế bị dân các xã xung quanh cô lập, tẩy chay. Người ta bảo nhau “dân làng Nhô ác lắm” và ngại buôn bán, kết thông gia với người Lác Nhuế.
Vượt qua tăm tối
Đưa chúng tôi đi một vòng quanh thôn, ông Thắng khoe: “Lác Nhuế là thôn đông dân nhất tỉnh với gần 5.500 khẩu, chiếm hơn một nửa dân số của xã. Thông thường, nơi người nhiều, ruộng ít thì dân sẽ nghèo, nhưng bây giờ Lác Nhuế đã trở thành thôn giàu nhất huyện Kim Bảng. Năm 2012, thu nhập bình quân của tỉnh Hà Nam đạt 14 triệu đồng/người nhưng xã Đồng Hóa đã đạt 21 triệu đồng/người, riêng thôn Lác Nhuế đạt hơn 23 triệu đồng/người”.
Thực tế thấy, người dân Lác Nhuế khá tháo vát, cần cù, ngược xuôi buôn bán đủ nghề. Hễ thấy ở đâu có nghề gì kiếm ra tiền là họ đem về làng, nào là thêu may quần áo, túi, ví thổ cẩm, làm hàng lưu niệm, buôn bán sắt vụn, đồng nát, rồi sản xuất đồ mộc mỹ nghệ... Hiện Lác Nhuế có khoảng 600 hộ mở cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm cho 20 - 40 lao động/cơ sở với thu nhập bình quân 2-5 triệu đồng/người/tháng. Thôn hiện có hơn 400 tỷ phú, tỷ lệ hộ - giàu chiếm tới 55%, hộ nghèo chỉ còn khoảng 6%.
Dẫn chúng tôi đến trước một ngôi biệt thự 5 tầng, ông Thắng cho biết, chủ ngôi nhà là anh Nguyễn Văn Phúc – người được coi là có nhiều tiền bạc nhất nhì làng. Cách đây mươi năm, anh Phúc chỉ là tay buôn bán “cò con”, thi thoảng lên Tây Bắc lấy vài triệu tiền hàng về giao cho các đại lý dưới xuôi, nhưng nhờ nhạy bén với thương trường cùng đôi tay khéo léo, anh Phúc đã mạnh dạn mở xưởng may công nghiệp chuyên sản xuất hàng thổ cẩm, tạo việc làm cho 50 công nhân tại xưởng và hàng trăm lao động gia công.
Chị Trịnh Thị Thương, con gái ông Trịnh Khải đang hướng dẫn công nhân thêu ren. |
Theo lời ông Thắng, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất của chị Thương. Trong ngôi nhà lớn xây khá đẹp đang có khoảng 15 công nhân mải mê làm việc. Chị Thương cho biết: “Sản phẩm của cơ sở chủ yếu là hàng quà tặng, lưu niệm, bán cho các đại lý ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế. Ngoài 15 công nhân làm việc tại xưởng với thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/người/tháng, còn có khoảng 20 gia đình nhận nguyên liệu về may gia công, thu nhập bình quân khoảng 2,5 triệu/tháng”.
Hiện, mỗi năm cơ sở của chị sản xuất và tiêu thụ gần 100.000 chiếc ví, 70.000 chiếc túi thổ cẩm, doanh thu đạt 3 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 200-250 triệu đồng.
Hỏi về những tháng ngày cũ, chị Thương nói: “Khi bố và anh trai mất, mẹ em ốm suốt, may có bà con làng xóm cưu mang giúp đỡ mới qua được. Lúc ấy em đang học cấp 3, bị các bạn tẩy chay không thèm nói chuyện, nên em phải bỏ học; 15 tuổi phải đi làm thuê kiếm sống, lấy tiền chữa bệnh cho mẹ. Sau nhiều năm lao động miệt mài, tích lũy được ít vốn, em về quê mở cơ sở sản xuất này. Bố bị tử hình chỉ vì quá sùng bái đất đai, nên thành ra em sợ đất, không dám ra đồng ruộng vì cứ nhìn thấy đồng lúa là lòng lại đau như cắt. Giờ mỗi khi giỗ bố, em lại khấn rằng: Con không cần đất ruộng, vẫn làm giàu được, bố ơi!”.
Xã điểm XDNTM
Anh Phạm Hồng Huy, cán bộ văn phòng UBND xã Đồng Hóa cho biết, Đồng Hóa là địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, giờ đây thửa ruộng nhỏ nhất của xã cũng một mẫu, nhiều thửa rộng hơn 1ha. Nếu tính bình quân thì mỗi khẩu chỉ có 1 sào ruộng, nhưng nhờ có tới 2/3 số hộ chuyển sang làm tiểu thủ công nghiệp nên đã chuyển ruộng cho anh em họ hàng hoặc những người khác gieo cấy. Lác Nhuế có 5.500 khẩu thì hơn 3.000 khẩu không cần bám vào đất ruộng mà vẫn giàu.
Được chọn là một trong những xã điểm XDNTM của tỉnh Hà Nam, vừa qua, tỉnh đã tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện công tác XDNTM ngay tại xã để các địa phương đến học tập. Ông Trịnh Văn Thụ, Chủ tịch UBND xã Đồng Hóa cho biết: Xã hiện không còn nhà nào dột nát, 100% nhà dân đều xây kiên cố, vững chãi. Tổng nguồn lực huy động XDNTM trong 2 năm qua đạt hơn 55 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 16,5 tỷ đồng; ngân sách xã hơn 32,6 tỷ đồng; nhân dân đóng góp hơn 5 tỷ đồng. Đến nay, 100% hệ thống đường trục, đường ngõ xóm, hệ thống thủy lợi đều đã được kiên cố hóa. Về giáo dục, xã có 2 trường tiểu học, một trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia và hiện đang xây dựng trường mầm non 2 tầng với tổng vốn đầu tư 10 tỷ đồng, sẽ hoàn thành vào đầu năm 2013 này. Chúng tôi cũng đang triển khai xây chợ với vốn đầu tư 2,7 tỷ đồng.
Tỷ trọng nông - lâm - thủy sản đã giảm mạnh trong cơ cấu kinh tế của xã, chỉ còn 40,5%, trong khi công nghiệp - xây dựng chiếm 41,29%; dịch vụ 18,12%. Toàn xã có 14 đội vệ sinh chuyên thu gom rác, vận chuyển về bãi rác thải của các thôn, vì vậy mà làng xóm luôn sạch sẽ. Hiện, cả 5 thôn của xã đều được công nhận là làng văn hoá; các làng đều xây dựng quy ước và thực hiện một cách nghiêm túc…
Thành công nhất ở Đồng Hóa phải kể đến mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự” gắn với “xây dựng gia đình văn hóa mới”. Mô hình này được duy trì 10 năm qua, nhờ đó mà ở đây, nếp sống kỷ cương, tôn trọng pháp luật được phát huy.
Năm 2011, Đồng Hóa được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và hiện đang chuẩn bị đón nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc do UBND tỉnh tặng.
Quá khứ đã lùi xa, người “làng Nhô” hôm nay tự tin xây dựng tương lai cho bản thân và quê hương từ sự năng động, nhạy bén và bước đầu đã thành công...
Chu Khôi
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã